Thụ tinh trong ống nghiệm là một phương pháp hỗ trợ sinh sản cần phải thực hiện theo quy trình và theo dõi cẩn thận. Do đó nếu có nhu cần thụ tinh ống nghiệm thì các bậc cha mẹ cần lựa chọn cơ sở uy tín và chuyên môn cao nhằm đảm bảo quá trình mang thai an toàn.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là gì?
Thụ tinh ống nghiệm là một trong những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tốt nhất hiện nay. Phương pháp này cho trứng và tinh trùng kết hợp với nhau nhằm tạo phôi trong ống nghiệm tại phòng thí nghiệm. Sau đó phôi thai này sẽ được chuyển trở lại tử cung của người phụ nữ bằng thiết bị y tế đặc biệt. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả thụ thai thành công ngay từ lần đầu tiên, ngược lại bạn có thể phải thực hiện nhiều lần hoặc điều trị kéo dài trước khi có thai.
Nếu bạn đang có mong muốn thực hiện thụ tinh ống nghiệm thì việc tìm hiểu kỹ về phương pháp này sẽ tốt cho khoảng thời gian trước, trong và sau khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm.
Các bước chính khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm
Bước 1: Kích thích buồng trứng
Trước và trong khi thực hiện quá trình thụ tinh ống nghiệm, các bác sĩ sẽ khám và theo dõi buồng trứng của bạn cũng như nắm bắt thời kỳ rụng trứng. Qua đó, bác sĩ sẽ có thể đảm bảo rằng buồng trứng của bạn đủ trứng và nồng độ hormone của bạn là bình thường và sẵn sàng để làm mẹ.
Đa số phụ nữ có thể dùng thuốc sinh sản hoặc hormone trong thời gian này để kích thích buồng trứng sinh ra một hoặc nhiều trứng. Từ đó có nhiều trứng để thụ tinh hơn và làm tăng cơ hội mang thai của bạn.
Bước 2: Chọc hút trứng
Trong bước này, bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc giảm đau để giảm khó chịu trong quá trình chọc hút trứng. Sau đó bác sĩ sẽ đưa một cây kim rất nhỏ qua thành âm đạo trên. Sau đó dịch sẽ được lấy ra khỏi các nang bằng cách hút nhẹ. Ngay sau khi hút được nang trứng, noãn bào được phân lập khỏi dịch nang trứng. Trứng sẽ được đặt trong một cái đĩa cấy đặc biệt có môi trường sống phù hợp và được đưa vào lồng ấp.
Bước 3: Thụ tinh
Bước tiếp theo là thụ tinh cho trứng. Tinh trùng sau khi qua chọn lọc được bảo quản và lựa chọn những tinh trùng mạnh nhất để kết hợp với trứng, đôi khi tinh trùng sẽ được tiêm trực tiếp vào trứng. Sau đó, trứng và tinh trùng được đặt trong lồng ấp và được theo dõi sát sao để đảm bảo có thể phát triển thành phôi thai khỏe mạnh.
Bước 4: Chuyển phôi và cấy ghép
Bước cuối cùng của quá trình thụ tinh ống nghiệm là chuyển phôi vào trong cơ thể của mẹ. Đầu tiên, phôi sẽ qua kiểm tra để chọn ra phôi nào khỏe nhất cho chuyển giao. Để chuyển phôi, một chiếc banh được đặt trong âm đạo và phôi sẽ được chuyển qua một ống nhựa nhỏ đặt ở cổ tử cung và đi vào trong buồng tử cung. Sau khi quá trình thụ tinh hoàn thành, mẹ nên nằm nghỉ ngơi trong khoảng 24 giờ.
Thụ tinh ống nghiệm tỷ lệ thành công là bao nhiêu?
Dù là một trong những phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn được đánh giá cao nhưng tỷ lệ thành công không phải là 100% ngay từ lần đầu tiên. Bên cạnh đó, tỷ lệ thành công của kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: Tuổi tác của mẹ, nguyên nhân dẫn đến vô sinh, hiếm muộn, quá trình điều trị bệnh liên quan trước đó…
- Đối với phụ nữ dưới 35 tuổi: Tỷ lệ thành công từ 30 – 35%.
- Đối với phụ nữ từ 35 – 37 tuổi: Tỷ lệ thành công đạt 25%.
- Đối với phụ nữ từ 38 – 40 tuổi: Tỷ lệ thành công đạt 20%.
- Đối với phụ nữ trên 40 tuổi: Tỷ lệ thai thành công còn 6 – 10%.
Thụ tinh ống nghiệm có an toàn không?
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại nhất hiện nay và được đánh giá cao. Đây là phương pháp được áp dụng công nghệ sinh học tế bào vào y tế, đồng thời kết hợp với các trang thiết bị hiện đại để đạt kết quả như mong muốn.
Vì vậy, với câu hỏi: “Thụ tinh ống nghiệm có an toàn không?” thì hiện nay thụ tinh ống nghiệm là phương pháp hoàn hảo nhất để có con vì nó được xem là an toàn và không gây quá nhiều tác động xấu đến môi trường bên trong cơ thể người mẹ. Thụ tinh ống nghiệm được nhiều nền y học tiên tiến trên thế giới công nhận là một phương pháp hiệu quả để điều trị chứng vô sinh hiếm muộn hiện nay.
Ngoài ra, đây cũng được xem là phương pháp có tỷ lệ thành công cao nhất trong tất cả các phương pháp dùng để điều trị vô sinh hiếm muộn, được coi là giải pháp cuối cùng giúp nhiều gia đình có được con.
Trên đây là một số thông tin hữu ích về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cũng như tỷ lệ thành công và mức độ an toàn của chúng. Hi vọng với những kiến thức trên đây, quý đọc giả có thể có cái nhìn khách quan và an tâm khi lựa chọn phương pháp thụ tinh ống nghiệm và có được niềm hạnh phúc được trọn vẹn.
Như Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.