Chuẩn bị kỹ càng để vượt cạn thành công là điều mà các bà mẹ đặc biệt quan tâm. Bất kỳ một dấu hiệu nào ở tháng cuối thai kỳ cũng khiến bà mẹ lo lắng. Thấu hiểu những quan tâm đó, bài viết sau sẽ giải đáp táo bón có phải dấu hiệu sắp sinh và những dấu hiệu cần nhận biết bạn sắp lâm bồn.
Nguyên nhân gây táo bón khi mang thai
Có nhiều nguyên nhân gây táo bón khi mang thai mà ở những giai đoạn khác nhau của thai kỳ thì có những nguyên nhân khác nhau.
- Sự thay đổi nồng độ hormone: Sự gia tăng hormone progesterone làm giãn cơ ruột khiến thức ăn và chất thải di chuyển chậm hơn trong hệ thống đường ruột, làm tăng sự tái hấp thu nước từ chất thải khiến phân nặng và cứng hơn cuối cùng gây táo bón.
- Bổ sung sắt: Mẹ bầu uống viên sắt bị táo bón không? Sắt là chất thường được mẹ bầu bổ sung trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, bổ sung sắt là yếu tố góp phần khiến phân cứng hơn và gây táo bón.
- Chế độ ăn uống thay đổi, nôn nhiều, ít vận động khiến cơ thể mất nước cũng ảnh hưởng đến tiêu hóa.
- Thực phẩm: So với việc bổ sung thực phẩm thực vật, giàu chất xơ và ngũ cốc thì các món ăn đậm đặc protein như sữa, phô mai, thịt đỏ có thể khiến cơ thể mẹ bầu khó tiêu hóa hơn.
- Trọng lượng của thai nhi tăng lên gây chèn ép ruột từ đó làm chuyển động ruột trở nên khó khăn hơn.
- Hoạt động của ruột non giảm: Trong thời kỳ mang thai ruột non hoạt động yếu từ đó sự vận chuyển thức ăn từ dạ dày xuống ruột non và đi vào ruột già bị ảnh hưởng.
- Thuốc nhuận tràng: Những người phụ thuộc thuốc nhuận tràng hay thường dùng thuốc nhuận tràng trước đây cũng hay bị táo bón.
- Nhịn đại tiện: Một số mẹ bầu vì thói quen hay vì môi trường làm việc mà thường nhịn đại tiện từ đó làm giảm sự nhạy cảm ở trực tràng và lâu ngày dẫn đến táo bón.
- Các bệnh lý như ốm nghén, hội chứng ruột kích thích, đái tháo đường thai kỳ, viêm đại tràng, trĩ, nhược giáp… cũng có thể dẫn tới táo bón.
Táo bón có phải dấu hiệu sắp sinh hay không?
Táo bón ở tuần 37 cũng có thể là dấu hiệu thông báo mẹ bầu sắp sinh. Giai đoạn cuối của thai kỳ, trực tràng chịu áp lực lớn do thai nhi di chuyển xuống vùng bụng dưới. Từ đó khiến nhu động ruột giảm các cơ ruột không tống thải các chất ra ngoài cộng với sự lưu trữ lâu khiến nước tái hấp thu ngược gây ra táo bón.
Nếu bạn bị táo bón kèm theo các dấu hiệu như rỉ ối, đau thắt lưng, ra nhầy màu hồng ở âm đạo có nhiều khả năng là bạn sắp chuyển dạ và cần đến bệnh viện sớm để theo dõi chuẩn bị sinh.
