Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nói chung và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần 32 nói riêng luôn là chủ đề được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Để có cái nhìn chính xác về chủ đề này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu điểm qua một vài thông tin cơ bản về căn bệnh tiểu đường thai kỳ trước nhé.
Sơ lược về đái tháo đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ là tình trạng bệnh lý gây ra bởi sự bất dung nạp đường huyết khiến cho lượng đường trong máu ở thai phụ tăng cao.
Năm 2013, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại tình trạng tăng đường huyết phát hiện lần đầu ở phụ nữ mang thai thành 2 nhóm, cụ thể:
- Đái tháo đường mang thai: Phụ nữ mang thai có mức đường huyết đạt tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường, được phát hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ và không mất đi sau khi đã sinh em bé.
- Đái tháo đường thai kỳ: Thai phụ có mức đường máu đạt tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, được phát hiện trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ, chủ yếu phát hiện ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ và tình trạng tăng đường huyết sẽ hết sau khi sinh con.
Nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường thai kỳ là do cơ thể thai phụ không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết để đưa đường từ máu vào trong các tế bào sử dụng hoặc có sự bất thường trong việc sử dụng insulin. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi mang thai, một lượng lớn hormone được sản xuất ra trong thai kỳ như hormone nhau thai, leptin, prolactin… làm tăng đề kháng insulin hoặc giảm sản xuất insulin.
Các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ thường không rõ ràng, do vậy đa số các trường hợp được các bác sĩ phát hiện khi lượng đường máu của thai phụ quá cao trong quá trình sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ. Bên cạnh đó, ở một số thai phụ có đường huyết tăng quá cao có thể gặp một số các triệu chứng như: Khát nước nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi, khô miệng, mờ mắt, ngứa vùng âm hộ, ra nhiều khí hư có mùi hôi.
Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Mỗi khi nhắc đến bệnh tiểu đường, nhiều chị em lo lắng tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi.
Đối với mẹ bầu, tiểu đường thai kỳ có thể gây ra một số biến chứng như:
- Tăng huyết áp và tiền sản giật: Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và thai nhi bao gồm đột quỵ, suy gan, suy thận, sinh non, thai chậm phát triển, thậm chí là làm tăng nguy cơ tử vong khi sinh.
- Tăng nguy cơ mổ lấy thai: Đối với thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ, thai thường phát triển to hơn bình thường, gây khó khăn trong việc sinh thường. Lúc này, các bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai.
- Đa ối: Đây là tình trạng nước ối quá nhiều, có thể khiến mẹ bầu đau nhiều trước sinh và chuyển dạ sớm.
- Tăng nguy cơ sinh non, sảy thai hoặc thai lưu.
- Mẹ bầu có nguy cơ mắc phải nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 trong trong tương lai: Theo thống kê có khoảng 45% thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ mắc lại căn bệnh này ở thai kỳ sau.
Đối với thai nhi, đái tháo đường thai kỳ cũng ảnh hưởng không ít đến sức khỏe cũng như sự phát triển:
- 3 tháng đầu thai kỳ: Thai không phát triển, dị tật bẩm sinh và thai lưu.
- 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ: Thai tăng trưởng quá mức dẫn đến thai to.
- Đối với trẻ sơ sinh: Tử vong ngay sau khi sinh, bệnh lý đường hô hấp, tăng hồng cầu, trẻ mắc một số dị tật bẩm sinh như dị tật thần kinh, não úng thủy…
- Trong tương lai, trẻ sinh ra bởi mẹ mắc tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ cao bị béo phì và mắc đái tháo đường tuýp 2. Ngoài ra, trẻ có thể sẽ bị rối loạn phát triển tâm vận.
Tầm quan trọng của xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần 32
Có thể thấy, tiểu đường thai kỳ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi, chính vì thế xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nói chung và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần 32 nói riêng là điều hết sức cần thiết và vô cùng quan trọng.
Như đã trình bày ở trên, tiểu đường thai kỳ thường được phát hiện chủ yếu ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp thai phụ phát hiện bệnh tiểu đường muộn hơn.
Nếu phụ nữ mang thai tuần thứ 32 có các dấu hiệu như khát nhiều, đi tiểu nhiều và mệt mỏi… cần đến gặp bác sĩ để thăm khám để có hướng chữa bệnh tiểu đường thai kỳ (nếu cần). Lúc này, các bác sĩ có thể chỉ định thai phụ làm một số xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần 32. Thông qua xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần 32, các bác sĩ sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán thai phụ có mắc đái tháo đường thai kỳ hay không.
Đối với những thai phụ đã được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ trước đó thì xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần 32 sẽ giúp mẹ bầu đánh giá được tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân. Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo mẹ bầu cần giữ được sự ổn định lượng đường trong máu dao động ở mức 5,7 – 6,1mmol/l. Bên cạnh đó, thai phụ cũng nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn một số vấn đề sau:
- Đo chính xác lượng đường trong máu.
- Thời điểm phù hợp để làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần 32: Trước khi ăn sáng hoặc sau mỗi bữa ăn 1 tiếng.
- Lời khuyên dinh dưỡng cho mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ tuần thứ 32.
Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần 32
Xét nghiệm chẩn đoán xác định tiểu đường thai kỳ là nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Khi thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nói chung và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần 32 nói riêng, để có kết quả chính xác, bạn cần nắm được một số vấn đề cần lưu ý sau:
- Trong 3 ngày trước khi tiến hành làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần 32, mẹ bầu không nên ăn uống kiêng khem cũng như không bổ sung quá nhiều thực phẩm chứa chất đường bột.
- Mẹ bầu cần nhịn đói ít nhất 8 tiếng trước khi lấy máu bởi nếu lấy máu sau ăn, khi cơ thể vừa hấp thụ đồ ăn, lượng đường hoặc lượng mỡ trong máu rất cao, sẽ cho ra kết quả không chính xác.
- Thai phụ tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu, bia… trước khi lấy máu xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần 32.
- Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hiện nay được thực hiện theo 2 hình thức bao gồm quy trình khám tiểu đường thai kỳ 1 bước và 2 bước, chính vì thế quy trình xét nghiệm ở mỗi hình thức cũng sẽ không giống nhau. Các mẹ cần tìm hiểu trước 2 hình thức này đồng thời tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Trên đây là toàn bộ những thông tin xoay quanh chủ đề đái tháo đường thai kỳ và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần 32 mà Nhà thuốc Long Châu muốn gửi đến quý độc giả. Hy vọng với những chia sẻ này, bạn đọc sẽ có cái nhìn chính xác hơn về căn bệnh đái tháo đường thai kỳ và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và vượt cạn thành công.
Xem thêm:
- Tiểu đường thai kỳ ăn nho được không?
- Tiểu đường thai kỳ ăn yến mạch được không?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.