Bệnh quai bị thường xuất hiện ở trẻ em độ tuổi từ 6 – 10. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh quai bị nhưng nếu cha mẹ biết cách phòng ngừa cũng như nhận biết sớm các triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ, tránh đưa đến những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh quai bị ở trẻ em là gì?
Bệnh quai bị do loại virus thuộc nhóm Paramyxovirus xâm nhập vào tuyến nước bọt phía trước tai (tuyến mang tai). Virus này có khả năng lây lan từ cơ thể người bệnh thông qua ho, hắt hơi, nói chuyện. Chúng có thể sống ở môi trường bên ngoài cơ thể người bệnh từ 30 – 60 ngày ở nhiệt độ từ 15 đến 20 độ C, thậm chí 1 – 2 năm ở nhiệt độ từ âm 25 đến âm 70 độ C.
Bệnh quai bị thường bùng phát mạnh vào những tháng mùa thu đông và lây lan nhanh ở những khu vực tập trung đông người như trường học, nhà trẻ…
Hầu hết các trường hợp mắc quai bị ở trẻ em đều là lành tính và có thể tự khỏi sau khoảng thời gian từ 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh quai bị trở nên nghiêm trọng, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là các biến chứng liên quan đến bộ phận sinh dục nam, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này của trẻ.
Nhận biết các triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em
Virus quai bị sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ dính vào các niêm mạc mũi, miệng, kết mạc, dần dần xâm nhập vào các cơ quan nội tạng theo đường máu và bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu quai bị ở trẻ em.
Dưới đây là những triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em qua 4 giai đoạn cụ thể:
Dấu hiệu bệnh quai bị ở trẻ em trong thời kỳ ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 12 – 24 ngày. Đây là giai đoạn bệnh dễ lây sang người khác nhất vì lúc này bệnh vẫn chưa có dấu hiệu cụ thể nên chưa được phát hiện lẫn chưa có biện pháp phòng ngừa.
Triệu chứng quai bị ở trẻ em khi mới phát bệnh
1 – 2 ngày trước khi bệnh phát triển, trẻ sẽ bắt đầu cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, cáu kỉnh. Sau đó bệnh bắt đầu với những cơn sốt cao trên 38 độ C trong 3 – 4 ngày. Các triệu chứng bệnh quai bị dần hiện rõ hơn:
- Đau đầu;
- Đau tai;
- Cảm giác ớn lạnh, sợ gió;
- Chán ăn, ngủ kém, thể chất suy nhược;
- Đau khớp và xương;
- Tuyến mang tai bắt đầu sưng lên, gây đau.
Các triệu chứng quai bị ở trẻ em trong thời kỳ khởi phát bệnh
Sau khi giai đoạn khởi phát bệnh bắt đầu từ 1 – 2 ngày, trẻ mắc bệnh quai bị sẽ dần dần trải qua giai đoạn khởi phát bệnh hoàn toàn. Biểu hiện đặc trưng nhất của giai đoạn này là tình trạng viêm tuyến mang tai.
Thông thường, trẻ sẽ bị sưng tuyến mang tai 2 bên (một số ít trường hợp trẻ chỉ sưng 1 bên), trong đó một tuyến sẽ sưng trước và tuyến còn lại sẽ sưng sau tuyến đầu tiên khoảng 24 – 48 giờ. Tình trạng sưng tấy, viêm nhiễm ở hai bên má sẽ khác nhau, không đối xứng, một bên to, một bên nhỏ. Vùng da sưng tấy bóng, không đỏ, không đau nhưng đàn hồi và nóng hơn các vùng da khác. Lúc này, do tuyến mang tai sưng to, các rãnh trước và sau tai có thể bị mất nên mẹ sẽ thấy khuôn mặt của trẻ bị biến dạng, lồi lõm, cằm xệ, cổ chảy xệ.
Ngoài ra, khi trẻ mở miệng, nhai hoặc nuốt sẽ cảm thấy đau nhiều hơn. Cơn đau có thể lan đến tai, họng, đỏ và sưng góc hàm. Điều này khiến trẻ bỏ ăn, người mệt mỏi và khó chịu.
Dấu hiệu bệnh quai bị ở trẻ em trong thời kỳ thuyên giảm
Bệnh quai bị ở trẻ em thường sẽ khỏi sau khoảng 1 tuần nếu được chăm sóc và điều trị kịp thời. Các triệu chứng của bệnh sẽ giảm bớt và dần biến mất, tuyến mang tai sẽ dần nhỏ lại và bớt đau đớn hơn.
Điều trị bệnh quai bị ở trẻ em
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh quai bị. Bệnh này do virus gây ra nên thuốc kháng sinh sẽ không được sử dụng để điều trị. Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng đã xuất hiện ở trẻ, độ tuổi, tiền sử bệnh, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của trẻ mà đưa ra phương án cụ thể.
Nếu cha mẹ thấy xuất hiện những triệu chứng quai bị ở trẻ em hoặc nghi ngờ trẻ mắc phải thì nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác, từ đó sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp và chăm sóc trẻ hiệu quả.
