Bầu đất là một loại rau cực kỳ quen thuộc đối với người dân đất nước hình chữ S. Cây không chỉ được sử dụng như nguyên liệu trong các món ăn thường ngày mà còn là thảo dược xuất hiện trong các phương thuốc trị bệnh khác nhau.
Tổng quan về cây bầu đất
Tìm hiểu thông tin về rau bầu đất giúp bạn hiểu hơn về loại rau này để biết được cách dùng mang lại hiệu quả.
Đặc điểm hình thái
Cây bầu đất còn có các tên gọi khác như cây kim thất, dây chua lè, rau lúi, thiên hắc địa hồng,… Bầu đất thuộc họ cúc Asteraceae, được xếp vào dạng cây thân thảo. Chúng mọc bò và có xu hướng hơi leo, chiều cao trung bình khoảng 1 mét. Cây mọng nước và có thể phân thành nhiều cành. Lá của bầu đất khá dày, mọc so le nhau. Trong khi mặt dưới lá có màu xanh nhợt thì mặt trên có phần hơi tía. Cây thường ra hoa và kết quả vào mùa xuân và hè.
Rau bầu đất phân bố nhiều tại các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan. Tại Việt Nam, cây mọc hoang hay được trồng với mục đích làm thực phẩm hay dược liệu hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau. Vào thời điểm mùa hạ đến, cây bầu đất sẽ được thu hoạch các bộ phận. Sau đó để bảo quản một cách tốt nhất, chúng sẽ được đem đi phơi khô.
Cây bầu đất sở hữu rất nhiều thành phần dinh dưỡng giá trị. Chúng bao gồm nước, protein, chất xơ, caroten, gluxit và vitamin C.
Các tác dụng dược lý của bầu đất
Toàn bộ các bộ phận của bầu đất có thể làm nguyên liệu cho các bài thuốc với một số công dụng như:
- Chống mỡ máu;
- Kiểm soát lượng đường trong máu;
- Chống viêm nhiễm.
Trong Đông y học, bầu đất có vị ngọt, cay, hơi đắng, thơm. Dược liệu có tính bình và sở hữu khả năng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu, tiêu thũng, tán ứ, chỉ khái.
Flavonoid là thành phần của bầu đất có khả năng chống viêm hiệu quả. Trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học chỉ ra rằng chiết xuất của rau bầu đất đem đến kết quả tốt trong việc trị viêm da do virus Herpes. Bên cạnh đó là các tác dụng giảm đau, nhanh lành và giảm ngứa. Các nghiên cứu cũng cho biết chiết xuất từ loại thảo dược này có công dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn bao gồm S. Aureus, E. Coli hay Candida Albicans.
Ngoài ra, chúng còn sở hữu hoạt tính ức chế Glucosidase. Cơ chế hoạt động này tương tự với một loại thuốc trị tiểu đường được sử dụng phổ biến là Acarbose. Thông qua đó ta có thể thấy được tiềm năng hỗ trợ điều trị bệnh lý đái tháo đường của cây bầu đất.
Bầu đất cực kỳ phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị nhiễm trùng da, đau mắt đỏ, viêm đường tiết niệu. Tất cả nhờ vào khả năng kháng virus, kháng khuẩn và tiềm năng hỗ trợ trị căn bệnh đái tháo đường.
Rau bầu đất có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Tại Việt Nam, cây bầu đất thường được sử dụng như một loại rau. Bạn có thể sử dụng phần ngọn non, cành lá để xào, trộn salad giấm hay nấu canh cua.
Mặt khác, trong hỗ trợ điều trị bệnh, lá và thân của cây sẽ được dùng làm nguyên liệu sắc thuốc. Liều lượng sử dụng khoảng 30 – 40 gram. Bầu đất cũng có thể được sử dụng phối hợp cùng các loại thảo dược khác trong các bài thuốc điều trị nhiều chứng bệnh lý khác nhau. Có thể kể đến như kinh nguyệt không đều, sốt, thiếu máu, đau mắt đỏ, các bệnh về tiết niệu.
