Trong số rất nhiều loại serum hiện có trên thị trường, serum Vitamin C luôn là một trong những loại được yêu thích nhất. Tuy nhiên, loại serum này lại dễ bị oxy hóa nên có thể bị thay đổi màu sắc trong quá trình sử dụng. Đây là lý do trên các diễn đàn làm đẹp thường xuyên có người thắc mắc serum Vitamin C chuyển màu vàng còn dùng được không?
Serum Vitamin C là gì và có tác dụng gì?
Serum Vitamin C là gì? Đây là loại serum dưỡng da có thành phần chính là tinh chất Vitamin C tự nhiên. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có khả năng trung hòa gốc tự do, bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra, kích thích quá trình tái tạo, phục hồi tế bào da mới và chống lão hóa cho da.
Tóm lại, serum Vitamin C có thể giúp duy trì một làn da khỏe mạnh, tươi trẻ và làm chậm quá trình lão hóa da. Không những vậy, khả năng chống oxy hóa của Vitamin C cũng có thể bảo vệ da khỏi những thay đổi tiền ung thư đến từ tia cực tím.
Tại sao serum Vitamin C chuyển màu vàng?
Trong quá trình sử dụng, nhiều người dùng quan sát thấy serum Vitamin C chuyển màu vàng, ban đầu có thể là vàng nhạt sau đó chuyển dần sang màu vàng đậm. Đây không phải hiện tượng hiếm gặp.
Thành phần chính của loại serum này là các phân tử L-Ascorbic Acid với cấu tạo mỏng manh. Chính cấu tạo mỏng manh đó khiến chúng dễ bị oxy hóa bởi nhiệt độ, không khí hay ánh sáng mặt trời. Khi mở nắp sử dụng, không khí dễ xâm nhập vào bên trong lọ serum khiến nó dễ bị oxy hóa hơn.
Quá trình oxy hóa của serum Vitamin C diễn ra như sau: Đầu tiên, Ascorbic Acid trong serum sẽ được chuyển thành Dehydroascorbic Acid. Sau đó, Dehydroascorbic Acid lại tiếp tục bị phân hủy thành 2,3-Diketogulonic Acid rồi chuyển thành Erythrulose. Đây là một thành phần phổ biến có mặt trong các thuốc nhuộm nâu da. Chính thành phần này khiến serum Vitamin C có màu vàng và để càng lâu, màu vàng càng đậm thậm chí chuyển sang màu nâu vàng.
Lọ serum Vitamin C chuyển sang màu vàng nhanh hay chậm, sắc thái màu sắc như thế nào phụ thuộc vào nồng độ và công thức của mỗi loại. Khi các yếu tố môi trường như không khí, ánh sáng, nhiệt độ càng thuận lợi, quá trình oxy hóa diễn ra càng nhanh.
Dùng serum Vitamin C chuyển màu vàng có sao không?
Cách sử dụng serum Vitamin C ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của sản phẩm. Serum Vitamin C có thể giữ màu sắc ổn định trong 3 – 6 tháng trước khi có sự thay đổi màu sắc nào. Vì vậy, bạn hãy chọn mua sản phẩm có dung tích vừa phải và dùng hết lọ serum sau khi mở nắp trong khoảng thời gian đó là tốt nhất.
Tuy nhiên, có trường hợp serum Vitamin C chuyển màu vàng khi chưa kịp dùng hết. Vậy nếu tiếp tục sử dụng loại serum này có gây tổn hại cho da mặt không?
Trong nhiều trường hợp, serum Vitamin C khi mới chuyển sang màu vàng nhạt vẫn giữ được hầu hết tác dụng, vẫn an toàn và hiệu quả khi sử dụng. Tuy nhiên, khi quá trình oxy hóa diễn ra mạnh hơn, serum chuyển màu vàng sẫm màu, màu cam hay màu nâu cánh gián, tốt nhất bạn không nên sử dụng.