Trường hợp trẻ sốt cao, đau nhức cơ, đau tuyến nước bọt, bạn có thể chườm ấm và cho trẻ uống thuốc giảm đau, hạ sốt (acetaminophen hoặc ibuprofen) để hạ sốt. Lưu ý là trước khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt, cha mẹ và người chăm sóc nên hỏi ý kiến bác sĩ và cho trẻ uống thuốc theo chỉ dẫn y tế.
Trẻ sốt cao thường cơ thể sẽ bị mất nước, do đó cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ uống nước có chứa nhiều dưỡng chất khác như sữa, nước trái cây, dung dịch thay thế điện giải oresol (lưu ý không lạm dụng dung dịch này) để bù nước và bổ sung chất điện giải.
Cho trẻ súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý để ngăn ngừa sự sinh sôi và phát triển của virus ở khoang miệng, mũi.
Quai bị khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, vì vậy cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn để giúp trẻ hồi phục nhanh hơn.
Khi bị bệnh, trẻ cảm thấy đau khi nhai và nuốt, vì vậy cha mẹ nên cho trẻ ăn những thức ăn cần nhai ít, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo, súp… Bên cạnh đó, cần chú ý đến việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết trong bữa ăn của trẻ, tránh để trẻ bỏ bữa và sử dụng những thực phẩm kích thích vị giác, khiến trẻ tiết nhiều nước bọt.
Hạn chế cho trẻ vận động mạnh, chạy nhảy khi bệnh chưa khỏi hẳn, đặc biệt là trẻ nam vì có thể dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn, khiến trẻ bị vô sinh.
Trường hợp trẻ có dấu hiệu viêm tinh hoàn hoặc buồng trứng, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để chăm sóc và điều trị nhằm tránh những di chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ.
Thông thường, quai bị ở trẻ nhỏ thường sẽ biến mất sau khoảng 10 – 12 ngày kể từ khi phát bệnh nếu trẻ được chăm sóc và điều trị đúng cách. Lúc này, tuyến nước bọt của trẻ sẽ không còn sưng tấy và đau đớn nữa. Tuy nhiên, do tuyến nước bọt hai bên sưng lên vào những thời điểm khác nhau nên một bên tuyến nước bọt sẽ giảm sưng trước bên kia.
Cách phòng ngừa bệnh quai bị cho trẻ
Cách phòng bệnh quai bị ở trẻ hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị. Hiện nay, chưa có vắc xin đặc hiệu cho bệnh quai bị. Tuy nhiên, vắc xin MMR là vắc xin kết hợp phòng bệnh sởi, quai bị, rubella được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng cho trẻ em. Sau khi được tiêm 2 liều vắc xin MMR, trẻ sẽ có khả năng miễn dịch lên tới 95% với virus quai bị.
Lịch tiêm vắc xin phối hợp MMR-II phòng bệnh quai bị như sau:
Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi (chưa tiêm vắc xin Sởi đơn hoặc MMR II)
- Lần tiêm đầu tiên: Liều ban đầu.
- Liều thứ hai: Dùng 3 tháng sau liều đầu tiên (ưu tiên) hoặc theo lịch cho độ tuổi 4 – 6 tuổi.
Dành cho trẻ em từ 7 tuổi và người lớn
- Lần tiêm đầu tiên: Liều ban đầu.
- Mũi thứ 2: Tiêm sau mũi đầu tiên 1 tháng.
Ngoài ra, virus quai bị có thể bị tiêu diệt nhanh chóng trong môi trường có nhiệt độ trên 56 độ C hoặc dưới tác động của ánh nắng, tia cực tím và các hợp chất khử trùng hàng ngày. Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ lây virus sang trẻ, mẹ nên:
- Tập thói quen cho trẻ rửa mặt bằng xà phòng kháng khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Thường xuyên vệ sinh, khử trùng không gian sống, đồ chơi của trẻ.
- Hạn chế trẻ tiếp xúc với những người có nguy cơ hoặc mắc bệnh quai bị.
- Không cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác như cốc, bát, thìa… vì virus có thể tồn tại trên những vật dụng này.
- Tắm và vệ sinh cho trẻ hàng ngày.
- Tránh cho trẻ chạm vào mắt, mũi, miệng…
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh quai bị cùng những triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em cần biết để chủ động phòng ngừa và kiểm soát bệnh hiệu quả khi trẻ mắc phải. Bệnh quai bị lành tính, sẽ khỏi sau khoảng hai tuần, do đó, cha mẹ và người chăm sóc cần nắm kỹ kiến thức để giúp bé yêu hồi phục nhanh chóng, khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Việc điều trị quai bị thường tập trung vào làm giảm triệu chứng, như cho trẻ nghỉ ngơi, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ và chăm sóc dinh dưỡng hợp lý. Tuy nhiên, cách hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi quai bị và những biến chứng là tiêm vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella (MMR). Tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu, chúng tôi cung cấp dịch vụ tiêm phòng an toàn, hiệu quả và chất lượng cao, giúp bảo vệ sức khỏe tối ưu cho con bạn. Đưa trẻ đến ngay hôm nay để tiêm vắc xin và yên tâm cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ!
Xem thêm: Bệnh quai bị ở trẻ em cần kiêng gì?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.