Bài viết được tham vấn từ Bác sĩ Edwin Chng Aik Chen
Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore
Bác sĩ Edwin Chng Aik Chen – bác sĩ đa khoa tại Bệnh viện Mount Elizabeth, giải đáp về tầm quan trọng vì sao phải tiêm ngừa HPV để giảm nguy cơ người bệnh phải đối mặt các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là ung thư.
Virus HPV là gì?
Human Papillomavirus, viết tắt là HPV là một loại virus gây bệnh có khả năng lây truyền qua đường tình dục. Tuy phần lớn trường hợp người nhiễm HPV có thể không gặp nguy hại đến sức khỏe nhưng vẫn tồn tại một số người bệnh phải đối mặt với các biến chứng khác nhau như mụn cóc sinh dục hay một số thể ung thư.
HPV có thể gây ra ung thư phổ biến tại các cơ quan như cổ tử cung, âm đạo, hậu môn, dương vật hay hầu họng. Hiện nay, vẫn chưa có giải pháp điều trị triệt để các biến chứng do HPV gây ra. Do đó, việc phòng căn bệnh này thông qua tiêm ngừa HPV đang được chú trọng.
HPV lây lan như thế nào?
HPV là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các con đường lây nhiễm chủ yếu của căn bệnh này là qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Ngoài ra, việc sinh hoạt cá nhân dùng chung các đồ vật của người nhiễm HPV cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh này.
Hiện nay, có đến hơn 100 chủng HPV. Trong đó, một số có nguy cơ cao (có khả năng dẫn đến ung thư) và một số hầu như vô hại (không gây ung thư). Tuy nhiên, cơ thể người có thể bị nhiễm nhiều hơn 1 chủng virus HPV cùng một lúc.
Các triệu chứng và biến chứng của HPV là gì?
HPV thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào hoặc không đặc trưng. Các biểu hiện của bệnh còn tùy thuộc vào loại HPV và vùng cơ thể bị ảnh hưởng. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm mụn cóc sinh dục, mụn cóc bàn chân hay mụn cóc thông thường. Chúng có thể xuất hiện vài ngày hoặc nhiều năm sau khi nhiễm phải chủng virus này.
Nhiễm HPV trong thời gian dài mà không thể kìm hãm được sự phát triển của virus có thể gây các biến đổi bất thường tế bào, từ đó dẫn đến ung thư. Do đó, bệnh ung thư có thể xảy ra sau khi nhiễm HPV từ 1 năm cho đến vài chục năm. Điểm cần lưu ý là các loại HPV gây mụn cóc sinh dục khác với chủng HPV gây ra ung thư.
HPV và ung thư cổ tử cung
Theo một khảo sát tại Singapore, có đến hơn 200 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung mỗi năm. Nguyên nhân chính được xác định là nhiễm HPV. Thông thường, phải mất một thời gian dài để tổn thương do nhiễm HPV phát triển thành ung thư cổ tử cung và các triệu chứng không xuất hiện rõ ràng cho đến khi bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn. Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung cần lưu ý bao gồm chảy máu âm đạo, các bất thường về dịch tiết âm đạo hay đau vùng chậu.
Do đó, phụ nữ cần thực hiện các xét nghiệm HPV hay xét nghiệm PAP (phết tế bào cổ tử cung) định kỳ đều đặn nhằm loại trừ nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cũng như ngăn ngừa tiến triển của bệnh này trong cơ thể.
Tiêm ngừa HPV có cần thiết không?
Bản thân người nhiễm HPV không thể chữa khỏi hoàn toàn được. Các bác sĩ chỉ có thể hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng của bệnh nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì thế, tiêm ngừa HPV sớm vừa có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi HPV vừa ngăn ngừa tiến triển các bệnh ung thư liên quan đến HPV.
Các loại vắc xin ngừa HPV
Hiện nay, có 3 loại vắc xin chính ngừa HPV, đó là: HPV2, HPV4 và HPV9. Phân loại này dựa trên số chủng virus HPV mà vắc xin giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc phải.
Vắc xin HPV2 cung cấp sự bảo vệ chống lại chủng HPV 16 và 18. Đây được xem là 2 chủng gây ra 70% tổng số ca ung thư cổ tử cung. Vắc xin HPV4 bảo vệ cơ thể trước 4 chủng gây u nhú ở người bao gồm 6, 11, 16 và 18 với các type 6 và 11 thường gây ra các bệnh mụn cóc sinh dục (sùi mào gà sinh dục). Vắc xin HPV9 được xem là tối ưu nhất với khả năng bảo vệ trước 9 chủng HPV: 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Ngoại trừ HPV2 chỉ có tác dụng trên cổ tử cung ở nữ giới, vắc xin HPV4 và HPV9 được khuyên dùng ở tất cả đối tượng.
Khi nào nên chủng ngừa HPV?
Tính đến thời điểm năm 2024, phê duyệt chỉ định Vắc xin HPV cho người trưởng thành trên thế giới không còn giới hạn đến 26 tuổi và không phân biệt giới tính (bình đẳng giới). Trên 100 quốc gia đã phê duyệt tiêm Vắc xin HPV cho nhóm người trưởng thành từ 27 – 45 tuổi (Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ,…). Bộ Y tế Việt Nam hiện cũng đã phê duyệt Vắc xin HPV9 được tiêm cho độ tuổi 9 đến 45 (Thông tin kê toa của Gadarsil 9 năm 2024)
Vắc xin HPV được xem là có khả năng phát huy tối đa hiệu quả ở lứa tuổi trẻ và chưa quan hệ tình dục (9 đến 14 tuổi) và đây được xem như là thời điểm vàng của các đáp ứng miễn dịch và hiệu giá kháng thể trong cơ thể của lứa tuổi này.
Tiêm phòng HPV: Giải pháp bảo vệ tương lai của bạn
Tiêm phòng HPV không những giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến HPV mà còn giảm tỷ lệ mắc các triệu chứng liên quan đến chủng virus này. Lựa chọn tiêm phòng HPV nên được ưu tiên nhằm hướng tới tương lai khỏe mạnh và an toàn hơn của cả bạn và người thân xung quanh.
Bên cạnh việc tiêm chủng HPV, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung hoặc các loại ung thư khác liên quan đến HPV như ung thư hậu môn, dương vật, âm đạo, âm hộ và vòm họng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi việc phát hiện các thể ung thư ở giai đoạn đầu không chỉ giúp người bệnh có nhiều lựa chọn điều trị hơn mà còn nâng cao tỷ lệ sống sót sau điều trị.
Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có giải đáp cho thắc mắc vì sao phải tiêm ngừa HPV? Hầu hết các thể ung thư gây ra bởi nhiễm HPV đều diễn tiến âm thầm mà không có bất kì triệu chứng rõ rệt nào ở những giai đoạn đầu của bệnh. Khi các biểu hiện của bệnh xuất hiện rõ ràng hơn, lựa chọn điều trị lúc này sẽ trở nên giới hạn và cơ hội điều trị thành công cũng giảm đi đáng kể. Chính vì thế, việc tiêm phòng HPV cần được ưu tiên thực hiện nhằm bảo vệ toàn diện sức khỏe của tất cả mọi người, nhất là phái nữ.
Xem thêm:
- Điều kiện tiêm HPV và những lưu ý cần biết
- Nên tiêm vaccine HPV ở đâu uy tín, giá tốt?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.