Khi đó, chất Erythrulose trong serum sẽ phản ứng với protein trong lớp tế bào sừng của da và tạo ra các hợp chất melanoidin màu nâu. Việc này dẫn đến tình trạng lớp ngoài cùng của da sẽ bị sạm màu, thâm xỉn. Thậm chí người dùng có thể xuất hiện các triệu chứng kích ứng, mẩn đỏ, ngứa sau khi bôi serum.
Cách bảo quản serum Vitamin C để tránh bị oxy hóa
Cách bảo quản Serum Vitamin C là điều mà mọi tín đồ làm đẹp đều nên biết khi sử dụng sản phẩm này. Để kéo dài thời gian serum Vitamin C chuyển màu vàng, bạn cần lưu ý những vấn đề như:
- Sau mỗi lần sử dụng bạn cần đóng chặt nắp để tránh không khó xâm nhập vào bên trong lọ. Mỗi lần lấy serum ra sử dụng bạn nên thao tác nhanh nhất có thể.
- Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản Vitamin C là dưới 25 độ C. Nếu nhiệt độ cao hơn, serum sẽ bị oxy hóa nhanh chóng. Sản phẩm này cũng thích hợp để bảo quản ở những nơi tối, tránh ánh sáng. Đây là lý do nhiều tín đồ làm đẹp chọn bảo quản serum Vitamin C trong ngăn mát tủ lạnh.
- Thời hạn sử dụng của serum Vitamin C khi chưa mở nắp khoảng 2 – 3 năm. Nhưng khi đã mở nắp sử dụng, bạn nên dùng hết sản phẩm trong vòng 4 tháng.
- Một lưu ý khi dùng serum Vitamin C là hiệu quả của sản phẩm sẽ giảm dần theo sự thay đổi của màu sắc. Khi màu vàng của serum càng đậm, công dụng của sản phẩm càng giảm trong khi nguy cơ gặp tác dụng phụ càng tăng.
Những người có kinh nghiệm thường chọn loại serum Vitamin C được bảo quản trong chai tối màu hoặc chai có thiết kế đặc biệt để tránh hấp thụ ánh sáng. Nếu chai serum bạn đang dùng có thiết kế trong suốt, bạn có thể ngăn chặn quá trình oxy hóa ngay bây giờ bằng cách bảo quản nó trong ngăn tủ kín hoặc dùng băng dính, nhãn dán để dán xung quanh.
Cách thử serum Vitamin C chuyển màu vàng trước khi sử dụng
Như trên đã nói, serum Vitamin C chuyển màu vàng nhạt vẫn có thể sử dụng. Nhưng để đảm bảo an toàn cho da mặt, bạn nên có một bước thử trước khi dùng.
Bạn có thể lấy một lượng vừa phải serum Vitamin C thoa vào vị trí mặt trong cổ tay hoặc thoa lên cổ. Đây cũng là những vùng da khá mỏng, có cấu trúc tương đồng với da mặt. Nếu sau khi thoa serum, bạn không thấy những vùng da này có hiện tượng ửng đỏ, châm chích, ngứa rát…, bạn có thể yên tâm dùng chúng trên da mặt.
Một số người có thói quen dùng hai loại serum cùng một lúc. Cách sử dụng serum đạt hiệu quả tốt nhất là kết hợp những loại serum phù hợp. Theo đó, serum Vitamin C không nên dùng chung với AHA, BHA, Benzoyl Peroxide, Retinol, Tretinoin, Niacinamide, Vitamin E, Arbutin, HA, Peptides…
Những người dùng serum Vitamin C lần đầu có thể ngỡ ngàng và lo lắng khi serum Vitamin C chuyển màu vàng. Tuy nhiên, đây không phải hiện tượng lạ. Nguyên nhân đơn thuần đến từ việc serum bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí, nhiệt độ cao và ánh nắng mặt trời. Việc tiếp tục sử dụng chai serum đã bị oxy hóa hay không phụ thuộc vào mức độ thay đổi màu sắc. Nếu serum có màu vàng nhạt, bạn vẫn có thể sử dụng hoặc tận dụng để chăm sóc da tay, da cổ. Nhưng nếu serum chuyển màu vàng đậm, hãy bỏ đi và mua lọ serum mới bạn nhé!
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.