Sau sinh ăn khoai tây được không? Khoai tây được biết đến là loại thực phẩm khá lành tính và giàu chất dinh dưỡng nếu được chế biến hợp lý. Vậy những cách chế biến khoai tây để đảm bảo an toàn và đầy đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé là gì?
Sau sinh ăn khoai tây được không?
Sau sinh ăn khoai tây được không? Câu trả lời là có, các mẹ sau khi sinh hoàn toàn có thể ăn khoai tây để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Theo các nghiên cứu, trung bình một củ khoai tây 150g sẽ chứa:
- 27mg vitamin C, đây là chất chiếm phần trăm lớn nhất trong các dưỡng chất có ở khoai tây, chiếm lên tới 45% nguồn dưỡng chất.
- Tiếp đến là kali 620mg chiếm 18% nguồn dưỡng chất.
- Vitamin B6 với 0,2mg chiếm 10% nguồn dưỡng chất.
- Ngoài ra, trong khoai tây còn chứa một lượng nhỏ các chất dinh dưỡng như vitamin B1, vitamin B2, magie, sắt, photpho, niacin, folate và kẽm.
Với những thành phần các chất dinh dưỡng rất đa dạng ở trên thì khoai tây khi được chế biến chín sẽ rất tốt cho sức khỏe của các mẹ sau sinh. Đặc biệt khoai tây còn được đánh giá là giúp lợi sữa cho các mẹ khi đang cho con bú. Ngoài ra khi ăn khoai tây còn rất tốt cho hệ tiêu hoá, giúp giảm tình trạng bị táo bón ở cả mẹ và em bé.
Lợi ích của khoai tây đối với sức khỏe của mẹ sau sinh
Với nhiều chất dinh dưỡng như đã nêu ở trên thì khoai tây đem lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe cho các mẹ sau khi sinh.
Giảm stress, căng thẳng
Các mẹ sau sinh sinh rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm bởi thường xuyên gặp phải căng thẳng, stress khi chăm con, lo lắng cho con và không có người bên cạnh thấu hiểu mình. Bên cạnh đó còn có rất nhiều nỗi lo về cơm áo gạo tiền khiến các mẹ càng áp lực và càng dễ rơi vào trầm cảm.
Các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên các mẹ sau sinh nên tích cực ăn khoai tây bởi lẽ trong khoai tây có chứa nhiều loại vitamin như vitamin A, vitamin B2, vitamin B6… Những loại vitamin này rất tốt cho việc tăng cường miễn dịch, lưu thông tuần hoàn máu, giúp giảm tình trạng đau đầu và mệt mỏi.
Ngoài ra trong khoai tây còn chứa vitamin B6. Sau khi được hấp thu vào cơ thể nó sẽ chuyển hoá thành các chất hữu cơ, giúp cơ thể tăng cường giải phóng ra các hormone như melatonin, norepinephrine, serotonin có tác dụng giảm lo âu, căng thẳng, xoa dịu thần kinh và đặc biệt là ngăn ngừa tình trạng trầm cảm. Do đó, các mẹ nên bổ sung khoai tây để có tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng hơn.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/sau_sinh_an_khoai_tay_duoc_khong_loi_ich_cua_khoai_tay_doi_voi_suc_khoe_me_sau_sinh_2_01e5384d9e.jpg)
Giảm nguy cơ mắc phải các biến cố tim mạch
Trong một số nghiên cứu, việc ăn khoai tây thường xuyên sẽ giúp giảm được nguy cơ mắc các biến cố về tim mạch từ 42% xuống 29%. Các vitamin B1 và vitamin B6 có trong khoai tây sẽ giúp chống nhiễm khuẩn, rất cần thiết cho sự phát triển bình thường và hỗ trợ tốt cho sức khỏe tim mạch.
Bên cạnh đó, trong khoai tây chứa nhiều chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hoá và giảm lượng cholesterol xấu có trong máu. Từ đó giúp bảo vệ tim mạch và ngăn ngừa được các bệnh về tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch…
Tốt cho dạ dày, hệ tiêu hóa, giảm tình trạng táo bón
Như đã nhắc tới ở trên, trong khoai tây chứa các thành phần có tác dụng kháng khuẩn, giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong dạ dày. Do đó các mẹ gặp vấn đề về viêm loét dạ dày, đau dạ dày, ăn khoai tây sẽ giúp giảm cảm giác đau, khó chịu. Bên cạnh đó, trong khoai tây còn có các carbohydrate có tác dụng bảo vệ hệ đường ruột tránh khỏi những tác nhân xấu. Đặc biệt khi ăn khoai tây sẽ giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Khoai tây chứa nhiều loại chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa của cơ thể. Nó giúp giảm tình trạng rối loạn tiêu hoá và giảm hội chứng ruột kích thích. Bên cạnh đó còn có tác dụng làm mềm phân, giúp tiêu hoá dễ dàng hơn và giảm tình trạng táo bón hay gặp ở các mẹ sau sinh.
