Sản dịch 3 tháng chưa hết, điều này khiến nhiều sản phụ lần đầu làm mẹ cảm thấy hoang mang lo lắng. Thông thường, sau 2 – 4 tuần sản dịch sẽ hết hoặc giảm tùy theo cơ địa của mỗi người.
Tuy nhiên, có những trường hợp kéo dài lâu hơn lên đến 90 ngày, lúc này hẳn có thể gặp phải vấn đề gì đó. Nguyên nhân là gì? Cách điều trị như thế nào cho đúng? Cùng nhà thuốc Long Châu tham khảo bài viết sau để trang bị thêm kiến thức hữu ích nhé.
Sản dịch sau sinh kéo dài có thật sự nguy hiểm?
Với thành phần chính là huyết dịch, máu cục nhỏ và màng bong tử cung, sản dịch trong những ngày đầu có màu đỏ sậm, tuy nhiên, sau đó sẽ nhạt theo thời gian và biến mất hẳn. Tùy vào cơ địa, sản dịch có thể kéo dài từ 2 – 4 tuần. Nhưng vẫn không ít trường hợp sản dịch kéo dài hơn 6 tuần. Nếu không xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, sốt, đau tử cung, mẹ không nên quá lo lắng.
Nguyên nhân sản dịch 3 tháng chưa hết là gì?
Sản dịch 3 tháng chưa hết có thể là do các nguyên nhân như:
Sử dụng phương pháp sinh mổ
So với sinh thường, sinh mổ có thể khiến sản phụ mất máu nhiều hơn. Em bé khi đó không chui ra ngoài qua cổ tử cung. Nhiều trường hợp chưa xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ, tử cung co bóp kém hơn khiến sản dịch đẩy ra ngoài ít và chậm hơn, dẫn đến tình trạng ứ đọng trong tử cung.
Mất nhiều máu
Dù là phương pháp sinh mổ hay sinh thường thì sản phụ đều bị mất lượng máu lớn khi sinh. Nhưng với trường hợp mất máu quá nhiều thì tử cung sẽ kém co bóp hơn, thậm chí không thể co bóp. Từ đó sản dịch không được đẩy ra ngoài, gây tắc ứ sản dịch.
Sinh mổ gây ra tình trạng mất nhiều máu
Một số biến chứng sau sinh
Một số vấn đề thường xảy ra trong và sau khi sinh như thai to, đa ối, thời gian chuyển dạ kéo dài,… có thể khiến thai phụ bị ứ sản dịch trong tử cung.
Chế độ hậu sản không đúng
Sau khi sinh, trường hợp sản phụ không vận động, nằm 1 chỗ trong thời gian dài hoặc không vệ sinh vùng kín sạch sẽ có thể dẫn đến nhiễm trùng âm đạo. Những nguyên nhân trên có thể tăng tình trạng ứ đọng sản dịch sau sinh.
Các nguyên nhân khách quan khác
Một số nguyên nhân khách quan có thể làm ứ đọng sản dịch sau sinh có thể do sức khỏe của sản phụ yếu. Cũng có thể vì cổ tử cung đóng hoặc trương lực cơ tử cung kém. Từ đó, sản dịch không được đẩy ra ngoài.
Sau 3 tháng chưa hết sản dịch có sao không?
Trong thời gian đầu sau khi sinh, sản dịch sẽ liên tục ra ngoài với lượng lớn. Lúc này, sản dịch có màu đỏ thẫm, kèm với các cục máu đông. Sau 7 đến 10 ngày, lượng sản dịch bắt đầu giảm dần, loãng hơn. Sản dịch khi này gồm tế bào của niêm mạc tử cung và tế bào bạch cầu.
Sản dịch có thể hết sau 14 – 28 ngày nhưng cũng có trường hợp, sản dịch kéo dài đến hơn 30 ngày nhưng tối đa là 45 ngày, đây là điều hoàn toàn bình thường.
Nếu sản dịch 3 tháng chưa hết thì có thể là dấu hiệu của những triệu chứng nguy hiểm tiềm ẩn. Nếu không xử lý kịp thời, có thể dẫn đến chảy máu không ngừng, nhiễm khuẩn máu, rối loạn đông máu. Có trường hợp bị nhiễm trùng nặng chúng ta phải cắt bỏ hoàn toàn tử cung.
Trường hợp sản dịch kéo dài có thể gây rối loạn đông máu
Khi nào bạn nên gặp bác sĩ khoa sản?
Sau khi sinh, chị em cần quan sát cơ thể mình kỹ hơn. Trường hợp xuất hiện dấu hiệu bất thường hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám. Từ đó biết được tình trạng sức khỏe của mình cũng như có biện pháp ngăn ngừa kịp thời. Các dấu hiệu mà bạn cần quan tâm khi sản dịch sau 3 tháng chưa hết:
- Nhiệt độ cơ thể đột ngột tăng cao.
