Chủ Nhật, Tháng Một 12, 2025
spot_img
HomeMẹ BầuTinh trùng ít: Nguyên nhân, triệu chứng và cách tăng số lượng...

Tinh trùng ít: Nguyên nhân, triệu chứng và cách tăng số lượng tinh trùng


Tinh trùng ít có thể dẫn đến chứng vô sinh ở nam giới. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này như rối loạn hormone sinh dục, môi trường sống độc hại, thói quen không lành mạnh,…

Hiện tượng tinh trùng ít là như thế nào?

Lượng tinh trùng được xem là ít khi mà số lượng tinh trùng thấp hơn mức bình thường, đạt dưới ngưỡng 15 triệu tinh trùng trong một ml tinh dịch, một số trường hợp còn không có tinh trùng trong tinh dịch.

Tinh trùng ít sẽ khiến cho cơ hội tinh trùng tiếp cận với trứng và thụ tinh thành công cũng giảm đi, dẫn đến khả năng mang thai thấp đi. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều nam giới bị tinh trùng ít nhưng vẫn có con bình thường.

Tinh trùng ít vẫn có khả năng mang thai nhưng thấp hơn người bình thường

Triệu chứng khi nam giới bị tinh trùng ít

Triệu chứng chủ yếu và nổi bật nhất khi nam giới bị tinh trùng yếu và ít là không thể thụ thai dù “thả” trong một thời gian dài. Ở một số người có bệnh nền như rối loạn di truyền, mất cân bằng nội tiết tố, giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc có sự cản trở đường di chuyển của tinh trùng có thể xuất hiện triệu chứng tinh trùng ít như:

  • Giảm ham muốn tình dục, sự cương cứng khó duy trì được lâu (rối loạn cương dương).
  • Tinh hoàn bị đau, sưng hoặc có khối bất thường.
  • Lông, tóc thưa hoặc các dấu hiệu khác của sự bất thường về mặt di truyền hoặc nội tiết tố.

Nguyên nhân dẫn đến tinh trùng ít

Quá trình sản xuất tinh trùng rất phức tạp và cần tất cả các bộ phận sinh dục liên quan như tinh hoàn, vùng dưới đồi, tuyến yên hoạt động bình thường. Khi tinh trùng được sản xuất từ tinh hoàn, chúng sẽ được vận chuyển và hoà cùng tinh dịch, sau đó theo cùng tinh dịch ra ngoài khi xuất tinh. Bất kì bộ phận nào gặp vấn đề trong quá trình này đều có thể dẫn đến sự trục trặc trong quá trình sản xuất tinh trùng, ảnh hưởng đến hình dáng, sự di động, khả năng hoạt động của tinh trùng.

Nguyên nhân bệnh lí

Một số bệnh lí kèm theo phương pháp điều trị có thể là nguyên nhân dẫn đến tinh trùng ít như:

  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Giãn tĩnh mạch tinh là nguyên nhân phổ biến thường gây vô sinh ở nam giới, nhưng bệnh này có thể chữa trị được. Giãn tĩnh mạch thừng tinh rất dễ dẫn đến suy giảm chất lượng tinh trùng.
  • Nhiễm trùng: Một số chứng nhiễm trùng ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sản xuất tinh trùng hoặc sức khỏe tinh trùng, tạo ra cản trở trên con đường vận chuyển tinh trùng về mặt cơ học, chẳng hạn như viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, bệnh lậu, HIV… Một số trường hợp có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho tinh hoàn, nhưng rất may là đa số trường hợp có thể lấy được tinh trùng.
  • Rối loạn xuất tinh: Xuất tinh ngược là tình trạng tinh dịch không xuất ra môi trường bên ngoài mà xuất ngược trở lại vào trong bàng quang. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như bệnh đái tháo đường, tổn thương tủy sống, phẫu thuật bàng quang, tiền liệt tuyến,… Rối loạn xuất tinh có thể là bệnh lý tạm thời hoặc vĩnh viễn, đa số là vĩnh viễn nhưng vẫn có thể lấy tinh trùng trực tiếp từ tinh hoàn.
  • Bệnh tự miễn: Đây là trường hợp kháng thể tấn công và tiêu diệt tinh trùng của cơ thể, tuy nhiên đây là trường hợp hiếm gặp.
  • Các khối u: Các khối u làm mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản nam giới, quá trình điều trị các khối u này cũng gây ảnh hưởng tương tự.
  • Mất cân bằng nội tiết tố: Nguyên nhân là do các nội tiết tố là thành phần không thể thiếu khi cơ thể nam giới sản xuất tinh trùng.
  • Con đường vận chuyển tinh trùng bị cản trở: Chấn thương, nhiễm trùng, phẫu thuật,…
  • Các ca phẫu thuật trước đây: Một số phẫu thuật có thể làm tinh dịch xuất ra không có tinh trùng như thắt ống dẫn tinh, mổ thoát vị bẹn, phẫu thuật bìu, tinh hoàn, tiền liệt tuyến,…
  • Một số thuốc điều trị: Một số loại thuốc điều trị có thể ảnh hướng đến quá trình sản xuất tinh trùng và làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới.
  • Các nguyên nhân khác: Rối loạn di truyền, dị tật bẩm sinh, tinh hoàn ẩn,…
Tinh trùng ít: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh 2 Một số bệnh lý ở vùng kín nam có thể dẫn đến tình trạng tinh trùng ít

Nguyên nhân môi trường

Một số tác động từ môi trường có thể ảnh hưởng đến qáu trình sinh tinh như

  • Hóa chất công nghiệp: Benzene, toluene, xylene, thuốc diệt cỏ, sơn, thuốc trừ sâu… có thể khiến số lượng tinh trùng ít.
  • Kim loại nặng: Phơi nhiễm với chì và một số kim loại nặng khác.
  • Tia xạ: Phơi nhiễm với tia xạ có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh. Muốn hồi phục lại cũng cần vài năm.

Lối sống và các nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác dẫn đến tinh trùng ít như:

  • Uống rượu: Rượu và các đồ uống có cồn sẽ gây giảm nồng độ testosterone, từ đó cũng giảm số lượng tinh trùng sinh ra.
  • Nghề nghiệp: Một số nghề phải làm việc trong môi trường độc hại hoặc phải ngồi nhiều.
  • Hút thuốc lá: Nghiên cứu đã chỉ ra được nam giới hút thuốc lá sẽ có số lượng tinh trùng ít hơn so với người không hút.
  • Căng thẳng, trầm cảm: Tâm lý tiêu cực tác động xấu tới quá trình sinh tinh.
  • Cân nặng: Béo phì ảnh hưởng tới tinh trùng và làm mất cân bằng nội tiết tố.
Tinh trùng ít: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh 3 Thói quen hút thuốc lá có thể khiến tinh trùng bị ít đi

Phòng tránh tình trạng tinh trùng ít

Để bảo vệ khả năng sinh sản, tăng khả năng sinh tinh, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Không hút thuốc lá, không uống rượu.
  • Không sử dụng ma túy hay chất kích thích khác.
  • Tránh béo phì, duy trì cân nặng hợp lí.
  • Hạn chế căng thẳng.
  • Không tiếp xúc với các hóa chất độc hại, kim loại nặng.
  • Tham vấn với bác sĩ nếu quá trình điều trị bệnh nào đó có khả năng ảnh hưởng lên sinh sản.

Trên đây là một vài thông tin về nguyên nhân và cách phòng tránh tình trạng tinh trùng ít. Hy vọng quý đọc bạn đọc đã có cái nhìn cụ thể về bệnh lý này cũng như cách đề phòng để hạn chế bệnh lý này xảy ra.

Như Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Theo Nhà Thuốc Long Châu

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.

Bài viết liên quan
- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments