Thứ ba, Tháng mười hai 24, 2024
spot_img
HomeMẹ BầuSinh ConNgứa khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngứa khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị


Hầu hết phụ nữ bị ngứa khi mang bầu. Đây có thể tình trạng lành tính bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề bất thường nào đó trong cơ thể. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị tình trạng ngứa khi mang thai.

Vì sao bà bầu thường bị ngứa khi mang thai?

Cơ thể người phụ nữ trong quá trình mang thai có rất nhiều thay đổi từ trong ra ngoài. Họ có thể gặp những tình trạng trước đây chưa từng gặp, trải qua những triệu chứng trước đây chưa từng biết đến. Đó có thể là khô da, rạn bụng, rụng tóc, tăng cân,… Theo thống kê, có đến 40% phụ nữ bị ngứa khi mang thai.

Nguyên nhân sinh lý

Có thể kể đến những nguyên nhân thường gặp nhất gây ngứa ở bà bầu như:

Ngứa da do sự đàn hồi của da chậm hơn tốc độ phát triển của thai nhi. Khi thai nhi lớn dần lên, làn da của mẹ nhất là ở vùng bụng sẽ bị kéo giãn và căng hết mức. Nếu làn da không đủ độ ẩm và độ đàn hồi sẽ dẫn đến tình trạng căng quá mức gây ngứa thậm chí gây ngứa rát rất khó chịu.

Đôi khi, cảm giác ngứa da cũng đến từ việc mẹ bầu thay đổi chế độ dinh dưỡng nên bị tăng cân nhanh chóng. Khi làn da không giãn kịp với sự gia tăng trọng lượng cơ thể cũng sẽ bị kéo căng quá mức và gây ngứa. Những vùng cơ thể tăng nhanh về kích cỡ, dễ dẫn đến ngứa da và rạn da như bụng, mông, đùi, bắp chân.

Ngứa khi mang thai là tình trạng thường gặp ở bà bầu

Nồng độ hormone estrogen trong cơ thể người phụ nữ gia tăng đáng kể. Điều này có tác dụng làm giãn các mạch máu, đáp ứng nhu cầu cung cấp dưỡng chất và oxy ngày càng tăng. Khi các mạch máu trong cơ thể mẹ giãn ra cũng sẽ gây ngứa ở mức độ nào đó.

Xem thêm  Cần làm gì khi bị mất ngủ sau sinh?

Thân nhiệt của bà bầu thường cao hơn thân nhiệt của những người bình thường. Vì vậy, bà bầu dễ bị đổ mồ hôi ngay cả khi người khác thấy bình thường. Mồ hôi ra nhiều khiến vi khuẩn tích tụ trên da cũng khiến bà bầu ngứa ngáy khó chịu.

Nguyên nhân bệnh lý

Một số bệnh lý, đặc biệt là bệnh về da có thể mang đến cảm giác ngứa da ở bà bầu như:

  • Một số tình trạng da liễu có thể gây ngứa ngoài da như: Da khô do thiếu độ ẩm, chàm da, mề đay, dị ứng. Nhiều bà bầu bỗng nhiên bị dị ứng da mặt khi mang thai gây ngứa ngáy khó chịu vô cùng.
  • Ngứa thường là triệu chứng của tình trạng ứ mật thai kỳ khi mật bí ứ trong gan. Khi đó, muối mật bị tích tụ ở da gây ngứa kèm các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, vàng da. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
  • Một số thai phụ bị viêm da bọng nước từ khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ. Trên cơ thể mẹ bầu có thể xuất hiện mụn nước ở đùi, quanh rốn, lưng, bàn tay, bàn chân.
  • Bà bầu bị viêm nang lông (thường trong 3 tháng cuối thai kỳ) cũng sẽ gặp triệu chứng ngứa ngoài da.
  • Bà bầu bị ngứa vùng kín do nấm, vi khuẩn tấn công “cô bé” hoặc do bà bầu mắc bệnh phụ khoa cũng là tình trạng thường gặp.
Ngứa khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị 2
Ngứa khi mang thai có thể khiến mẹ bầu mất ăn mất ngủ

Khắc phục tình trạng ngứa khi mang thai thế nào?

