Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ, cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất và kháng thể cần thiết cho sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, tình trạng trẻ quấy khóc và bỏ bú mà không rõ nguyên nhân thường khiến các bà mẹ cảm thấy lo lắng và bất an về sức khỏe của con mình.
Tình trạng trẻ bỏ bú bất thường là gì?
Thông thường, trẻ sơ sinh có dạ dày nhỏ, nên mỗi lần bú chỉ cần khoảng 50 – 70 ml sữa. Sau khoảng 2 tuần, khi dạ dày của trẻ đã mở rộng hơn, trẻ có thể bú được nhiều hơn, khoảng 60 – 90 ml mỗi lần. Khi trẻ trên 1 tháng tuổi, lượng sữa mỗi lần bú có thể tăng lên từ 90 đến 150 ml.
Nhu cầu dinh dưỡng của mỗi trẻ là khác nhau, nhưng trung bình, trẻ cần bú từ 8 – 12 lần mỗi ngày. Đối với sữa mẹ, nên cho trẻ bú cách nhau khoảng 2 tiếng. Với sữa công thức, thời gian giữa các lần bú nên là khoảng 3 tiếng do sữa công thức thường chứa nhiều năng lượng hơn.
Nếu trẻ bú đủ lượng sữa cần thiết, trẻ sẽ có các dấu hiệu sau: Ngủ ngon, ít quấy khóc, tăng cân đều đặn và tiểu tiện trên 6 lần/ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ bú không đủ hoặc bỏ bú, trẻ sẽ có một số dấu hiệu bất thường như:
- Không chịu bú hoặc bú ít hơn tiêu chuẩn nêu trên, thậm chí có thể nôn trớ sau khi bú.
- Quấy khóc dai dẳng, trung bình kéo dài hơn 3 tiếng mỗi ngày và thường khóc vào ban đêm.
- Thường giật mình tỉnh giấc và khóc thét khi ngủ.
Những dấu hiệu này cho thấy trẻ có thể đang gặp vấn đề về dinh dưỡng hoặc sức khỏe, và cần được kiểm tra và chăm sóc kịp thời.
Nguyên nhân khiến trẻ bỏ bú và quấy khóc
Trẻ bỏ bú có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
Trẻ cảm thấy đau hoặc khó chịu
Trẻ có thể bỏ bú do bị đau hoặc khó chịu ở vùng răng miệng, khi động tác bú làm tăng cảm giác đau. Những tình trạng bất thường như mọc răng, viêm lợi, nhiệt miệng, viêm amidan, và tưa lưỡi có thể gây ra đau đớn cho trẻ, khiến trẻ quấy khóc và từ chối bú.
Trẻ bị ốm
Các vấn đề sức khỏe như nghẹt mũi, sốt, nhiễm trùng tai, khó tiêu hoặc trào ngược dạ dày có thể làm cho việc bú trở nên khó chịu và không thoải mái. Nghẹt mũi là một tình trạng phổ biến khiến trẻ bú kém vì trẻ phải dừng lại để thở bằng miệng.
Sự thay đổi mùi hương xung quanh hoặc trong vị sữa của mẹ
Trẻ có thể cảm nhận mùi vị của những thực phẩm mà mẹ tiêu thụ. Nếu mẹ ăn những món nặng mùi hoặc những thức ăn mà trẻ bị dị ứng hoặc nhạy cảm, trẻ có thể từ chối bú mẹ và chỉ chấp nhận bú bình. Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố sau sinh cũng có thể làm thay đổi mùi vị của sữa mẹ, dẫn đến việc trẻ không muốn bú.
Trẻ bị căng thẳng hoặc thiếu tập trung
Nếu bé bị kích thích quá mức, chẳng hạn như phải rời xa mẹ trong thời gian dài hoặc mẹ đột ngột nói to tiếng khi cho bú, bé có thể cảm thấy khó chịu và căng thẳng, dẫn đến việc không muốn bú mẹ. Việc cho bú chậm cũng có thể làm bé mất tập trung và chán bú.
Sữa mẹ tiết ra không đủ
Khi mẹ không sản xuất đủ sữa để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, trẻ có thể cảm thấy không thỏa mãn sau mỗi lần bú. Điều này dẫn đến việc trẻ không cảm thấy no và thoải mái, từ đó từ chối bú ngực mẹ và muốn bú bình hơn.
Tư thế bú không đúng
Tư thế bú không đúng của trẻ và mẹ có thể làm giảm hiệu quả lực bú của trẻ, thậm chí làm mũi trẻ bị chèn ép gây khó thở. Việc bú sai tư thế trong thời gian dài có thể khiến bé bị vẹo cổ và ảnh hưởng đến cột sống của trẻ.
Mẹ không thường xuyên cho bú
Nếu mẹ thay đổi thời gian cho bú không đều đặn và không thường xuyên, trẻ sẽ không tạo được thói quen bú đúng giờ. Lâu dần, trẻ sẽ không còn muốn bú mẹ và việc bú mẹ sẽ không hiệu quả như trước.
Các bệnh lý liên quan
Nghẹt mũi: Do tăng tiết dịch nhầy hoặc cảm lạnh, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc hít không khí qua mũi khi bú, buộc phải ngừng bú để thở bằng miệng.
Nhiệt miệng: Gây cảm giác đau ở vị trí viêm loét miệng khi trẻ bú. Lực bú càng mạnh, cảm giác đau càng tăng, khiến trẻ không muốn bú.
Viêm họng: Có thể do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Khi cổ họng sưng tấy, trẻ sẽ cảm thấy ngứa và đau, gây khó chịu khi bú.
Sốt: Thường là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng. Cảm giác nóng bừng và mệt mỏi do sốt có thể khiến trẻ không muốn bú mẹ.
Viêm tai giữa: Rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Viêm tai giữa gây đau và khó chịu, đặc biệt khi trẻ nằm nghiêng để bú, cảm giác này càng tăng do tai bị đè ép.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Việc thường xuyên nôn trớ sữa khiến trẻ cảm thấy khó chịu tại cổ họng. Nguy hiểm hơn, chất trào ngược từ dạ dày có thể trào vào đường thở gây suy hô hấp và tím tái ở trẻ.
Nếu bé bỏ qua vài cữ bú nhưng vẫn vui vẻ và khỏe mạnh bình thường thì không có gì đáng lo ngại.
Một trong những sai lầm lớn nhất của các bà mẹ là cố gắng cho bé bú nhiều hơn so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là với các bé uống sữa công thức. Điều này có thể khiến dạ dày của bé phải làm việc quá nhiều và quá sớm. Hãy để bé bú theo nhu cầu của mình, điều này vừa tốt cho bé vừa giúp mẹ cảm thấy thoải mái hơn.
Tuy nhiên, nếu mẹ cảm thấy lo lắng về việc trẻ bỏ bú và quấy khóc, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
Hy vọng qua nội dung bài viết đã giúp ba mẹ tìm ra nguyên nhân khiến trẻ bỏ bú và quấy khóc. Hiểu rõ nguyên nhân cụ thể sẽ giúp cha mẹ có những biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả, từ đó cải thiện tình hình sức khỏe và tâm lý của trẻ. Việc chăm sóc trẻ một cách nhạy bén và kiên nhẫn không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn tạo ra mối liên kết bền chặt giữa cha mẹ và con cái.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.