Một số bài thuốc hỗ trợ và điều trị bệnh sử dụng thảo dược bầu đất như:
- Đái dầm, đái són, đái buốt: Sử dụng 80 gram bầu đất tươi để sắc thuốc. Bạn có thể uống vào buổi trưa và hạn chế sử dụng vào buổi tối.
- Viêm bàng quang, bạch đới, khí hư: Dùng bầu đất sắc thuốc cùng với ý dĩ và bột thổ tam thất với liều lượng bằng nhau từ 10 – 15 gram. Uống đều đặn mỗi ngày 2 lần để thấy được hiệu quả.
- Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Nhai nuốt 7 – 9 lá rau bầu đất mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều. Điều này có thể giúp bạn điều hòa lượng đường trong máu. Thảo dược sẽ không gây ra phản ứng phụ và có thể hỏi ý kiến của các bác sĩ để sử dụng trong quá trình điều trị bệnh.
- Ho khan, ho gió, ho có đờm hay viêm họng: Nhai một vài lá bầu đất và ngậm nước để nuốt dần.
- Hỗ trợ trị viêm phế quản mạn tính: Xào, luộc hoặc nấu canh bầu đất thường xuyên trong chế độ ăn uống thường ngày.
- Cải thiện vết va đập bầm tím: Chuẩn bị một nắm bầu đất khô và giã nát cùng một ít hạt tiêu đen và đắp vào vị trí bị thương. Thay đổi miếng gạc bầu đất thường xuyên và sử dụng trong khoảng 3 ngày.
- Đái buốt, đái dắt: Sử dụng khoảng 80 gram bầu đất sắc cùng với 700ml nước cho đến khi còn khoảng 200ml. Chia liều thuốc ra làm 2 lần uống trong một ngày.
- Hỗ trợ điều trị bạch đới, khí hư: Chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu bao gồm 20 gram bầu đất, 15 gram cỏ xước, 15 gram củ gai sao vàng, 12 gram kim ngân hoa, 16 gram cam thảo đất. Sau khi sắc toàn bộ thảo dược trên cùng nước, chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày.
- Chứng đái dầm ở trẻ: Mẹ có thể thường xuyên nấu canh rau bầu đất cho trẻ vào buổi tối. Điều này giúp hỗ trợ chữa chứng đái dầm rất hiệu quả.
- Hỗ trợ cải thiện chứng táo bón, kiết lỵ: Sử dụng một nắm rau bầu đất giã hoặc xay nhuyễn, hòa cùng với 100ml nước sôi nguội. Tiến hành chia thành 2 lần uống vào buổi sáng và chiều. Kiên trì áp dụng trong khoảng 5 – 6 ngày.
- Chứng mất ngủ: Thường xuyên bổ sung rau bầu đất tươi vào chế độ ăn uống thường ngày. Canh rau bầu đất có công dụng điều hoà máu huyết, an thần và tạo điều kiện cho bạn có giấc ngủ tốt hơn.
Một số lưu ý khi sử dụng cây bầu đất
Cần quan tâm đến một số vấn đề khi sử dụng bầu đất trong hỗ trợ và điều trị các loại bệnh lý như:
- Việc áp dụng các phương thuốc điều trị từ cây bầu đất cần có sự chỉ định từ các bác sĩ. Điều này giúp bệnh nhân tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Các bài thuốc từ cây bầu đất cần đảm bảo được sử dụng đúng cách với liều lượng thích hợp.
- Ngừng sử dụng bầu đất nếu như nhận thấy bản thân có các dấu hiệu bất thường. Tiếp theo, bạn cần đi thăm khám bác sĩ để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
Để có thể sử dụng bầu đất một cách hiệu quả và an toàn, tốt nhất bạn nên nhờ đến lời khuyên từ các bác sĩ. Bên cạnh đó, trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản cũng đem đến nhiều lợi ích to lớn cho sức khỏe của cá nhân và những người xung quanh.
Hy vọng với những thông tin hữu ích trên, bạn đã biết rõ các công dụng tuyệt vời của rau bầu đất. Mặt khác, bạn không nên lạm dụng loại rau này tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.