Sả không chỉ là gia vị phổ biến trong ẩm thực, mà còn là một loại thảo dược có nhiều công dụng dưới góc nhìn của Đông Y. Mặc dù nó thường xuyên xuất hiện trong các món ăn hàng ngày, nhưng không phải ai cũng nhận ra hết những lợi ích mà sả mang lại. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá tác dụng của sả đối với sức khỏe cũng như cần lưu ý những gì khi sử dụng nó để đảm bảo sức khỏe.
Một vài thông tin về sả
Trước khi tìm hiểu những tác dụng của sả đối với sức khỏe thì chúng ta cùng điểm qua một vài thông tin về chúng nhé!
Sả là gì?
Sả có tên khoa học là Cymbopogon citratus, là một loại cây lâu năm thường được trồng ở các khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ, Châu Phi và các nước nhiệt đới khác. Cây sả phát triển tốt nhất vào mùa hè trên những mảnh đất ẩm và giàu dinh dưỡng. Mỗi cây sả có nhiều lớp, mỗi lớp cứng và màu xanh lục, quấn chặt quanh lõi. Khi bóc lớp ngoài, phần lõi trắng bên trong có thể được dùng để nấu ăn và là một nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực Thái Lan. Bên cạnh việc làm hương liệu và nguyên liệu nấu ăn, sả còn được sử dụng trong các phương pháp trị liệu để giải quyết các vấn đề về tiêu hóa, thần kinh và huyết áp cao.
Thành phần dinh dưỡng có trong sả
Giá trị dinh dưỡng của sả có thể khác nhau tùy thuộc vào nguồn gốc và điều kiện sinh trưởng. Trong 100g sả chứa các thành phần dinh dưỡng sau:
- Nước: 70,6g;
- Calo: 99 kcal;
- Chất đạm: 1,82g;
- Tổng chất béo: 0,49g;
- Carbohydrate: 25,3g;
- Chất xơ: 0g;
- Đường: 0g.
Ngoài ra, trong 100g sả còn chứa các khoáng chất như 723 mg kali, 101mg phốt pho, 65mg canxi, sắt, magie và các khoáng chất khác. Sả cũng cung cấp một số vitamin như vitamin A, vitamin C và các vitamin nhóm B, tuy nhiên lượng vitamin này rất nhỏ, nên sả không có ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu vitamin hàng ngày của cơ thể.
Tác dụng của sả đối với sức khỏe
Sau đây là tác dụng của sả đối với sức khỏe:
Chống oxy hóa
Sả chứa axit chlorogen, isoorientin và swertia japonica, giúp bảo vệ tế bào khỏi gốc tự do. Nghiên cứu năm 2022 cho thấy tinh dầu sả loại bỏ gốc tự do và giảm tổn thương tế bào nhờ vào tác dụng chống oxy hóa mạnh.
Chống viêm
Sả chứa quercetin, một flavonoid có tác dụng chống oxy hóa và giảm viêm, giúp ngăn ngừa viêm khớp, bệnh tim mạch và ung thư. Hợp chất geranial và neral trong sả cũng ức chế các chất gây viêm.
Kháng khuẩn
Tinh dầu sả có khả năng kháng khuẩn đối với vi khuẩn Streptococcus mutans và khi kết hợp với ion bạc Ag(+), hiệu quả kháng khuẩn được nâng cao, đặc biệt với các vi khuẩn Gram dương, Gram âm và nấm men.
Giảm buồn nôn và nôn mửa
Sả có tính nóng và cay giúp giảm buồn nôn và nôn mửa, thường được thêm vào trà thảo dược và thuốc bổ.
Chống nấm
Nghiên cứu năm 1996 cho thấy tinh dầu sả 2,5% có hiệu quả diệt các loại nấm, bao gồm Trichophyton mentagrophytes và Candida albicans. Nghiên cứu năm 2020 cho thấy citral trong sả giảm sự biểu hiện gen liên quan đến sinh tổng hợp thành tế bào của nấm Candida.
Tác dụng lợi tiểu
Chiết xuất sả có tác dụng lợi tiểu, giúp loại bỏ chất lỏng và natri dư thừa. Nghiên cứu năm 2001 và 2022 xác nhận sả là thuốc lợi tiểu tự nhiên hiệu quả.
Giảm đau
Citral trong sả có thể giảm đau và sưng nhờ đặc tính chống viêm. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy việc thoa tinh dầu sả giảm đau viêm khớp từ 80% xuống 50% sau 30 ngày.
Cải thiện tiêu hóa
Nghiên cứu trên chuột năm 2012 cho thấy sả bảo vệ niêm mạc dạ dày và ngăn ngừa loét dạ dày. Sả cũng thúc đẩy nhu động tiêu hóa và duy trì cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Giảm cholesterol
Sả có thể giúp giảm cholesterol trong máu. Nghiên cứu năm 2007 và 2011 trên chuột cho thấy chiết xuất sả làm giảm mức cholesterol và mỡ máu.
Giảm căng thẳng và lo âu
Tinh dầu sả giúp giảm căng thẳng và lo âu. Nghiên cứu năm 2015 cho thấy mùi hương sả có thể giảm lo âu ngay sau khi tiếp xúc.
Ngăn ngừa ung thư
Citral trong sả có thể chống tăng sinh một số loại tế bào ung thư. Các thành phần như geraniol và D-limonene hỗ trợ ngăn chặn sự phát triển tế bào ung thư và tăng cường hoạt động của enzyme chuyển hóa chất gây ung thư.
Hỗ trợ giảm cân
Trà sả giúp tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ tiêu hóa và giảm cân. Sả cũng có tác dụng lợi tiểu, giúp giảm tích tụ chất lỏng trong cơ thể.
Cần lưu ý những gì khi sử dụng sả để đảm bảo sức khỏe
Khi sử dụng sả, bạn nên chú ý dùng với liều lượng hợp lý và không lạm dụng. Đảm bảo rửa sạch sả trước khi dùng trong các bài thuốc hoặc thực phẩm để loại bỏ mầm bệnh, vi khuẩn và thuốc trừ sâu. Đối với tinh dầu sả, hãy bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh sáng mặt trời. Cần lưu ý rằng một số đối tượng không nên sử dụng sả:
- Không xông hoặc uống sả khi bị cảm nhiệt hoặc cảm nắng.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú nên hạn chế sử dụng sả vì có thể kích thích tử cung và tăng nguy cơ sảy thai.
- Người có vấn đề về đường hô hấp như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không nên uống hoặc ngửi tinh dầu sả.
- Tinh dầu sả không nên dùng cho người có làn da mẫn cảm, vết thương hở hoặc trẻ nhỏ dưới 7 tuổi.
Chúng ta nên cân nhắc kỹ lưỡng và tuân thủ các hướng dẫn để tận dụng hiệu quả của sả mà không gây hại cho sức khỏe.
Hy vọng rằng bài viết này giúp bạn biết tác dụng của sả và tận dụng chúng để cải thiện sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý dùng sả thay thế các loại thuốc kê đơn mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Xem thêm:
- Hướng dẫn chưng cất tinh dầu sả chi tiết, dễ làm
- Cách bảo quản sả tươi lâu cực đơn giản và hiệu quả
- Chữa rối loạn tiền đình bằng cây sả liệu có hiệu quả?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.