Để khắc phục hoặc hạn chế tình trạng ngứa khi mang thai, bà bầu có thể áp dụng những biện pháp sau:

  • Không cào, gãi nhiều lên vùng da bị ngứa: Càng cào gãi, vùng da bị ngứa trên cơ thể mẹ bầu càng dễ bị tổn thương, kích ứng. Thậm chí các vết trầy xước trên da có thể bị bội nhiễm, để lại sẹo thâm mất thẩm mỹ. Thay vì gãi, mẹ bầu có thể dùng khăn mát chườm lên để làm dịu cảm giác ngứa.
  • Vệ sinh da đúng cách là cần đảm bảo sạch sẽ, loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn, tế bào da chết tích tụ trên bề mặt da hay ở những lỗ chân lông. Khi tắm, mẹ bầu cũng nên chọn loại sữa tắm có độ pH phù hợp để tránh làm khô da. Việc tắm nước nóng cũng sẽ làm khô rát da gây ngứa.
  • Khi cân nặng tăng lên, thai nhi lớn dần lên, làn da của bà bầu cũng sẽ giãn dần ra. Để phòng ngừa rạn da và ngứa da, mẹ bầu nên dùng kem dưỡng ẩm và kem trị rạn từ tháng thứ 3 của thai kỳ. Các sản phẩm này giúp duy trì độ ẩm, tăng độ đàn hồi, tăng đề kháng cho da.
  • Lựa chọn quần áo có chất liệu cotton an toàn, thấm hút mồ hôi tốt, thoáng khí sẽ giúp làn da “dễ thở” hơn, hạn chế tích tụ mồ hôi và vi khuẩn gây ngứa.
  • Để tăng đề kháng cho da, mẹ bầu nên tăng cường ăn thực phẩm giàu vitamin A, vitamin D, tránh đồ cay nóng. Uống đủ nước mỗi ngày cũng là cách để mẹ có làn da khỏe mạnh đồng thời phòng ngừa táo bón, chuột rút, thiếu nước ối.
  • Lá tắm trị ngứa cho bà bầu như: Lá trầu không, lá kinh giới, lá trà xanh, lá khế,… cũng có tác dụng trong nhiều trường hợp. Mẹ bầu có thể thử cách này nhé! Các loại lá này còn được dùng làm lá tắm cho trẻ sơ sinh nên chắc chắn cũng an toàn với làn da của mẹ.
Xem thêm  Trầm cảm sau sinh ăn gì để cải thiện tình trạng sức khoẻ?
Ngứa khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị 3
Nước lá tắm và ngâm trị ngứa an toàn hiệu quả

Bị ngứa khi mang thai khi nào là nguy hiểm?

Trong hầu hết các trường hợp, bị ngứa khi mang thai là tình trạng bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, nếu ngứa quá nhiều khiến bà bầu mất ngủ thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ. Đôi khi, ngứa cũng là một dấu hiệu cảnh báo sức khỏe nào đó. Ví dụ như:

  • Ngứa kèm triệu chứng vàng da có thể là dấu hiệu cảnh báo ứ mật thai kỳ.
  • Ngứa kèm theo tình trạng chảy dịch, đóng vảy ngoài da có thể là dấu hiệu của bệnh da liễu như chàm, tổ đỉa, vảy nến, á sừng,…
  • Ngứa phát ban kèm sốt có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm virus.
  • Nếu âm đạo bị ngứa kèm triệu chứng đau rát khi tiểu, dịch tiết âm đạo có mùi và màu bất thường có thể báo hiệu tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.
  • Ngứa đôi khi cũng là do cơ thể tích tụ nhiều độc tố do chức năng gan suy giảm.
  • Các bệnh về thận, bệnh rối loạn tuyến giáp, bệnh thiếu máu do thiếu sắt, bệnh tiểu đường thai kỳ,… cũng khiến mẹ bầu bị ngứa ngoài da.
Ngứa khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị 4
Bệnh ngoài da cần được chữa trị sớm tránh lây lan

Nguyên nhân gây ngứa khi mang thai có thể là nguyên nhân sinh lý hoặc nguyên nhân bệnh lý. Nếu thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường kèm ngứa, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ ngay. Bác sĩ sẽ thăm khám, chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân gây ngứa và chỉ định cách điều trị phù hợp. 

Xem thêm  Người bệnh ung thư máu có sinh con được không?

Xem thêm: Mách nhỏ mẹ bầu cách chữa mùi hôi vùng kín khi mang thai



Theo Nhà Thuốc Long Châu

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.

Bài viết liên quan
- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments