Vaccine là một trong những thành tựu vĩ đại của nền y học hiện đại. Con người đẩy lùi và thanh toán được nhiều dịch bệnh là nhờ vaccine.
Vaccine bất hoạt là gì?
Vaccine bất hoạt được sản xuất bằng cách nuôi cấy tác nhân gây bệnh, thường là virus trong những môi trường thích hợp. Khi chúng đã phát triển đầy đủ, nhiệt, hóa chất hoặc tia xạ sẽ được sử dụng để phá hủy vật chất di truyền và “làm chết” các mầm bệnh này.
Dù vật chất di truyền đã bị phá hủy, tác nhân gây bệnh vẫn chứa nhiều thành phần có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch. Khi đi vào cơ thể, kháng nguyên từ mầm bệnh sẽ được các tế bào trình diện kháng nguyên (APC) nhận diện và vận chuyển đến hạch bạch huyết. Trong quá trình vận chuyển, các tác nhân gây bệnh sẽ được enzyme phân cắt thành các đoạn peptide, gọi là epitope. Các epitope này sẽ liên kết với phân tử MHC để tạo ra phức hợp peptide-MHC trên bề mặt tế bào.
Sau đó, phức hợp này được tế bào T ở hạch bạch huyết nhận diện nhờ các thụ thể tế bào T, từ đó kích thích phản ứng miễn dịch đặc hiệu với kháng nguyên thông qua trung gian kháng thể hoặc qua trung gian tế bào. Quá trình này tạo ra “bộ nhớ miễn dịch” giúp cơ thể chống lại một mầm bệnh cụ thể, đồng thời cho phép hệ thống miễn dịch phản ứng nhanh và hiệu quả hơn khi tiếp xúc với mầm bệnh đó trong tương lai.
Ưu và nhược điểm của vaccine bất hoạt
Nhìn chung, loại vaccine nào cũng có những ưu và nhược điểm riêng. Nếu so với các loại vaccine sống giảm độc lực (vaccine chứa các tác nhân gây bệnh còn sống nhưng bị làm cho suy yếu), hiệu lực bảo vệ của vaccine bất hoạt thường kém hơn. Điều này là do vaccine bất hoạt chỉ kích thích phản ứng miễn dịch qua trung gian kháng thể nên phản ứng sẽ yếu và tồn tại trong thời gian ngắn hơn. Đây cũng là nguyên nhân vì sao vaccine bất hoạt cần được tiêm thêm 3 – 4 liều nhắc lại để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, trong khi vaccine sống giảm độc lực chỉ cần 1 – 2 liều.
Thêm vào đó, việc sản xuất vaccine bất hoạt cần cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đảm bảo tiêu chuẩn để nuôi cấy vi khuẩn và virus một cách an toàn, đồng thời cần thời gian tương đối dài hơn so với các loại vaccine khác.
Ngược lại, vaccine bất hoạt cũng mang đến nhiều ưu điểm nổi bật. Đầu tiên, vì mầm bệnh trong vaccine đã chết nên điều kiện bảo quản của vaccine bất hoạt sẽ không nghiêm ngặt như vaccine sống giảm độc lực. Việc này giúp vaccine có thể được vận chuyển đến những khu vực còn khó khăn, chưa có đủ trang thiết bị bảo quản hiện đại.
Thứ hai, vaccine bất hoạt là mầm bệnh đã chết hoặc bất hoạt hoàn toàn nên không thể tái tạo và trở về dạng hoạt động để gây bệnh. Vì vậy, chúng sẽ phù hợp cho nhiều đối tượng, kể cả người có hệ miễn dịch bị tổn thương.
Các loại vaccine bất hoạt phổ biến
Có nhiều loại vaccine được nghiên cứu và phát triển theo công nghệ này như: vaccine viêm gan A, vaccine cúm (đường tiêm), vaccine bại liệt (đường tiêm), vaccine dại, vaccine ho gà.
Công nghệ vaccine bất hoạt cũng đang được áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa Covid-19. Verocell và Hayat – Vax là hai loại vaccine ngừa Covid-19 được bào chế bằng cách bất hoạt virus corona.
Thủy Phan
Nguồn Tham Khảo: Tổng Hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.