Tiêu chảy là bệnh lý tiêu hóa phổ biến có thể gặp ở bất cứ ai, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 1,5 tỷ lượt trẻ em dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy (trẻ dưới 2 tuổi chiếm 80%) và 4 triệu trẻ trên toàn thế giới tử vong vì căn bệnh tưởng chừng đơn giản này.
Nguyên nhân gây ra tiêu chảy ở trẻ
Bệnh tiêu chảy có thể xảy ra nhiều lần trong năm và thường gặp nhất vào mùa hè. Nếu không nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy để phòng tránh và điều trị kịp thời cũng như kiến thức chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách thì có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Trẻ bị tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến như:
Virus
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng tiêu chảy là viêm dạ dày ruột do virus. Đây là bệnh lý rất phổ biến ở trẻ em, ngoài các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy thường thấy, có thể kèm theo triệu chứng buồn nôn và nôn. Các loại virus gây bệnh thường gặp gồm Rotavirus, Adenovirus, Enterovirus, Norovirus, Parvovirus, Astrovirus, Calicivirus,…
Trong đó, Rotavirus gây tiêu chảy cấp là loại phổ biến và nguy hiểm nhất nhưng lại có thể phòng ngừa sớm bằng Rotavirus vaccine. Tiêu chảy do virus thường kéo dài trong vài ngày, trẻ dễ bị mất nước nếu không bổ sung đủ.
Vi khuẩn
Bên cạnh virus thì vi khuẩn cũng là tác nhân gây tiêu chảy hàng đầu. Vi khuẩn thường gây ra tình trạng này ở trẻ gồm E.coli, lỵ trực khuẩn, thương hàn, Campylobacter, Shigella, Salmonella,… Những vi khuẩn này thường xâm nhập từ bên ngoài vào hệ tiêu hóa thông qua thực phẩm trẻ ăn hay đồ chơi trẻ tiếp xúc.
Ký sinh trùng
Giardiasis và Cryptosporidiosis là những loại ký sinh trùng có thể gây tiêu chảy ở trẻ em.
Do thuốc kháng sinh
Kháng sinh là thuốc dùng để điều trị các bệnh lý do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh thường gây ra tác dụng phụ là tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ em dưới 2 tuổi.
Dị ứng thực phẩm
Đây là một phản ứng bất lợi của hệ thống miễn dịch xảy ra sau khi trẻ ăn một loại thức ăn nhất định. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, nổi mề đay,…
Không dung nạp đường
Tình trạng không dung nạp lactose, fructose, sucrose: Không dung nạp đường là tình trạng thường gặp ở trẻ em và cũng là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài.
Mắc các bệnh lý đường ruột
Trẻ đang bị viêm dạ dày, viêm loét đại tràng, viêm ruột,… đều có thể gây ra hiện tượng tiêu chảy.
Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy
Dấu hiệu đầu tiên và điển hình nhất khi trẻ bị tiêu chảy cấp là trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, để xác định trẻ có bị tiêu chảy hay không, cần xem xét số lần đi ngoài và tính chất phân dựa trên độ tuổi của trẻ.
Phân của trẻ bị tiêu chảy thường càng ngày càng lỏng, thậm chí toàn nước, có mùi hôi, tanh khó chịu. Đồng thời, trẻ thường bị đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, nôn, quấy khóc, mệt mỏi, bỏ bú, bỏ ăn, khát nước, khô da,…
Đặc biệt, mất nước chính là triệu chứng cảnh báo trẻ đang gặp nguy hiểm cần can thiệp kịp thời. Tình trạng mất nước được chia thành nhiều mức độ gồm:
- Mức độ nhẹ: Trẻ cảm thấy mệt mỏi, khô miệng, khóc ít nước mắt, đi tiểu ít hơn bình thường
- Mức độ vừa: Da trẻ bị khô, xuất hiện các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy nặng hơn như mắt trũng, trẻ lờ đờ, li bì.
- Mức độ nặng: Lúc này làn da của trẻ rơi vào tình trạng mất khả năng đàn hồi, thóp trũng, không đi tiểu trong 6 tiếng, mạch nhanh, huyết áp tụt,…
Trẻ bị tiêu chảy có nguy hiểm không? Các bước xử trí đúng cách khi trẻ bị tiêu chảy
Với các trường hợp tiêu chảy nhẹ, trẻ có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cha mẹ chủ quan nghĩ rằng tiêu chảy là bệnh đơn giản chỉ vài ngày là khỏi. Điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy không mong muốn.
Trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất của tiêu chảy chính là tình trạng mất nước. Nếu trẻ không được bù nước kịp thời sẽ dẫn đến trụy mạch, suy thận cấp, thậm chí tử vong. Do đó, ngay khi thấy các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy cấp, ba mẹ cần thực hiện ngay những điều sau:
- Tích cực bù nước và điện giải: Việc đầu tiên ba mẹ cần làm là cho trẻ uống nước hoặc dung dịch điện giải để hạn chế tình trạng mất nước. Nếu trẻ không có khả năng uống, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch thay thế.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Với trẻ đang bú mẹ, hãy tiếp tục cho trẻ bú tích cực. Ngoài ra, có thể cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, nhừ và chia thành nhiều bữa nhỏ.
Với các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh, dị ứng hay bất dung nạp lactose, ba mẹ có thể cải thiện tình trạng tiêu chảy nhanh chóng bằng cách điều chỉnh các loại thuốc kháng sinh đang sử dụng, thay đổi sữa không chứa lactose hoặc ngừng cho trẻ ăn những thực phẩm gây dị ứng.
Trên đây là cách xử trí chung cho tất cả các trường hợp bị tiêu chảy. Ngoài ra, khi thấy có dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy, ba mẹ hãy theo dõi và cho trẻ đi khám nếu các triệu chứng không cải thiện. Đồng thời, dựa vào nguyên nhân gây ra tiêu chảy để có hướng xử trí phù hợp.
Xem thêm:
- Bị tiêu chảy nên làm gì? Những cách trị tiêu chảy hiệu quả
- Nguyên nhân gây nôn và tiêu chảy ở người lớn cần chú ý
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.