Dấu hiệu sắp sinh không nên bỏ qua
Việc chuẩn bị cho sự chào đời của em bé là rất quan trọng và được mẹ bầu cũng như gia đình chuẩn bị rất kỹ càng từ việc chọn nơi sinh, phương pháp vượt cạn, đồ dùng cho mẹ và bé khi sinh. Chính vì vậy những dấu hiệu nhận biết bạn sắp sinh cũng cực kỳ quan trọng để có cuộc vượt cạn thành công và an toàn. Sau đây là những dấu hiệu mẹ bầu có thể nhận biết để chuẩn bị tốt nhất:
- Nặng bụng dưới hay tụt bụng: Ở những ngày cuối của thai kỳ, thai nhi sẽ di chuyển dần vào khung xương chậu để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ thực sự. Trước khi chuyển dạ thực sự diễn ra hiện tượng này có thể xuất hiện trước một vài tuần hoặc vài giờ. Và đây cũng là dấu hiệu sắp sinh dễ nhận thấy nhất. Tuy nhiên, nếu bạn quá bận rộn không để ý đến hình dạng hay vị trí bụng bầu của mình thì dấu hiệu này cũng dễ dàng bị bỏ qua.
- Cơn gò tử cung: Trong thai kỳ các cơn co thắt sinh lý Braxton – Hicks có thể xuất hiện. Đây là những cơn gò tử cung không đều, thưa thớt, không đau. Cần phân biệt với cơn gò tử cung thật sự là những cơn mạnh, đau khiến bạn khó chịu và không giảm mặc dù bạn đã thay đổi tư thế, tần suất cơn gò tăng dần thì đó là một trong những dấu hiệu chuyển dạ thật sự.
- Dịch nhầy cổ tử cung thay đổi: Vào khoảng tuần từ 37 – 40 của thai kỳ có hiện tượng bong nút nhầy cổ tử cung, là hiện tượng âm đạo bạn có nhiều dịch hơn và nhầy hơn. Dịch nhầy có màu trong suốt, màu hồng hoặc có một ít máu. Đây là dấu hiệu cho sự chuyển dạ trong một vài ngày tới. Tuy nhiên, chuyển dạ thật sự cũng có thể xảy ra trong vài tuần sau đó tùy từng trường hợp.
- Mở cổ tử cung: Cổ tử cung bắt đầu mở, giãn ra và mỏng đi trong vài ngày hoặc một vài tuần trước khi chuyển dạ để em bé ra đời dễ dàng. Dấu hiệu này sẽ được theo dõi bởi bác sĩ và đánh giá sự chín muồi để có thể cho vào phòng sinh.
- Đi tiểu nhiều lần: Khi bụng bầu tụt xuống thấp tạo áp lực lớn lên cổ tử cung và bàng quang khiến bạn muốn đi tiểu nhiều hơn so với bình thường.
- Đau lưng, chuột rút: Vào giai đoạn cuối của thai kỳ các khớp vùng xương chậu và tử cung sẽ giãn ra để chuẩn bị cho sự sinh nở. Chính vì vậy trong giai đoạn này bạn có thể cảm thấy đau lưng và đau hai bên vùng háng nhiều hơn, đồng thời các cơn chuột rút cũng xuất hiện nhiều hơn.
- Giãn khớp: Dây chằng các khớp mềm mại hơn và các khớp giãn ra vận động dễ dàng hỗ trợ cho cuộc sinh nở diễn ra thuận lợi hơn.
- Vỡ ối: Thai nhi được bảo vệ bởi túi ối. Khi túi ối vỡ có nghĩa là con đã chuẩn bị chào đời.
Làm cách nào để giảm nguy cơ bị táo bón khi mang thai?
Bạn có thể giảm nguy cơ bị táo bón khi mang thai bằng cách chú ý đến lượng chất xơ bạn ăn và lượng chất lỏng bạn uống. Lên lịch tập thể dục mà bạn cảm thấy có thể thực hiện được. Đi bộ, tập yoga là những lựa chọn tốt để giữ cho ruột của bạn hoạt động tốt.
Như vậy táo bón khi mang thai là vấn đề thường gặp và gây khó chịu cũng như nhiều sự nhầm lẫn cho mẹ bầu. Cần nắm được những dấu hiệu chính của sự chuyển dạ thật sự để chuẩn bị tinh thần cho cuộc vượt cạn sắp diễn ra.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.