- Sản dịch chảy ít dù mới sinh vài ngày trước, sản dịch kèm với mùi khó chịu.
- Căng tức vùng hạ vị, thỉnh thoảng có cảm giác nhói đau.
- Xuất hiện cục cứng ở bụng.
- Đáy tử cung bị đau khi ấn nhẹ vào, cổ tử cung đóng kín.
Bạn nên đi khám bác sĩ khi thân nhiệt đột ngột tăng cao
Chị em cần làm gì khi sau sinh 3 tháng sản dịch chưa hết?
Nếu sau 3 tháng vẫn chưa hết sản dịch, chị em cần có các biện pháp phòng ngừa và điều trị ứ sản dịch sau sinh ngay.
Các phương pháp điều trị ứ sản dịch:
Khi bị tắc ứ sản dịch, chị em không thể điều trị tại nhà mà cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám. Các phương pháp được dùng để điều trị ứ sản dịch có thể kể đến:
- Nong cổ tử cung: Bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên khoa để nong cổ tử cung cho sản phụ. Từ đó có thể lấy phần sản dịch bị ứ đọng ra ngoài. Thủ thuật này cần đảm bảo đúng kỹ thuật và hợp vệ sinh để tránh các biến chứng về sau. Bạn cần tìm đến các cơ sở uy tín để thực hiện.
- Hút dịch trong tử cung: Bác sĩ sử dụng ống hút để hút hết lượng sản dịch bị ứ đọng trong tử cung. Ống hút cần được vô trùng hoàn toàn để không gây ra tình trạng viêm nhiễm và biến chứng cho sản phụ.
- Sử dụng thuốc: Trường hợp sản dịch ứ đọng có thể là vì tử cung co bóp kém hoặc đóng kín thì bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để tử cung co bóp mạnh hơn. Từ đó đẩy sản dịch ra ngoài dễ hơn.
Phương pháp điều trị ứ sản dịch: Nong cổ tử cung
Các biện pháp phòng ngừa ứ sản dịch sau khi sinh
Ứ sản dịch nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, chị em cần có các biện pháp phòng ngừa từ sớm để bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình bằng cách:
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ
Vùng kín được vệ sinh sạch sẽ có thể ngăn chặn được nguy cơ nhiễm khuẩn. Sản dịch là môi trường ẩm ướt, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển. Từ đó có thể gây ra các bệnh viêm nhiễm cổ tử cung, âm đạo và làm tăng nguy cơ ứ sản dịch.
Ngoài ra, chi em cần lựa chọn loại băng vệ sinh có khả năng thấm hút tốt, chất lượng cao. Nên thay thường xuyên 4 tiếng 1 lần để hạn chế nhiễm khuẩn.
Vận động nhẹ giúp tử cung co bóp tốt hơn
Sau khi sinh mặc dù mất sức và mệt mỏi nhiều nhưng sản phụ cũng nên vận động nhẹ bằng cách đi lại vài lần. Việc này không chỉ giúp tử cung co bóp đẩy sản dịch ra ngoài mà còn tăng sức khỏe, tốt cho hệ tiêu hóa, hạn chế táo bón.
Cho bé bú sớm đẩy sản dịch nhanh hơn
Bé bú mẹ giúp tử cung co bóp đẩy sản dịch ra ngoài nhanh, vì thế hãy cho bé bú mẹ sớm nhất có thể. Ngoài việc cho bé bú, mẹ có thể hút sữa theo cữ. Điều này cũng tăng co bóp tử cung, hạn chế tắc tia sữa.
Mẹ cho bé bú sớm có thể đẩy nhanh sản dịch ra hơn
Chế độ ăn uống đầy đủ, khoa học
Sau khi sinh, ngoài việc bổ sung dưỡng chất để hồi phục sức khỏe và tăng chất lượng sữa, sản phụ còn cần ăn nhiều thực phẩm có tác dụng kích thích co bóp tử cung như rau ngót, mướp đắng, đu đủ xanh,…
Đi tiểu thường xuyên để bàng quang hoạt động bình thường
Sau khi sinh nhiều mẹ thường sợ đi vệ sinh, đặc biệt là những mẹ bị rạch tầng sinh môn. Dù vậy, hãy cố gắng đi tiểu để bàng quang hoạt động bình thường. Điều này cũng giúp cho tử cung co bóp, sản dịch cũng được đẩy ra ngoài dễ hơn.
Trên đây là thông tin về sản dịch 3 tháng chưa hết mà nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng qua những kiến thức trên, mẹ bỉm có thể chủ động thăm khám và có phương pháp phòng bệnh kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.