Peel da là một phương pháp làm đẹp ngày càng phổ biến và được ứng dụng rộng rãi. Peel da mặt có lẽ đã quen thuộc với nhiều người, nhưng peel da body thì ít người biết tới. Sau khi peel, làn da body sẽ được tái tạo mới nên trắng sáng, đều màu, mịn màng hơn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về phương pháp, các cấp độ và các bước peel da body nhé!
Peel da là phương pháp làm đẹp thế nào?
Peel trong tiếng Anh có nghĩa là “bóc”. Peel da là một thuật ngữ dùng để chỉ một hình thức thay da sinh học. Phương pháp làm đẹp này sẽ sử dụng các hoạt chất hóa học với nồng độ thích hợp với từng loại da và từng tình trạng da để tác động lên bề mặt da.
Các hoạt chất này sẽ tạo nên “cái chết cho mô da” một cách nhẹ nhàng, không làm tổn thương cấu trúc da. Qua đó, các tế bào sừng hóa, già cỗi ở lớp trên cùng của bề mặt da sẽ được loại bỏ và thay thế bởi lớp da mới. Lớp da mới tái tạo sẽ mịn màng hơn, sáng bóng hơn, khỏe đẹp hơn và căng tràn sức sống hơn.
Trong nhiều năm trở lại đây, peel da đã trở thành một phương pháp làm đẹp vô cùng phổ biến. Peel da áp dụng được cho cả da mặt lẫn peel da body. Mục đích cuối cùng của phương pháp này là tái tạo lớp da mới, khắc phục các khuyết điểm trên da như sạm da, da không đều màu, da xỉn màu, da lão hóa, peel da trị mụn,…
Peel da body phù hợp với những ai?
Sẽ có rất nhiều người băn khoăn mình có phù hợp để peel da body hay không. Nếu bạn cũng là một trong số đó, bạn có thể tham khảo một số trường hợp được các chuyên gia thẩm mỹ khuyên nên peel da như:
- Bất cứ ai muốn tẩy tế bào da chết chuyên sâu để tái tạo lớp da mới khỏe hơn, đẹp hơn.
- Những người gặp tình trạng da không đều màu, da bị tăng sắc tố.
- Những người bị mụn lưng, lỗ chân lông ở vùng lưng to.
- Những người bị nhiều vết thâm sau mụn ở vùng da body.
- Bất cứ ai muốn tăng cường khả năng hấp thụ dưỡng chất khi thực hiện các bước dưỡng da body.
Tuy nhiên, có những trường hợp không phù hợp với phương pháp làm đẹp này như:
- Da đang bị kích ứng, dị ứng với mỹ phẩm, thuốc, chất tẩy rửa,…
- Người sở hữu nền da quá nhạy cảm, có tiền sử kích ứng hoặc dễ bị kích ứng.
- Da đang bị nổi mề đay, mẩn ngứa, khó chịu.
- Người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm dùng trong peel da.
- Người đang mắc các bệnh ngoài da như chàm, tổ đỉa, zona thần kinh, mụn nước, nấm da, vảy nến, viêm da,…
Peel da body có những cấp độ nào?
Peel da body có nhiều cấp độ, phù hợp với từng tình trạng da, loại da và nhu cầu làm đẹp da khác nhau. Những cấp độ peel da phù hợp với vùng da body thường được áp dụng gồm:
Peel da cấp độ nhẹ
Ở cấp độ này, sản phẩm sẽ không thâm nhập quá sâu vào dưới da nên phù hợp với những làn da ít khuyết điểm như thô ráp, xỉn màu. Peel da cấp độ nhẹ có tác dụng loại bỏ lớp tế bào già cỗi trên da. Sản phẩm thường được sử dụng là Mandelic Acid, Salicylic Acid, Lactic nồng độ thấp. Các tổn thương da nông nên da cũng nhanh chóng được phục hồi và tái tạo.
Peel da body cấp độ trung bình
Ở cấp độ này, sản phẩm sẽ được đẩy vào lớp giữa của da với mục tiêu loại bỏ các tế bào da bị tổn thương. Cấp độ peel da này phù hợp với những người gặp vấn đề về da ở mức độ vừa phải như nếp nhăn, vết nám và vết đồi mồi nhẹ, sẹo nhẹ trên bề mặt da. Sản phẩm thường được sử dụng là Glycolic Acid, TCA, Jessner nồng độ cao.
