Nước trái cây lên men hiện đang là “xu hướng” được nhiều người chú ý bởi những quảng cáo công dụng giảm cân, kiểm soát đường huyết, tốt cho đường ruột,… Để biết thực hư nước trái cây lên men tốt hay không, bạn hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ngay sau đây.
Nước trái cây lên men là gì?
Trong những năm gần đây, ngành sản xuất nước trái cây lên men phát triển với tốc độ chóng mặt và có mặt rộng rãi trên thị trường. Vậy nước trái cây lên men là gì? Các loại trái cây đa dạng như nho, dứa, mơ, đào, mận,… trải qua quá trình lên men đặc biệt, tạo nên thức uống được gọi là nước trái cây lên men. Trong đó, lên men là quá trình trao đổi cơ chất dưới tác dụng của các enzyme hay chất xúc tác sinh học. Với trái cây, việc lên men cần kị khí và có nấm men nhằm chuyển hóa đường thành etanol và khí CO2.
Có thể thấy, các loại nước trái cây lên men có mặt trên thị trường hiện nay đa số được nhập khẩu từ nước ngoài. Theo các chuyên gia, nếu nước trái cây lên men từ táo có tên gọi là cider, còn lên men từ nguyên liệu khác sẽ được gọi là nước trái cây lên men nói chung. Tuy cùng được gọi là nước trái cây lên men nhưng những thức uống này vẫn được chia thành 2 loại chủ yếu dựa trên bản chất của chủng vi sinh vật lên men tạo nên.
Dòng sản phẩm thứ nhất là các loại nước trái cây lên men được lên men rượu. Những thức uống này không giống rượu vang mà được lên men rượu ở nồng độ đường thấp hơn hoặc được thực hiện lên men rượu không triệt để tạo nên độ cồn thấp, chỉ khoảng 2 – 8% Vol. Loại nước trái cây lên men này vẫn có lượng đường nhất định qua quá trình sản xuất nhằm tạo độ chua ngọt hài hòa, ngon miệng như một loại nước giải khát. Loại nước trái cây lên men thứ hai là dòng sản phẩm không chứa cồn, có vị chua dịu nhẹ từ lactic acid kết hợp với độ ngọt nhất định của đường.
Như vậy, nước trái cây lên men đúng nghĩa cần diễn ra quá trình trao đổi chất của vi sinh vật, trong đó nấm men sẽ tạo thành sản phẩm rượu còn vi khuẩn lactic sẽ tạo thành axit lactic, bên cạnh đó còn tạo các sản phẩm phụ có hương thơm lên men đặc trưng, giúp nước trái cây lên men có mùi dễ chịu, kích thích khứu giác. Hiện nay, phần lớn các loại nước trái cây lên men trên thị trường là loại đồ uống có cồn, được lên men rượu bằng nấm men hoặc thậm chí là hương liệu pha cồn.
Sơ lược quy trình sản xuất nước trái cây lên men
Đa số các loại nước trái cây lên men hiện nay đều tuân thủ 1 quy trình lên men chung, ngoại trừ một số loại trái cây đặc biệt. Quy trình làm nước trái cây lên men gồm các bước sau:
- Bước 1: Lựa chọn nguyên liệu cho quá trình lên men, phân loại trái cây, lựa chọn những quả tươi, ngon và rửa sạch, sơ chế nguyên liệu.
- Bước 2: Ép trái cây lấy nước, diệt khuẩn, pha chế dịch lên men, cân chỉnh điều kiện lên men và đưa vào làm lạnh, phối chế.
- Bước 3: Lọc bỏ bã và rót nước trái cây lên men vào bao bì đã được thanh trùng, làm sạch và đóng gói, hoàn tất sản phẩm cuối cùng.
Nước trái cây lên men có thực sự tốt?
Nước trái cây lên men là thức uống được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon và một số lợi ích đối với sức khỏe. Theo nhà sản xuất, nước trái cây lên men nói riêng và đồ uống lên men nói chung đem đến nhiều tác dụng tốt với cơ thể như:
- Có lợi cho đường ruột: Đồ uống lên men chứa nhiều lợi khuẩn probiotics rất tốt cho đường ruột, bổ sung thêm lợi khuẩn nhằm đánh bại hại khuẩn trong dạ dày và đại tràng, từ đó cải thiện tiêu hóa, giảm thiểu tình trạng rối loạn tiêu hoá, táo bón, khó tiêu,…
- Tăng miễn dịch: Môi trường ngày một ô nhiễm là yếu tố quan trọng khiến sức khỏe giảm sút, hệ miễn dịch không còn hoạt động tốt trước những tác nhân gây bệnh bên ngoài làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Trong khi đó, nước trái cây lên men và đồ uống lên men cung cấp nhiều enzyme hỗ trợ hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, đồng thời bổ sung lợi khuẩn để hệ tiêu hóa khỏe mạnh, miễn dịch được tăng cường.
- Giảm cân: Đồ uống lên men được xem là lựa chọn lành mạnh với người đang trong quá trình giảm cân bởi tác dụng thúc đẩy tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giảm cảm giác thèm ăn và hạn chế tích tụ chất béo, mỡ thừa trong cơ thể.
Tuy nhiên, những loại nước trái cây lên men trên thị trường hiện nay có thực sự tốt như vậy? Phần lớn trên nhãn mác của các loại nước trái cây lên men đang được bày bán đều quảng cáo là nước giải khát, hỗ trợ tiêu hóa, làm đẹp da,… Thậm chí người già và trẻ nhỏ đều có thể uống nhằm kích thích người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm. Theo chuyên gia, những quảng cáo này không phù hợp với một số loại nước trái cây lên men hiện có trên thị trường do nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, nếu nói nước trái cây lên men là nước giải khát thì có sự hợp lý nhất định nhưng nếu dùng lượng lớn nồng độ cồn trong sản phẩm sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng tương tự đồ uống có cồn khác, thậm chí gây say với nhiều người, khiến tinh thần rơi vào trạng thái lơ mơ, bị kích thích thần kinh,…
Với sản phẩm nước trái cây lên men lactic, nguy cơ tiềm ẩn nồng độ cồn và axit lactic không cao, chỉ đóng vai trò như chất kích thích tiêu hóa. Nếu nước trái cây lên men vẫn tồn tại vi khuẩn sống thì đây sẽ là nguồn cung cấp lợi khuẩn probiotics rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đường ruột.
Tuy nhiên phần lớn sản phẩm nước trái cây lên men trên thị trường hiện nay có chứa cồn nên không phù hợp sử dụng cho trẻ em, người lớn khi uống cũng nên cân nhắc nồng độ cồn để sử dụng với liều lượng phù hợp, tránh gây hại đến sức khỏe và tinh thần. Chuyên gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên uống nước trái cây lên men trong những bữa tiệc, liên hoan,… không nên lạm dụng quá nhiều hoặc uống quá thường xuyên gây nguy cơ tăng cân, béo phì,… đặc biệt không uống khi tham gia giao thông hoặc trong thời gian làm việc, học tập.
Nhìn chung, nước trái cây lên men tốt cho sức khỏe không nhiều, chủ yếu là các sản phẩm chứa chất bảo quản, hương liệu, cồn,… nên người tiêu dùng cần hết sức chú ý lựa chọn loại nước uống phù hợp. Thay vì lạm dụng nước trái cây lên men bạn có thể uống nước ép, sinh tố trái cây tươi hoặc nước dừa, nước lọc, nước khoáng,… sẽ có nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.