Để có thể sử dụng thuốc một cách hợp lý, an toàn và hiệu quả, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về thành phần, chỉ định cũng như các lưu ý khi dùng thuốc Vinafolin trong bài viết dưới đây.
Vinafolin là thuốc gì?
Vinafolin là thuốc dạng viên nén chứa hoạt chất là ethinylestradiol. Trên thị trường Việt Nam, hiện tại chỉ có dạng chế phẩm Vinafolin chứa 0,05 mg ethinylestradiol.
Thuốc được hấp thu tốt qua đường uống, qua được nhau thai nên phải không được sử dụng thuốc đối với các đối tượng như phụ nữ mang thai hoặc nghi mang thai. Vinafolin cũng vào được trong sữa mẹ khi người mẹ đang cho con bú mà dùng thuốc này, thuốc sẽ gây các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng đối với trẻ nên cân nhắc sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Viên nén Vinafolin trên thị trường
Công dụng của thuốc Vinafolin
Chỉ định
Thuốc Vinafolin có tác dụng điều trị các bệnh liên quan tới thay thế hormone nữ ở phụ nữ mãn kinh như:
- Điều trị rối loạn vận mạch vừa và nặng.
- Dự phòng loãng xương do mãn kinh.
Ngoài ra thuốc còn được sử dụng với các bệnh nhân nữ suy giảm chức năng tuyến sinh dục, suy giảm sinh lý nữ giai đoạn trung niên.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/thuoc_vinafolin_la_thuoc_gi_nhung_dieu_can_biet_khi_su_dung_thuoc_vinafolin_hinh_2_1c62cd5137.jpg)
Chống chỉ định của thuốc Vinafolin
Vinafolin có nhiều công dụng, tuy nhiên không nên dùng thuốc này trong những trường hợp như bệnh nhân quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Vì Vinafolin gây nguy hại nghiêm trọng đối với thai nhi, nên tuyệt đối không sử dụng thuốc này cho phụ nữ đang mang thai hoặc nghi có thai. Không sử dụng Vinafolin với các bệnh nhân có hoặc nghi ngờ có u phụ thuộc estrogen, có hoặc nghi có carcinom vú.
Những bệnh nhân nữ có bất thường chảy máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân, viêm tĩnh mạch huyết khối, huyết khối hoặc rối loạn huyết khối nghẽn mạch kết hợp với việc sử dụng estrogen trước đây cũng không được sử dụng thuốc Vinafolin.
Tác dụng phụ của thuốc
Tác dụng phụ chủ yếu của thuốc Vinafolin
Các tác dụng không mong muốn của thuốc Vinafolin phụ thuộc vào liều, thời gian điều trị và tình trạng trước hoặc sau mãn kinh ở nữ. Vì tác dụng không mong muốn của Vinafolin gây ra trên người bệnh phụ thuộc vào liều nên tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của tác dụng không mong muốn này lớn hơn khi dùng thuốc tránh thai so với khi áp dụng liệu pháp thay thế hormon.
- Buồn nôn, chán ăn, co cứng cơ bụng, trướng bụng;
- To vú ở đàn ông, tăng cân nhanh, phù
- Đau vú hoặc ấn vào đau, to vú;
- Tiêu chảy, nôn, viêm lợi;
- Chảy máu trong khi dùng thuốc, cường kinh, vô kinh, đau bụng kinh (thống kinh);
- Tăng huyết áp, tạo cục huyết khối, huyết khối tắc mạch;
- Tăng calci máu;
- Chóng mặt, thay đổi tình dục, nhức đầu, đau nửa đầu;
- Kích ứng da, rám da, sạm da;
- Không dung nạp kính áp giác mạc;
- U vú.
Một số các tác dụng phụ hiếm gặp khác như: Viêm tĩnh mạch huyết khối, nghẽn mạch phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Hướng dẫn xử trí tác dụng phụ do Vinafolin
Người sử dụng thuốc phải ngừng dùng Vinafolin khi có bất cứ dấu hiệu nào của huyết khối nghẽn mạch, tăng huyết áp nặng, trầm cảm nặng, các test chức năng gan bất thường hoặc các vấn đề về thị lực (mất thị lực, mắt lồi, song thị,…).
Nữ bệnh nhân khi sử dụng Vinafolin lần đầu có thể bị buồn nôn và nôn, nhưng tình trạng này có thể hết sau một thời gian sử dụng và có thể giảm thiểu tình trạng này bằng uống thuốc cùng với thời điểm dùng các bữa ăn trong ngày hoặc ngay trước khi đi ngủ.
Cần thiết phải được theo dõi sức khỏe định kỳ bởi các bác sĩ điều trị đối với các phụ nữ sử dụng thuốc Vinafolin do các nguy cơ có thể gây ung thư nội mạc tử cung.
Các lưu ý khi sử dụng thuốc
Người sử dụng thuốc Vinafolin trước đó phải được bác sĩ điều trị thăm khám và hỏi kỹ càng tình trạng bệnh trước đây và phải được chú ý đặc biệt đến huyết áp, vú, các cơ quan ở bụng. Như thường lệ các thuốc nội tiết tố nữ như Vinafolin không được kê đơn quá một năm mà không được thăm khám lại bởi bác sĩ.
Nữ có rối loạn chức năng tim hoặc thận, động kinh, đau nửa đầu, hen hoặc u xơ tử cung cần thiết được theo dõi cẩn thận bởi bác sĩ khi dùng Vinafolin, do các bệnh này có thể nặng lên.
Nguy cơ bệnh huyết khối nghẽn mạch do dùng Vinafolin sẽ tăng theo tuổi và tình trạng hút thuốc lá ở các nữ bệnh nhân. Do đó bệnh nhân trên 35 tuổi nên bỏ thuốc lá khi dùng thuốc này.
Đối với phụ nữ có thai, đang cho con bú
Không được sử dụng Vinafolin ở phụ nữ mang thai vì Vinafolin có thể gây quái thai nghiêm trọng. Tăng nguy cơ dị dạng bẩm sinh, bao gồm khuyết tật các chi, đã được biết đến là những nguy cơ có thể xảy ra ở những phụ nữ mang thai mà dùng thuốc này.
Vinafolin cũng vào được trong sữa mẹ. Vì Vinafolin có thể gây tác dụng không mong muốn nghiêm trọng ở trẻ nhỏ bú mẹ, phải cân nhắc nên ngừng cho con bú hoặc ngừng dùng thuốc và phải được bác sĩ điều trị thật cân nhắc đến tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ cần sử dụng Vinafolin. Và khi mẹ cho con bú đồng thời có dùng Vinafolin, chất lượng cũng như lượng sữa mẹ tiết ra sẽ giảm đi.
Cân nhắc thật kỹ nguy cơ và lợi ích khi sử dụng Vinafolin trên đối tượng phụ nữ đang cho con bú
Quá liều và xử trí
Các dấu hiệu và triệu chứng của quá liều cấp tính Vinafolin mà người bệnh khi bị bao gồm: Buồn nôn và khi ngừng dùng thuốc có thể gây chảy máu ở phụ nữ. Khi gặp các triệu chứng trên người nhà bệnh nhân nên đưa người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tiến hành các biện pháp xử trí kịp thời.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp ích cho bạn khi tìm hiểu về thuốc Vinafolin. Mọi thông tin đều chỉ mang tính chất tham khảo, bạn cần tham vấn ý kiến từ chuyên gia cho tình trạng sức khoẻ của mình trước khi sử dụng thuốc nhé.
Đăng Quang
Nguồn: Tổng hợp
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.