Sản phụ sau sinh cần chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng đặc biệt để nhanh hồi phục sức khỏe và đủ sữa cho em bé. Ngoài ở cữ được ăn rau gì, ở cữ phải kiêng gì, ở cữ nên ăn gì, các sản phụ còn băn khoăn ở cữ ăn được quả gì? Các loại trái cây không chỉ cung cấp chất xơ mà còn cung cấp hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào. Vì vậy, hãy cùng Long Châu tìm hiểu ngay những trái cây tốt nhất cho mẹ sau sinh bạn nhé!
Sau khi sinh bao lâu thì được ăn trái cây?
Trái cây là một trong những nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho sản phụ, đồng thời, nhiều loại quả còn hỗ trợ “gọi sữa” cho các mẹ sau sinh bị ít sữa. Trong thời gian ở cữ, các sản phụ nên bổ sung nhiều loại quả khác nhau để tăng cường vitamin, nước, chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón cho cả mẹ và bé.
Thông thường, sau khi sinh 3 – 4 ngày là mẹ có thể ăn trái cây. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên ăn những loại quả có lợi cho sức khỏe sau khi sinh như giúp nhuận tràng, chống táo bón, giúp co bóp tử cung để đẩy sản dịch ra ngoài, tăng cảm giác thèm ăn, bổ sung nước, chất xơ, vitamin và tăng tiết sữa.
Ở cữ ăn được quả gì?
Chuối
Chuối là loại trái cây giá rẻ, phổ biến ở nước ta nhưng lại cực kỳ thơm ngon bổ dưỡng. Loại quả này chứa hàm lượng calo cao, là nguồn cung cấp năng lượng lý tưởng. Trái chuối chín rất giàu sắt giúp kích thích tăng sinh hồng cầu, rất tốt cho sản phụ bị mất nhiều máu trong quá trình sinh nở. Chất xơ xenlulozơ trong chuối có tác dụng nhuận tràng, phòng ngừa táo bón và trĩ sau sinh. Kali trong chuối cũng giúp cân bằng huyết áp, cải thiện được tình trạng cao huyết áp sau sinh thường gặp ở sản phụ.
Bưởi
Bưởi nhiều nước, vitamin, chất xơ… được biết đến là loại trái cây giúp phụ nữ sau sinh đẹp dáng, sáng da. Nếu chưa biết ở cữ ăn được quả gì, các sản phụ có thể yên tâm ăn bưởi. Loại trái cây này có tác dụng giảm táo bón, ngăn ngừa chảy máu sau sinh. Bưởi cũng có thể kiểm soát đường huyết nên rất tốt cho những sản phụ từng mắc tiểu đường thai kỳ. Vitamin C và các chất chống oxy hóa trong bưởi còn giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Ngoài bưởi, cam, quýt cũng là trái cây cùng họ có tác dụng tương tự.
Đu đủ chín
Hàm lượng dinh dưỡng trong trái đu đủ chín chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, chất xơ trong đu đủ giúp giảm táo bón vô cùng hiệu nghiệm. Loại trái cây này còn được biết đến với tác dụng bổ máu, giảm viêm nhiễm, tăng đề kháng và giúp lành lành nhanh vết thương sau sinh trên cơ thể sản phụ. Ngoài ra, đu đủ còn có tác dụng cải thiện thị lực, tăng cường sức khỏe tim mạch.
Trái bơ
Không phải vô cớ mà trái bơ được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại trái cây. Trái bơ có giá trị dinh dưỡng cao, nhất là hàm lượng các loại acid béo lành mạnh mà cơ thể không thể tự tổng hợp được như omega-3-6-9. Trái bơ có tác dụng chống oxy hóa, cân bằng đường huyết nên rất tốt cho phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ. Ngoài ra, ăn trái cây này cũng giúp cơ thể mẹ sản xuất nhiều sữa hơn.
