Trẻ 1 tuổi hay bị nôn trớ là một vấn đề phổ biến mà nhiều bậc phụ huynh phải đối mặt trong giai đoạn phát triển của con. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguyên nhân và khám phá những giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giúp bé yêu của bạn tránh được tình trạng nôn trớ hay rối loạn tiêu hóa.
Nguyên nhân khiến trẻ 1 tuổi hay bị nôn trớ
Có một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ 1 tuổi hay bị nôn trớ. Cụ thể:
- Dạ dày chưa phát triển: Hệ tiêu hóa của trẻ 1 tuổi chưa hoàn thiện, dạ dày còn nhỏ và chưa phát triển đầy đủ và dễ khiến bé bị nôn trớ.
- Ăn quá no: Nếu trẻ ăn quá nhiều hoặc quá nhanh, dạ dày của bé có thể bị quá tải dẫn đến tình trạng nôn trớ.
- Dị ứng thức ăn: Một số trẻ 1 tuổi có thể bị dị ứng với các thành phần trong thức ăn như sữa, trứng, hạt hoặc hải sản khiến trẻ có thể bị nôn trớ.
- Giai đoạn ăn dặm ở trẻ 1 tuổi: Độ tuổi 1 – 3 tuổi là giai đoạn bé bắt đầu ăn dặm. Trẻ 1 tuổi có thể bị nôn trớ là do chưa thích nghi với các loại thức ăn mới.
- Bệnh lý tiêu hóa: Hệ miễn dịch của bé còn non nớt khiến bé dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa, mà đây lại là nguyên nhân gây ra tình trạng nôn trớ ở trẻ 1 tuổi.
- Ngộ độc thức ăn ở trẻ: Nếu bé 1 tuổi bị nôn liên tục trong ngày, có thể bé đã bị ngộ độc thức ăn. Nôn trớ xảy ra sau vài giờ sau khi ăn và xuất hiện liên tục,làm bé cảm thấy khó chịu và mệt mỏi.
Với mỗi trường hợp, nếu mẹ lo lắng về tình trạng nôn trớ của bé, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và đánh giá sức khỏe của bé một cách chính xác.
Giải đáp trẻ 1 tuổi hay bị nôn trớ có sao không?
Trẻ 1 tuổi hay bị nôn trớ là một hiện tượng khá phổ biến. Nôn trớ có thể xuất hiện sau khi bé ăn quá no hoặc do bé tiếp xúc với các loại thức ăn mới chưa quen. Trong những trường hợp như vậy, nôn trớ là một phản xạ sinh lý bình thường của cơ thể và không gây hại cho bé.
Tuy nhiên, nếu trẻ 1 tuổi bị nôn trớ một cách liên tục trong ngày hoặc có các triệu chứng bất thường khác như sút cân, chậm lớn, sốt, đau bụng thì có thể đây là dấu hiệu của một bệnh lý nào đấy.
Nôn trớ ở trẻ 1 tuổi không gây nguy hiểm nếu không có các triệu chứng bất thường khác đi kèm. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ lo lắng hay nghi ngờ nào về tình trạng sức khỏe của bé, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có sự đánh giá chính xác và tư vấn phù hợp.
Mẹ cần làm gì khi trẻ 1 tuổi bị nôn trớ?
Dưới đây là những gợi ý mẹ cần làm khi trẻ 1 tuổi bị nôn trớ:
- Ngay sau khi bé nôn trớ, mẹ cần ngay lập tức dùng khăn lau sạch miệng và thay quần áo cho bé
- Tiếp theo, hãy điều chỉnh tư thế cho bé bằng cách đỡ bé ngồi dậy hoặc đặt bé nằm úp/nằm nghiêng một bên.