Peel da ở cấp độ chuyên sâu
Peel da body cấp độ chuyên sâu sẽ đẩy sản phẩm thâm nhập rất sâu vào lớp giữa của da để có thể tác động vào các tế bào tổn thương. Cấp độ này có thể cải thiện các nếp nhăn sâu, đổi màu da, sẹo trên da mức độ từ nhẹ đến trung bình. Sản phẩm thường được sử dụng là phenol và TCA nồng độ cao. Bạn cần lưu ý không được tự ý peel da chuyên sâu tại nhà.
Các sản phẩm thường dùng trong peel da body
Hiện nay, có một số sản phẩm quen thuộc thường được dùng trong peel da như:
- Enzyme – Sản phẩm có nguồn gốc thực vật và là sản phẩm peel da nhẹ nhất. Sản phẩm này phù hợp với những làn da nhạy cảm, không thể dung nạp acid. Peel da bằng enzyme giúp loại bỏ lớp tế bào da sừng hóa, làm thoáng lỗ chân lông nhưng không khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.
- Mandelic Acid có thể làm mờ nếp nhăn, cải thiện kết cấu da, giảm mụn trứng cá, làm trắng sáng da. Khi peel da body, các chuyên viên thường kết hợp Mandelic Acid với Salicylic Acid để làm tăng hiệu quả.
- Lactic Acid cũng giúp peel da nhẹ nhàng, cải thiện tông da, làm mờ nếp nhăn nhỏ và làm mịn da. Lactic Acid cũng ít làm khô da hơn các loại acid khác.
- Glycolic Acid có tác dụng điều trị tăng sắc tố da, điều trị mụn trứng cá, sẹo mụn, làm tăng sinh collagen, giảm nếp nhăn và điều chỉnh kết cấu da. Glycolic Acid có khả năng thâm nhập sâu vào tầng giữa của làn da.
- Jessner – Sản phẩm peel da này được tạo ra từ Salicylic Acid, Lactic Acid và Resorcinol. Sản phẩm này phù hợp với da bị mụn trứng cá, da dầu, da tăng sắc tố nhưng không phù hợp với da khô và da nhạy cảm.
- TCA là sản phẩm peel da mạnh nhất trong số các sản phẩm kể trên. Nó tốt cho da bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời, da cháy nắng. Sản phẩm có tác dụng giảm nếp nhăn, cải thiện sắc tố da, làm mờ vết rạn và sẹo.
Hướng dẫn cách peel da body tại nhà
Peel da có tốt không? Câu trả lời là có nhưng với điều kiện bạn chọn được sản phẩm phù hợp với da của mình và biết peel da đúng cách. Quy trình peel da body tại nhà gồm những bước sau:
- Làm sạch da body bằng sữa tắm, xà phòng dịu nhẹ, không chứa thành phần tẩy da chết.
- Dùng cọ để bôi sản phẩm peel da lên vùng da khỏe, ít nhạy cảm trước như vai, ngực, lưng. Sau đó, mới peel ở vùng da như đầu gối, khuỷu tay, cẳng chân, cánh tay và tiếp đó là những vùng da mỏng hơn.
- Sau khi bôi sản phẩm peel xong bạn đợi khoảng 10 phút.
- Rửa sạch da với nước thường, không dùng nước quá nóng hay quá lạnh.
- Thấm khô da bằng khăn sạch một cách nhẹ nhàng. Trong khoảng 8 – 10 tiếng sau peel bạn không để da tiếp xúc với nước hay các chất tẩy rửa.
Khi mới peel xong, da bạn có thể mẩn đỏ nhẹ nhưng sau đó sẽ giảm dần sau 1 – 2 tiếng. Trong khoảng 3 ngày, da sẽ bắt đầu bong dần. Bạn hãy để da bong tự nhiên, tuyệt đối không dùng tẩy da chết hay dùng tay bóc. Sau khoảng 1 tuần da sẽ bong hoàn toàn.
Tần suất peel da body hợp lý sẽ giúp da được tái tạo đúng chu kỳ, luôn khỏe đẹp. Vì vậy, dù bạn có hài lòng về hiệu quả peel da đến đâu cũng không nên lạm dụng bạn nhé!
Xem thêm:
- Bao lâu thì peel da 1 lần? Thời điểm peel da lý tưởng?
- Peel da bị ngứa phải làm sao? Cách chăm sóc da sau peel
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.