Nếu bạn đang mang thai, chắc hẳn bạn đang thắc mắc về việc vỡ ối xảy ra đối với mình: Khi nào nó sẽ xảy ra, cảm giác sẽ như thế nào và phải làm gì tiếp theo?. Nhận biết các dấu hiệu vỡ ối và biết được ý nghĩa của nó đối với thời gian sinh em bé của bạn là điều quan trọng. Bài viết sau đây sẽ giải đáp những thắc mắc về vỡ ối để các mẹ bầu tham khảo.
Nước ối là gì? Vai trò của nước ối đối với thai nhi
Thai nhi được bảo vệ trong một túi có chứa đầy dịch lỏng bên trong được gọi là túi ối. Nước ối và túi ối được coi như lớp đệm lót xung quanh giúp bảo vệ thai khỏi sự chèn ép bởi những cơ quan xung quanh, tạo không gian để thai nhi có thể xoay trở dễ dàng trong bụng mẹ. Đồng thời, vai trò của túi ối và nước ối cũng giúp thai nhi tránh khỏi những tác nhân gây hại có thể đến từ âm đạo hay tử cung.
Ngoài vai trò bảo vệ và cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi, trong quá trình chuyển dạ, nước ối có những tác dụng như sau:
- Giúp mở cổ tử cung thuận lợi hơn, thai nhi sẽ đỡ bị sang chấn bởi những cơn co tử cung gây ra;
- Nước ối là môi trường vô trùng bảo vệ mẹ và bé, đảm bảo không bị nhiễm trùng trong quá trình chuyển dạ;
- Nước ối có tính chất nhờn giúp đường âm đạo của mẹ được bôi trơn giúp thai nhi được sinh ra một cách dễ dàng hơn.
Vỡ ối là gì? Vỡ ối sớm là vào khoảng thời gian nào?
Màng của túi ối đến gần lúc sinh em bé theo tự nhiên sẽ trở nên yếu dần và bị rách, chất lỏng sẽ rò rỉ ra ngoài qua cổ tử cung và âm đạo. Vỡ nước ối thường xảy ra khi thai đã đủ tháng, là dấu hiệu cho thấy rằng em bé sắp chào đời. Thông thường thì màng ối sẽ khi chuyển dạ một cách tự nhiên hoặc do nhân viên y tế tác động. Hiện tượng này có thể xảy ra sớm hơn nghĩa là màng nối bị rách trước khi chuyển dạ gọi là vỡ ối sớm. Tình trạng nghiêm trọng hơn là vỡ ối non, màng ối bị vỡ khi tuổi thai nhỏ hơn 37 tuần.
Tình trạng ối vỡ sớm hoặc ối vỡ non xảy ra ở khoảng 3% trong số những phụ nữ mang thai. Trường hợp vỡ ối sớm trên thực tế không đáng lo ngại, những trường hợp vỡ ối non thì lại có nhiều rủi ro có thể làm cho thai nhi gặp phải những nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết sơ sinh sớm, sinh non và những biến chứng khác.
Những biểu hiện cho thấy mẹ bầu vỡ ối
Một số dấu hiệu để nhận biết tình trạng vỡ ối, tuy nhiên, ở mỗi thai phụ biểu hiện vỡ nước ối có thể khác nhau. Cụ thể như sau:
- Mẹ bầu có thể cảm nhận được rất rõ sự “bục” ra của túi nước ối, sau đó nước ối sẽ chảy ra nhiều, có thể chảy thành dòng hoặc thậm chí là tuôn ồ ạt, chảy ngắt quãng hoặc liên tục.
- Đối với một số mẹ bầu, lượng nước ối chảy ra rất ít, có thể chỉ gây ướt quần lót vì thế khiến nhiều mẹ bầu đôi khi nhầm lẫn với biểu hiện bị són tiểu do áp lực của thai nhi lên bàng quang hoặc hiện tượng xuất huyết trắng. Do đó, mẹ bầu cần quan sát kỹ để phân biệt, có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Thông thường nước ối sẽ có đặc điểm là khá trong, chiếm phần lớn là nước, có màu nhạt và không có mùi.
Vỡ nước ối bao lâu thì đẻ?
Việc đưa giải đáp cho thắc mắc vỡ nước ối bao lâu thì là rất khó vì còn dựa vào nhiều yếu tố quan trọng khác như nước ối vỡ vào thời điểm nào trong thai kỳ, chuyển dạ kéo dài trong bao lâu,… Theo kinh nghiệm của các bác sĩ sản khoa, với những trường hợp thai đủ tháng thì từ lúc vỡ ối đến khi sinh có thể cách nhau khoảng 12 – 24 tiếng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu vỡ ối mà mẹ bầu vẫn không thể sinh con theo cách thông thường, các bác sĩ sẽ có thể can thiệp bằng cách kích thích chuyển dạ hay sinh mổ, đảm bảo an toàn cho thai nhi. Lý do là vì khi vỡ ối, nước ối để càng lâu sẽ tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập và tăng nguy cơ nhiễm trùng cho bé.
Bước vào giai đoạn chuyển dạ, mẹ bầu có thể cảm nhận được những cơn gò tử cung nhẹ xuất hiện lặp lại nhiều lần trong khoảng vài giờ hoặc vài ngày. Khi chuyển dạ tích cực, những cơn gò bắt đầu dữ dội, diễn ra liên tiếp và đều hơn, cổ tử cung lúc này cũng ngày càng mở rộng hơn. Giai đoạn chuyển dạ tích cực kết thúc và cổ tử cung sẽ mở rộng tối đa và mẹ bầu bước vào lúc sinh con.
Phải làm gì khi bị vỡ nước ối?
Mẹ bầu cần làm gì tiếp theo khi bị vỡ ối?
Mẹ bầu cần được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản cũng như tâm lý sẵn sàng khi nhận biết tình trạng vỡ nước ối để xử trí sau đó và đến thăm khám, nhập viện kịp thời:
Với trường hợp vỡ nước ối khi thai đã hơn 37 tuần tuổi, mẹ bầu cần nhập viện để chờ chuyển dạ. Mẹ có thể chuẩn bị một số việc như sau trong thời gian chờ đợi sinh em bé:
- Ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi để chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho quá trình sinh em bé;
- Có thể đi lại nhẹ nhàng để hỗ trợ cho quá trình sinh được dễ dàng, thuận lợi hơn;
- Nếu nước ối tiếp tục rỉ ra, mẹ bầu cần dùng băng vệ sinh và thay băng vệ sinh thường xuyên, đảm bảo khô thoáng và sạch sẽ.
Bên cạnh đó, mẹ bầu và người thân hãy kiểm tra lại những vật dụng cần thiết để có sự chuẩn bị đầy đủ nhất cho ngày nhập viện sắp tới.
Mẹ bầu cần nhập viện sớm trong những trường hợp nào?
Mẹ bầu cần lưu ý đề để viện sớm khi gặp phải một trong những tình trạng dưới đây:
- Nước ối có những đặc điểm bất thường như có mùi hôi, tanh, màu đen hoặc lẫn máu. Nước ối bị rỉ có màu xanh hoặc vàng có thể là dấu hiệu bị lẫn với phân su của bé và sẽ rất nguy hiểm nếu bé hít phải phân su, lúc này mẹ cần nhanh chóng đến bệnh viện;
- Mẹ bầu bị vỡ nước ối ở giai đoạn thai dưới 37 tuần tuổi cần được nhập viện sớm để được theo dõi thêm để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé.
Ngoài những biểu hiện bất thường của nước ối trên, mẹ bầu cần nhanh chóng nhập viện nếu sau khi vỡ ối có một trong số các triệu chứng sau:
- Sốt, mệt mỏi, đổ mồ hôi thường xuyên;
- Thai nhi ít cử động hơn;
- Xuất hiện những cơn đau ở vùng bụng kéo dài liên tục.
Ngoài ra mẹ bầu cũng cần phải hết sức lưu ý trường hợp màng ối chưa vỡ hoàn toàn và chỉ có một ít dịch ối rỉ ra, có thể sẽ rất khó để xác định được có vỡ ối thật sự hay không. Nếu khi về thai phụ vẫn thấy có nước rỉ ra thì nên quay trở lại bệnh viện để được thăm khám.
Diễm Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.