Dưa hấu
Với những sản phụ còn thắc mắc ở cữ ăn được quả gì cũng có thể thêm trái dưa hấu vào thực đơn. Thành phần trái dưa chiếm chủ yếu là nước, là nguồn bổ sung chất lỏng lý tưởng và giúp tăng lượng sữa mẹ. Hàm lượng vitamin C dồi dào trong trái dưa hấu giúp tăng đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, dưa hấu còn có tác dụng giảm đau nhức cơ bắp, tốt cho tim mạch, tốt cho thị lực…Sản phụ khỏi phải băn khoăn ở cữ có được ăn dưa hấu không nữa nhé!
Hồng xiêm
Hồng xiêm có tính mát, vị ngọt, giàu canxi và sắt nên rất tốt cho mẹ sau sinh. Ăn trái hồng xiêm chín như món tráng miệng hay ăn vào bữa phụ cũng giúp cơ thể mẹ tăng sản xuất sữa. Đặc biệt, hồng xiêm chín chữa táo bón sau sinh rất hiệu nghiệm. Nhưng chưa hết, trong trái hồng xiêm chín có hoạt chất có tác dụng giống như một loại thuốc an thần. Loại thuốc này giúp sản phụ ngủ ngon hơn, cải thiện tâm trạng và phòng ngừa chứng trầm cảm sau sinh.
Trái táo
Người phương Tây có câu “ăn một trái táo mỗi ngày không phải đến gặp bác sĩ” đủ để thấy loại trái cây này tốt cho sức khỏe như thế nào. Táo giàu chất xơ, vitamin A, C, E, các khoáng chất và chất dinh dưỡng có lợi khác. Các chất này tiết vào sữa mẹ, giúp tăng đề kháng và giảm cảm cúm cho cả mẹ lẫn con. Đặc biệt, táo cũng hỗ trợ hiệu quả trong việc khôi phục vóc dáng sau sinh của sản phụ.
Trái vú sữa
Trái vú sữa cũng là gợi ý cho sản phụ chưa biết ở cữ ăn được quả gì. Vú sữa chín có thành phần giàu vitamin A, B1, B2, B3, C và các khoáng chất thiết yếu như sắt, canxi… tốt cho sức khỏe của mẹ và nâng cao chất lượng dòng sữa. Ăn vú sữa cũng giúp sản phụ tăng tiết sữa, giúp sữa đặc hơn, thơm hơn và cải thiện tình trạng sạm da ở sản phụ.
Thanh long
Thanh long giàu vitamin nhóm B, vitamin C, canxi và sắt. Loại trái cây này có tác dụng chống oxy hóa, cải thiện làn da, cải thiện trí nhớ của mẹ sau sinh. Hàm lượng sắt dồi dào trong trái thanh long giúp giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt ở sản phụ. Polyphenol có trong dưa hấu là một chất chống oxy hóa có tác dụng phòng ngừa viêm nhiễm. Các thành phần quan trọng trong trái thanh long cũng có tác dụng nâng cao sức đề kháng của cả mẹ và em bé khi được bú sữa mẹ hàng ngày.
Trái nho
Nho ngọt cũng thường xuyên có mặt trong bữa cơm ở cữ của các sản phụ. Nho cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là các chất chống oxy hóa. Với mẹ sau sinh, ăn nho thường xuyên có thể cải thiện tâm trạng, phòng ngừa chứng trầm cảm sau sinh. Cơ thể người mẹ sau sinh bị giảm khí huyết nên dễ mắc cảm lạnh, cảm cúm. Trái nho có tác dụng phòng cảm lạnh hữu hiệu rất đáng để mẹ thêm vào thực đơn hàng tuần. Sản phụ từng bị tiểu đường thai kỳ cần lưu ý ăn nho với hàm lượng vừa phải để không làm tăng đường huyết.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm cho mình một số gợi ý khi ở cữ ăn được quả gì. Sản phụ nên ăn đa dạng các loại trái cây để bổ sung dưỡng chất phong phú cho cơ thể. Tuy rằng các loại trái cây rất tốt cho cơ thể, nhưng các mẹ sau sinh cũng nên sử dụng với lượng vừa phải. Một bữa ăn nên đầy đủ các nhóm tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất là tốt nhất cho sức khỏe sản phụ. Nếu có điều kiện, sản phụ có thể dùng thêm các loại thuốc bổ cho bà mẹ cho con bú để bổ sung thêm cơ thể.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.