- Cho bé uống nước hoặc dung dịch Oresol với lượng vừa đủ để bù lại lượng nước đã mất. Đối với trẻ 1 tuổi, mỗi 5 phút, mẹ cho bé uống khoảng 10 ml Oresol bằng thìa hoặc bơm tiêm không kim. Mẹ cũng nên chờ ít nhất 30 – 60 phút để dạ dày của bé nghỉ ngơi hoàn toàn trước khi cho bé ăn, đặc biệt, nên chia nhỏ lượng thức ăn.
- Không tự ý cho bé uống bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng nôn trớ vẫn tiếp tục, mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để có chẩn đoán chính xác, không nên tiếp tục tự điều trị tại nhà.
Cách chăm sóc bé 1 tuổi bị nôn liên tục tại nhà
Cho trẻ bú đúng cách
Một trong những nguyên nhân bé 1 tuổi hay bị nôn trớ có thể là do cách mẹ cho bé bú không đúng. Cách cho trẻ bú đúng tránh tình trạng nôn trớ là điều quan trọng mà các bà mẹ nên lưu ý.
Nâng cằm bé chạm ngực mẹ, đồng thời đảm bảo mũi bé không bị chặn, đầu hơi ngả về phía sau. Mẹ nên để bé nằm nghiêng, tuyệt đối không cho bé bú ở tư thế nằm ngửa hoặc khi bé đang ngủ.
Mẹ cũng cần chú ý thời gian cho bé bú, tránh để bé bú quá no gây nôn trớ làm gián đoạn giấc ngủ của bé.
Chế độ ăn dặm
Để tránh tình trạng bé 1 tuổi hay bị nôn trớ khi ăn dặm, các mẹ cần lưu ý những điểm sau đây:
- Sau khi bé ngừng nôn ít nhất 8 giờ, mẹ có thể cho bé ăn thức ăn đặc dễ nuốt. Sau đó, hãy điều chỉnh về chế độ ăn bình thường của bé một cách từ từ trong vòng 24 giờ.
- Chế độ ăn dặm cho bé nên bao gồm các thực phẩm dễ tiêu như cháo, bánh quy mặn (cung cấp thêm muối, và tránh cho bé ăn thức ăn nhiều chất béo và gia vị.
- Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày, tránh cho bé ăn quá no trước khi đi ngủ. Nếu bé đang sử dụng sữa công thức, hãy giảm lượng sữa còn khoảng 30 – 50 ml mỗi lần.
- Không nên ép bé ăn quá nhiều trong một bữa, vì điều này có thể làm bé sợ hãi và chán ghét thức ăn.
- Hãy cho bé ăn từ từ, không để bé ăn quá nhanh hay quá chậm tránh tình trạng đầy hơi và chướng bụng.
- Sau khi ăn dặm hoặc cho bú, không đặt bé nằm ngay lập tức, bởi điều này dễ khiến bé bị nôn trớ sau ăn.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Khi bé 1 tuổi thường xuyên bị nôn trớ, cha mẹ cần tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Dưới đây là những dấu hiệu nên đưa bé nhập viện ngay lập tức, bao gồm:
- Bé bị sốt cao, đau bụng quằn quại, mặt tái, co giật hoặc có các dấu hiệu khác đáng lo ngại.
- Có hiện tượng mất nước, bé bị nôn trớ liên tục, có khả năng bị ngộ độc thức ăn.
- Bé nôn ra máu hoặc nôn dịch mật vàng/mật xanh.
- Trẻ nôn trớ liên tục và tiếp tục nôn trên 24 giờ.
Mong rằng, với những thông tin trên, các bậc cha mẹ có áp dụng trong việc chăm sóc con yêu khi trẻ 1 tuổi hay bị nôn trớ. Cảm ơn bạn đã theo dõi các bài viết về chăm sóc bé của nhà thuốc Long Châu.
Xem thêm:
- Trẻ 8 tháng bị rối loạn tiêu hóa có dấu hiệu gì?
- Trẻ 4 tuổi bị nôn: Nguyên nhân và cách xử trí
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.