Sau khi kết thúc quá trình điều trị ung thư, việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục, lối sống sinh hoạt khoa học để phòng bệnh ung thư tái phát cũng như nâng cao sức khỏe rất được nhiều bệnh nhân quan tâm. Mang thai và sinh con, thực hiện thiên chức làm cha mẹ sau điều trị ung thư luôn là nỗi niềm trăn trở của nhiều bệnh nhân ung thư và gia đình của họ. Vậy khát khao được hưởng hạnh phúc làm cha mẹ của các bệnh nhân sau khi vượt qua được bệnh tật có thể thực hiện được hay không?
Sau khi điều trị ung thư có thể mang thai được không?
Quyết định sinh con ở bất kỳ cặp vợ chồng nào cũng nên được chủ động và tính toán kỹ từ trước. Tuy nhiên, việc trực tiếp mang thai và thời gian có thể mang thai tùy thuộc rất nhiều vào những yếu tố dưới đây:
- Loại bệnh ung thư.
- Giai đoạn của bệnh.
- Thể trạng và độ tuổi của bệnh nhân.
- Tình trạng kinh nguyệt sau điều trị.
- Phương pháp điều trị ung thư trước đó.
Bệnh nhân sau khi điều trị ung thư nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về khoảng thời gian thích hợp để mang thai sau điều trị. Nhiều nghiên cứu khuyến cáo phụ nữ không nên mang thai trong 6 tháng đầu sau khi kết thúc hóa trị. Sau 2 – 5 năm là khoảng thời gian tương đối phù hợp để chắc chắn ung thư không tái phát. Trong quá trình điều trị ung thư, không những phụ nữ mà nam giới cũng nên biết cách chủ động thực hiện biện pháp tránh thai phù hợp.
Những cách khác để trở thành bố mẹ sau khi điều trị ung thư
Tự sinh con hoặc giúp bạn tình nữ mang thai không phải là cách duy nhất để trở thành bố mẹ. Một số người quyết định không dùng các lựa chọn dưới đây. Họ tiếp tục cố gắng để mang thai bằng cách này hay cách khác vì họ có mong muốn mãnh liệt mang thai đứa con ruột của chính mình. Hoặc một số người có thể lựa chọn cuộc sống không có con cái.
Mang thai hộ
Mang thai hộ là một lựa chọn cho phụ nữ không có khả năng hoặc không muốn mang thai. Người mang thai hộ không sử dụng trứng của họ. Bào thai có thể tạo nên từ trứng và tinh trùng của bố mẹ của chính đứa trẻ hoặc được hiến tặng. Bào thai sau đó được cấy vào tử cung của người mang thai hộ thông qua thụ tinh trong ống nghiệm.
Mang thai hộ là một quá trình phức tạp đối với những người có liên quan. Trung tâm thụ tinh cần đảm bảo rằng cả người hiến và người mang thai hộ được tư vấn về chuyên môn và tâm lí trước khi quá trình bắt đầu. Một số trường hợp có thể cần phải được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Tất cả những điều này nhằm đảm bảo rằng bạn có một quyết định đúng đắn khi đã có đầy đủ thông tin cần thiết.
Nếu lựa chọn hình thức mang thai hộ, bạn sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí trong quá trình thực thiện thụ tinh trong ống nghiệm và các khoản tiền liên quan khác.
Làm thể nào để tìm một người mang thai hộ?
Ở Úc, việc môi giới phụ nữ làm người mang thai hộ hoặc trả tiền cho người mang thai hộ như một dịch vụ là vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, quá trình này cần có sự tự nguyện của người mang thai hộ. Và là điều bình thường khi bạn hỏi những người quen xung quanh bạn liệu có mang thai giúp bạn được hay không. Trả tiền mang thai hộ được cho phép ở một số quốc gia. Trung tâm thụ tinh sẽ có một danh sách các tiêu chuẩn để trở thành người mang thai hộ.
Trên đây là những thông tin cơ bản về mang thai hộ. Luật pháp khác nhau theo từng vùng lãnh thổ và có thể thay đổi. Kiểm tra lại các thông tin về luật pháp hiện tại ở các trung tâm thụ tinh. Điều tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến luật sư trước khi đồng ý mang thai hộ.
Nhận con nuôi và chăm sóc tạm thời
Nhận con nuôi
Điều này liên quan đến việc nuôi một đứa bé là con bạn về mặt pháp lí nhưng không phải về mặt sinh học và phải chăm sóc chúng mãi mãi. Bạn có thể nhận nuôi một đứa trẻ ở Úc hoặc từ quốc gia khác. Để tìm hiểu thêm thông tin về việc nhận con nuôi, tham khảo website của chính phủ về gia đình và cộng đồng.
Dưới đây là đoạn chia sẻ của Sylvia về việc nhận con nuôi sau khi điều trị ung thư của mình: “Tôi đã được điều trị ung thư 50 năm về trước, khi tôi còn là một đứa trẻ tuổi tập tễnh và quá trình xạ trị đã làm tổn thương buồng trứng của tôi. Sau khi kết hôn, tôi đã thử các loại thuốc hỗ trợ thụ tinh nhưng không mang lại kết quả. Vì vậy chúng tôi quyết định đăng kí nhận nuôi trẻ. Sau 5 năm chờ đợi, chúng tôi đã nhận được đứa con gái của chúng tôi khi được 7 tuần tuổi. Tôi cảm nhận được đây là con mình ngay từ ánh nhìn đầu tiên”.
Nhận con nuôi là việc nuôi một đứa bé là con bạn về mặt pháp lí nhưng không phải về mặt sinh học và phải chăm sóc chúng mãi mãi
Chăm sóc tạm thời
Điều này nghĩa là bạn phải có trách nhiệm nuôi dưỡng một đứa trẻ không phải là con bạn về mặt pháp lí. Các hình thức chăm sóc tạm thời bao gồm khẩn cấp, hỗ trợ nghỉ ngơi, chăm sóc ngắn hạn và chăm sóc dài hạn. Ở Úc, cơ hội được tham gia chăm sóc tạm thời cao hơn so với nhận con nuôi.
Phần lớn các nhà tư vấn nhận con nuôi hoặc chăm sóc tạm thời sẽ không loại trừ những trường hợp người nhận nuôi đã từng mắc ung thư. Tuy nhiên, bạn cần phải công khai tình trạng sức khoẻ của mình. Các nhà tư vấn có thể yêu cầu cung cấp các thông tin sức khoẻ trực tiếp từ bác sĩ của bạn hoặc yêu cầu bạn thực hiện khám sức khoẻ để xác định nguy cơ tái phát ung thư và đảm bảo rằng bạn có đủ khả năng nuôi dạy một đứa trẻ.
Những người có nhu cầu nhận nuôi trẻ ngoài còn phải đảm bảo các tiêu chí bắt buộc khác. Các nhà tư vấn có thể cử một đội đánh giá điều kiện nhà ở của bạn, bạn phải cho họ biết về tiền án tiền sự (nếu có). Quá trình thực hiện phụ thuộc vào nơi ở của bạn và trẻ đến từ bất kì quốc gia khác.
Hoàng Yến
Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.