“Xoắn tinh hoàn có tự khỏi không?” là thắc mắc của nhiều nam giới khi vô tình mắc phải căn bệnh này. Thực tế đây là tình trạng cấp cứu, không thể tự khỏi mà phải can thiệp phẫu thuật kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm. Trong một số trường hợp, nếu người bệnh không tháo xoắn kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Khái niệm xoắn tinh hoàn
Theo đó, tinh hoàn là bộ phận sinh dục nam nằm bên trong bìu và bên dưới dương vật, đóng vai trò sản xuất tinh trùng và hormone nam giới. Thừng tinh là nơi thực hiện chức năng dẫn máu đến tinh hoàn để đảm bảo các hoạt động được xảy ra bình thường.
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng do sự phát triển bất thường của lớp tinh mạc và thừng tinh dẫn đến sự gắn dính không hoàn toàn của tinh hoàn vào lớp tinh mạc. Sự phát triển bất thường này dẫn đến việc tinh hoàn xoắn quanh thừng tinh một cách tự nhiên hoặc do nguyên nhân chấn thương.
Tỷ lệ xuất hiện bất thường về mặt giải phẫu này là khoảng 12% ở nam giới. Theo các chuyên gia, xoắn tinh hoàn hay gặp nhất trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi hay trong thời gian trẻ còn ẵm ngửa. Xoắn tinh hoàn hiếm khi xuất hiện ở nam giới trên 30 tuổi và thường xoắn tinh hoàn hay bị ở tinh hoàn trái.
Triệu chứng và nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn
Triệu chứng của xoắn tinh hoàn
Triệu chứng điển hình khi bị xoắn tinh hoàn là việc xuất hiện những cơn đau dữ dội ở một bên cơ quan và có thể xảy ra bất cứ lúc nào như khi ngủ, khi thức, ngồi hay vận động. Một số dấu hiệu thường xuất hiện như:
- Xuất hiện khối u ở trên tinh hoàn.
- Tinh hoàn một bên cao một bên thấp.
- Bìu xuất hiện màu sắc bất thường, từ màu đỏ sang tím, nâu, đen.
- Sưng đau 1 bên bìu.
- Nôn và buồn nôn.
- Tăng tần suất đi tiểu.
- Sốt cao.
Nếu cảm thấy một hay hai tinh hoàn bị khó chịu hay đau đột ngột nhưng không kèm theo các triệu chứng, người bệnh vẫn cần đi khám để được tư vấn kịp thời. Đây là một dấu hiệu y tế khẩn cấp và cần được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến xoắn tinh hoàn vẫn chưa được xác định cụ thể, một số nguyên nhân được nghi ngờ bao gồm:
- Do yếu tố di truyền: Hầu hết các trường hợp nam giới bị xoắn tinh hoàn đều liên quan đến yếu tố di truyền, và cả hai tinh hoàn đều có nguy cơ bị ảnh hưởng.
- Do chấn thương: Tinh hoàn cũng có thể bị xoắn sau khi nam giới vận động mạnh, chấn thương nhẹ hay thậm chí trong quá trình ngủ.
- Quá trình phát triển của tinh hoàn trong độ tuổi dậy thì.
Xoắn tinh hoàn có tự khỏi không?
Vấn đề khiến nhiều nam giới quan tâm là liệu “xoắn tinh hoàn có tự khỏi không?”. Thực tế, câu trả lời là không, đây là tình trạng không thể tự khỏi, thậm chí đây là tình trạng khẩn cấp và cần được cấp cứu kịp thời. Ngay lập tức các triệu chứng xuất hiện với tình trạng đau khởi phát nhanh, dữ dội kèm theo nôn mửa, tiếp theo là vùng bìu sưng lên và trở nên cứng. Đôi khi kèm theo sốt và đi tiểu nhiều. Nếu người bệnh không được phẫu thuật kịp thời trong vòng 6 giờ, bác sĩ có thể phải cắt bỏ tinh hoàn bị tổn thương. Đối với trẻ sơ sinh, mổ cắt bỏ là phương pháp duy nhất và phần còn lại của cơ quan sẽ được cố định vào thành bìu để tránh bị xoắn.
Tình trạng này không thể tự khỏi, nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm:
- Tổn thương tinh hoàn vĩnh viễn: Tinh hoàn xoắn nếu kéo dài hơn 6 tiếng mà không được điều trị sẽ dẫn đến chết mô và gây tổn thương cơ quan vĩnh viễn.
- Gây vô sinh: Theo các nghiên cứu, cứ 3 bệnh nhân thì có 1 trường hợp bị giảm lượng tinh trùng sau khi bị xoắn tinh hoàn, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Nhiễm trùng máu: Đây là trường hợp khá hiếm gặp vì xoắn tinh hoàn kéo dài mà không được điều trị thì sẽ dẫn đến hoại tử và nhiễm trùng máu. Nếu nhiễm trùng nghiêm trọng và lan rộng thì sẽ gây tổn thương các cơ quan lân cận, thậm chí là tử vong.
Phương pháp điều trị xoắn tinh hoàn
Người bệnh cần gặp bác sĩ ngay khi có cảm giác đau tinh hoàn đột ngột, dữ dội. Việc điều trị kịp thời giúp ngăn ngừa những tổn thương nghiêm trọng hay mất tinh hoàn.
Phẫu thuật là phương án cần thiết để tháo xoắn tinh hoàn. Phẫu thuật càng sớm thì khả năng được cứu chữa càng cao và hạn chế các biến chứng. Sau khoảng 6 giờ kể từ khi cơn đau bắt đầu, tỷ lệ phải cắt bỏ tinh hoàn tăng lên rất nhiều. Nếu quá trình phẫu thuật bị trì hoãn sau 12 giờ, ít nhất 75% trường hợp cần được thực hiện phẫu thuật cắt bỏ cơ quan.
Vài ngày đầu sau mổ, người bệnh có thể cảm thấy khá đau đớn, kèm theo hiện tượng sưng và bầm tím ở bìu trong khoảng 1 tuần. Sau đó mức độ đau sẽ giảm và nam giới sẽ quay lại cuộc sống bình thường. Trong khoảng thời gian 3 – 4 tuần sau khi phẫu thuật không nên mang vác vật nặng hay hoạt động gắng sức.
Trên đây là những thông tin hữu ích về tình trạng xoắn tinh hoàn và giải đáp cho bạn đọc câu hỏi “xoắn tinh hoàn có tự khỏi không?”. Với những thông tin trên, hẳn bạn đọc đã hiểu xoắn tinh hoàn là một tình trạng cấp cứu và cần được điều trị kịp thời đến hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm.
Xem thêm: Xoắn tinh hoàn ở trẻ có nguy hiểm không?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.