Siêu âm là cách tốt nhất và nhanh nhất để theo dõi và đánh giá tình trạng thai nhi, đồng thời có thể phát hiện sớm các dị tật thai. Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu sẽ có những lần khám và siêu âm thai dựa trên từng mốc phát triển của bào thai trong bụng mẹ. Trừ trường hợp mẹ bầu lẫn thai nhi có vấn đề sức khỏe cần theo dõi, còn lại khi nào siêu âm, siêu âm loại hình nào đều phải thực hiện theo chỉ định của bác sĩ để tránh những sai lầm không đáng có.
Siêu âm là gì?
Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, sử dụng sóng âm thanh tần số cao xuyên qua cơ thể và phản xạ trở lại chuyển thành những hình ảnh được hiển thị trên màn hình, giúp bác sĩ chuyên khoa theo dõi và đánh giá chi tiết cấu trúc bên trong.
Siêu âm được ứng dụng vào quy trình khám thai, khám phụ khoa, giúp mang lại nhiều thông tin hữu ích.
Vì sao thai phụ cần phải siêu âm?
Xác nhận có thai
Trong trường hợp chậm kinh và kết quả thử thai dương tính, siêu âm sẽ giúp xác nhận chính xác, đảm bảo kết quả chuẩn và kịp thời.
Phát hiện thai ngoài tử cung
Ngoài việc xác nhận có thai hay không, siêu âm còn giúp xác định nhanh chóng việc thai nhi có hiện diện bên trong tử cung hay không, cũng như phát hiện bất kỳ dấu hiệu mang thai ngoài tử cung nào. Việc xác định kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng và đảm bảo an toàn cho thai phụ.
Tính ngày dự sinh
Siêu âm cho phép tính toán ngày dự sinh, giúp bậc cha mẹ tương lai chuẩn bị chu đáo cho sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình.
Theo dõi sự phát triển của thai nhi
Siêu âm cho phép bác sĩ kiểm tra vị trí lẫn sự phát triển của thai nhi theo độ tuổi. Nếu có bất kỳ sự bất thường hoặc sai lệch so với tiêu chuẩn, bác sĩ sẽ kịp thời tư vấn thai phụ cách xử lý.
Phát hiện các bất thường
Siêu âm giúp bác sĩ kiểm tra tỉ mỉ sự phát triển của thai nhi, đảm bảo phát hiện sớm các bất thường để can thiệp kịp thời.
Đánh giá nhau thai và nước ối
Siêu âm thai nhi giúp đánh giá sức khỏe của nhau thai và theo dõi lượng nước ối. Những yếu tố này đảm bảo hành trình mang thai khỏe mạnh.
Siêu âm thai 2 tuần 1 lần có sao không?
Bất cứ bà mẹ tương lai nào cũng sẽ háo hức muốn nhìn thấy sự phát triển của con mình qua những lần siêu âm. Tuy nhiên, thai phụ siêu âm nhiều có hại không, hay siêu âm thai 2 tuần 1 lần có sao không,… luôn là những thắc mắc của hầu hết thai phụ.
Như đã đề cập bên trên, siêu âm là một kỹ thuật không xâm lấn, không gây đau, qua đó giúp bà mẹ tương lai có thể chứng kiến sự tăng trưởng của bé yêu trong bụng qua từng ngày, từng tuần,…
Theo nghiên cứu khoa học, siêu âm nếu ở mức độ vừa phải và đúng thời điểm, đúng cách sẽ không gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo thai phụ chỉ nên siêu âm khi có sự chỉ định y khoa hoặc khi có dấu hiệu bất thường
Mặc dù siêu âm nói chung là an toàn nhưng việc tiếp xúc kéo dài với máy siêu âm dẫn đến nhiệt độ cơ thể người mẹ tăng lên có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, các bà mẹ tương lai nên thận trọng, tránh siêu âm không cần thiết và quá mức, đặc biệt là 2 tuần 1 lần.
Thai phụ nên siêu âm bao nhiêu lần là đủ?
Sau khi đã giải đáp thắc mắc siêu âm thai 2 tuần 1 lần có sao không, nhiều thai phụ sẽ đặt ra câu hỏi nên siêu âm bao nhiêu lần là đủ? Đây là vấn đề nên tìm hiểu, để tránh lạm dụng nhưng đồng thời cũng cần đủ để đảm bảo quá trình mang thai và bé tăng trưởng khỏe mạnh.
Theo bác sĩ sản khoa khuyến cáo, phụ nữ mang thai có những mốc quan trọng bắt buộc phải đi khám và siêu âm thai trong suốt thai kỳ:
Phát hiện chậm kinh
Khi phát hiện chậm kinh, chị em nên khám bác sĩ để được thăm khám, siêu âm để xác nhận chính xác bản thân có thai hay không, vị trí thai có bình thường không, số lượng thai là bao nhiêu, có khối u ở tử cung và buồng trứng hay không,…
Tuần 11 – 14 của thai kỳ
Siêu âm ở giai đoạn này bắt buộc thực hiện vì thời điểm này bác sĩ sẽ siêu âm để đo độ mờ da gáy thai nhi, từ đó tiên lượng nguy cơ mắc hội chứng Down trong thai kỳ.
Tuần 18 – 22 của thai kỳ
Vào tuần 18 – 22 của thai kỳ, siêu âm có tác dụng khảo sát hình thái thai nhi, giúp bác sĩ phát hiện thai nhi có dị tật bẩm sinh hay không.
Tuần 32 – 36 của thai kỳ
Tuần thai 32 – 36, siêu âm sẽ giúp bác sĩ đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi có đạt chuẩn hay không; đồng thời xác định vị trí bánh nhau, ngôi thai, lượng nước ối.
Ngày sinh
Khi đến ngày dự sinh, siêu âm sẽ được tiến hành thêm một lần nữa giúp xác định ngôi thai, tình trạng thai, cân nặng thai nhi, vị trí nhau, lượng nước ối,… Tất cả những chỉ số này là căn cứ để bác sĩ tiên lượng việc sinh nở có dễ dàng hay không.
Với thai phụ khỏe mạnh bình thường, một thai kỳ bình thường sẽ cần khám thai 7 lần. Tuy nhiên, với một số trường hợp đặc biệt như cao huyết áp, tim sản, tiểu đường thai kỳ,…, bác sĩ sản khoa sẽ cân nhắc tăng số lần khám thai và siêu âm hơn để ngăn ngừa rủi ro.
Tóm lại, siêu âm là biện pháp hữu hiệu giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng thai nhi, từ đó có thể phát hiện sớm các dị tật ngay giai đoạn đầu mang thai. Tuy nhiên, mỗi thai phụ sẽ có số lần khám, siêu âm thai khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Việc siêu âm thai 2 tuần 1 lần là không cần thiết nếu thai kỳ ổn định, bình thường. Việc lạm dụng phương pháp siêu âm thai, ngược lại còn có thể dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Tốt nhất là chị em cần tin tưởng và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ để tránh được những sai lầm không đáng có.
Xem thêm:
- Siêu âm hạch cổ phát hiện bệnh lý gì? Khi nào cần siêu âm hạch cổ?
- Hình ảnh siêu âm bé trai 17 tuần cho biết điều gì?
- Khi siêu âm thai 9 tuần, mẹ bầu cần biết thông tin gì?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.