Tăng cường thể chất
Vitamin B6 có trong khoai tây rất tốt trong việc tăng cường trí nhớ, làm chậm lại quá trình bị suy giảm nhận thức và giúp tăng cường thể chất, cơ thể tràn đầy năng lượng. Vitamin B6 có thể qua sữa mẹ và truyền sang trẻ khi bú mẹ, do đó sẽ giúp ích cho sự phát triển về cả thể chất và trí não của trẻ.
Một số món ăn chế biến từ khoai tây ngon và đầy đủ dinh dưỡng
Ngoài thắc mắc sau sinh ăn khoai tây được không thì một vấn đề được các mẹ thắc mắc nữa chính là những cách chế biến khoai tây ngon và hấp dẫn. Vì là một loại thực phẩm được sử dụng phổ biến nên có rất nhiều cách để chế biến khoai tây ngon, hấp dẫn mà vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Dưới đây là một số cách chế biến phù hợp cho các mẹ sau sinh.
Bò hầm với khoai tây
Đây là một món ăn rất bổ dưỡng mà cách chế biến lại vô cùng đơn giản.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Thịt bắp bò: 1kg;
- Khoai tây: 2 – 3 củ;
- Cà chua: 3 quả;
- Cà rốt: 1 củ;
- Một số gia vị như ngũ vị hương, hạt tiêu;
- Hành lá, rau mùi.
Cách chế biến:
- Chần qua thịt bò với nước sôi sau đó thái thành miếng vừa ăn và đem đi ướp với gia vị đã chuẩn bị cho ngấm.
- Đổ dầu vào cho nóng rồi thêm thịt bò đã ướp vào, xào săn lên. Đổ thêm nước và hầm trong nồi áp suất khoảng 15 – 20 phút.
- Trong lúc chờ đợi thì sơ chế các loại củ. Khoai tây, cà rốt đem đi gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn rồi đem đi rửa sạch. Cà chua rửa sạch rồi cắt lát tròn.
- Cho cà chua vào xào trước, sau đó thêm cà rốt và khoai tây vào, đảo đều.
- Cho thịt bò đã hầm vào nồi củ quả, tiếp tục đun cho chín nhừ thịt và các loại củ.
- Cuối cùng là cho thêm hành, mùi đã rửa sạch thái nhỏ vào nồi để tăng hương vị và thêm hấp dẫn. Như vậy là đã xong món bò hầm với khoai tây, các mẹ có thể múc ra và thưởng thức.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/sau_sinh_an_khoai_tay_duoc_khong_loi_ich_cua_khoai_tay_doi_voi_suc_khoe_me_sau_sinh_3_76061549aa.jpg)
Canh sườn nấu khoai tây
Canh sườn nấu khoai tây là một món ăn rất quen thuộc với mỗi gia đình Việt. Cách nấu món này cũng rất đơn giản và nhanh chóng.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Sườn non: 1kg;
- Khoai tây: 3 củ;
- Cà rốt: 1 củ;
- Hành lá, mùi;
- Các gia vị: Tiêu, hạt nêm…
Cách chế biến:
- Sườn chặt miếng vừa ăn rồi đem chần qua nước sôi, sau đó đem đi rửa sạch lại với nước và vớt ra để ráo.
- Khoai tây, cà rốt gọt vỏ, thái miếng vừa ăn và đem đi rửa sạch.
- Xào qua sườn với các gia vị cho ngấm rồi thêm nước vừa đủ và hầm trong vòng 30 phút. Tiếp đến cho thêm cà rốt và khoai tây vào đun trong khoảng 15 phút.
- Sau đó, khi sườn và các loại củ đã chín thì tắt bếp, múc ra bát và thêm hành lá, mùi vào cho thơm. Như vậy là đã hoàn thành và có thể thưởng thức rồi.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/sau_sinh_an_khoai_tay_duoc_khong_loi_ich_cua_khoai_tay_doi_voi_suc_khoe_me_sau_sinh_4_55b54aa52f.jpg)
Trên đây là bài viết về chủ đề sau sinh ăn khoai tây được không. Sau sinh các mẹ hoàn toàn có thể ăn khoai tây để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể vì đây là một loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Nếu bạn thấy bài viết này hay hãy theo dõi Nhà thuốc Long Châu để có thể nhận thông báo của những bài viết tiếp theo nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.