Tăng huyết áp thai kỳ hay tăng huyết áp do mang thai (PIH) là một trong những bệnh lý nguy hiểm, nếu không được can thiệp kịp có thể gây ra tiền sản giật, sản giật… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cả mẹ và thai.
Sơ lược về tăng huyết áp trong thai kỳ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa tăng huyết áp thai kỳ (PIH – Pregnancy-Induced Hypertension) là tình trạng tăng huyết áp xuất hiện từ sau tuần thứ 20 của thai kỳ và chỉ số này sẽ dần trở về mức bình thường sau sinh 6 tuần. Tình trạng này xảy ra khi mà huyết áp tâm trương ≥90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm thu ≥140 mmHg; đối với mức độ nặng chỉ số này sẽ ≥160/100 mmHg.
Tăng huyết áp trong thai kỳ được phân loại như sau:
- Tăng huyết áp mạn: Là tình trạng tăng huyết áp xuất hiện từ trước khi người phụ nữ có thai hoặc xuất hiện tuần thai thứ 20 và có thể kéo dài hơn 6 tuần sau sinh. Đối với mẹ bầu gặp trường hợp này cần được thăm khám và theo dõi trong cả quá trình mang thai bởi rất dễ xảy ra các tình trạng nghiêm trọng về bánh nhau, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai lưu, nguy cơ sinh non,…
- Tăng huyết áp thai kỳ: Là tình trạng tăng huyết áp xuất hiện sau tuần thai thứ 20 và trở về tình trạng bình thường trong 6 tuần sau sinh. Tuy nhiên một số trường hợp có thể phát triển thành tăng huyết áp mãn nếu chỉ số vẫn tiếp tục tăng. Nhìn chung đây là trường hợp khá nguy hiểm cần theo dõi kỹ vì tỉ lệ TSG lên đến 25% tổng số người mắc.
- Tiền sản giật, sản giật: Là tình trạng thai phụ có chỉ số huyết áp bình thường trước đó, xuất hiện tăng huyết áp ở tuần thai thứ 20 và thường kèm theo một hoặc một số tình trạng: Protein niệu có kết quả ≥0,3g protein/ nước tiểu 24h, vấn đề rối loạn của mẹ (phù phổi, tổn thương thận cấp,…)
- Tiền sản giật ghép trên nền tăng huyết áp mạn: Là tình trạng mà phụ nữ trên nền tăng huyết áp mạn xuất hiện sản giật.
Nguyên nhân mẹ bầu bị tăng huyết áp thai kỳ
- Mẹ bầu ≥ 35 tuổi.
- Mẹ bầu bổ sung dinh dưỡng sai cách, ăn các thức ăn quá mặn.
- Mẹ bầu thực hiện sai phương pháp dưỡng thai, không vận động thể dục đúng cách.
- Mẹ bầu bị đái tháo đường hay các bệnh khác là nguyên nhân của cao huyết áp thai kỳ.
- Thời tiết thất thường, thay đổi đột ngột khiến cơ thể mẹ bầu không thích ứng kịp.
Một số triệu chứng khi bị tăng huyết áp thai kỳ
- Các chi sưng phù.
- Cân nặng tăng nhanh bất thường.
- Thị lực bị ảnh hưởng: Mờ, mất thị lực thoáng qua,…
- Đau khắp cơ thể: Đau thượng vị, đau ngực sau ức kèm khó thở, đau đầu…
- Cảm thấy buồn nôn, tình trạng nôn mửa xuất hiện.
Tăng huyết áp thai kỳ nguy hiểm ra sao?
Mẹ bầu bị tăng huyết áp thai kỳ không nên chủ quan bởi tình trạng này có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như sau:
Đối với mẹ bầu
- Tiền sản giật: Một số thống kê cho thấy rằng có khoảng 25% mẹ bầu bị huyết áp cao sẽ dẫn đến tiền sản giật, khoảng 5 – 8% số trường hợp bị sản giật có nguy cơ tử vong.
- Sức khỏe của mẹ bầu trở nên xấu hơn, khả năng hồi phục sau khi sinh em bé khá chậm.
- Khả năng cao bị các bệnh về tim mạch, thận,…
- Nguy cơ bị cao huyết áp ở các lần mang thai sau.
Đối với thai có mẹ bị tăng huyết áp thai kỳ
- Thai chậm phát triển hoặc thai lưu: Khi mẹ bầu bị tăng huyết áp thai kỳ, thai trong bụng mẹ không được cung cấp đủ oxy và các chất dinh dưỡng, từ đó dẫn đến thai chậm phát triển, không đạt tiêu chuẩn cân nặng theo tuổi thai, nếu tình trạng nặng có thể dẫn đến lưu thai trong bụng mẹ.
- Sinh non: Mẹ bầu bị tăng huyết áp thai kỳ dù được thăm khám và can thiệp nhưng tùy trường hợp vẫn có thể có chỉ định sinh sớm hơn để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và con. Trong trường hợp sinh non, bé nếu quá yếu có thể dẫn đến tử vong.
Một số biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp thai kỳ
Mẹ bầu tăng huyết áp thai kỳ cần được phát hiện sớm và thực hiện theo dõi kỹ trong suốt thai kỳ bởi tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và con ở hiện tại, mà còn có thể để lại những hậu quả sau này. Chính vì thế, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa ở trước và trong thai kỳ là cần thiết cho mỗi mẹ bầu:
- Không nên mang thai khi tuổi người phụ nữ đã cao.
- Đối với người bị thừa cân từ trước, nên có kế hoạch giảm cân rõ ràng trước khi mang thai.
- Cần thực hiện ăn uống theo một chế độ khoa học, bổ sung các loại rau củ quả để giảm nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ. Trong trường hợp bị đái tháo đường, mẹ bầu cần theo dõi và duy trì mức đường huyết bình thường trong cả thai kỳ.
- Luyện tập thể dục thể thao theo các bài tập dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, đối với trường hợp mẹ bầu bị tiền sản giật thì nên vận động nhẹ chứ không nên nằm một chỗ trong khoảng thời gian dài.
- Điều trị bằng thuốc: Một số trường hợp mẹ bầu sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc viên để kiểm soát huyết áp, nên sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ kê để bảo vệ mẹ và bé an toàn trong suốt thai kỳ. Đối với các trường hợp quá nặng dẫn đến cấp cứu thì có thể có chỉ định mẹ sử dụng thuốc truyền đường tĩnh mạch.
Tăng huyết áp thai kỳ là bệnh nguy hiểm, mẹ bầu cần thận trọng trong các hoạt động thường ngày cũng như có chế độ ăn phù hợp. Để bảo vệ mẹ và cả thai nhi, nên đi khám định kỳ, theo dõi để có thể phát hiện và can thiệp kịp thời nếu có nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ xảy ra.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.