Nếu cần kể tên một món ăn tiện lợi phổ biến nhất với người Việt Nam, có lẽ hầu hết mọi người đều kể đến món mì ăn liền hay mì tôm. Có nhiều cách phân loại mì ăn liền khác nhau, nhưng nếu phân loại theo công nghệ làm khô ta có mì không chiên và mì chiên. Nhiều người chưa biết giữa hai loại mì này có khác biệt nào và đâu là loại mì tôm tốt cho sức khỏe?
Mì ăn liền – Món ăn quen thuộc với mọi nhà
Mì ăn liền do Ando Momofuku – Người sáng lập của Tập đoàn Nissin Foods (Nhật Bản) phát minh. Nó còn được gọi với những cái tên quen thuộc hơn là mì tôm hay mì gói. Mì ăn liền là một sản phẩm ngũ cốc chế biến dạng khô và được đóng gói thành từng khẩu phần ăn kèm gói dầu gia vị, gói bột súp, các nguyên liệu sấy khô hay nguyên liệu chế biến sẵn kèm theo. Khi ăn, chúng ta chỉ cần cho tất cả các nguyên liệu vào tô, đổ nước sôi vào chờ 1 – 2 phút cho mì chín là có thể thưởng thức.
Nguyên liệu chính để làm ra những vắt mì thường là bột lúa mì, bột khoai mì hay bột khoai tây. Chúng được phối trộn với nước, gia vị và một số thành phần phụ gia khác trong hàm lượng cho phép. Những vắt mì trước khi được mang đi đóng gói cần trải qua quá trình gelatin hóa sơ bộ và khử nước bằng 2 cách: Chiên trong dầu (gọi là mì chiên) hoặc sấy khô (gọi là mì không chiên). Ở các nước châu Á, mì chiên phổ biến hơn còn mì không chiên lại được ưa chuộng hơn ở các nước phương Tây.
Mì chiên và mì không chiên khác nhau như thế nào?
Cả 2 loại mì này đều được hấp chín bằng hơi nước trước khi trải qua công đoạn làm khô. Quá trình làm khô sẽ giảm độ ẩm của vắt mì xuống mức thấp nhằm bảo quản mì được lâu hơn. Cùng điểm qua những khác biệt của 2 loại mì này bạn nhé!
Khác nhau về phương pháp làm khô
Mì chiên được làm khô bằng phương pháp chiên qua dầu. Với nhiệt độ dầu sôi khoảng 140 – 150 độ C, thời gian chiên khoảng 2 phút 30 giây, độ ẩm trong vắt mì sẽ giảm còn khoảng dưới 3%. Trong khi đó, mì không chiên được làm khô bằng phương pháp sấy nhiệt gió ở mức nhiệt khoảng 80 độ C, trong khoảng thời gian 30 phút. Khi đó, độ ẩm của vắt mì sẽ giảm xuống khoảng dưới 10%.
Như vậy, mì chiên và mì không chiên sử dụng 2 phương pháp làm khô khác nhau nhưng mục đích đều là giảm độ ẩm xuống mức thấp để vi sinh vật không có điều kiện thuận lợi để phát triển, thời gian bảo quản mì có thể lên đến nửa năm.
Sự khác biệt về cảm giác khi ăn
Theo những “tín đồ” của mì ăn liền, mì không chiên khi ăn sẽ có cảm giác tươi mới hơn, giống mì tươi hơn, sợi mềm mịn hơn. Trong khi đó, mì chiên mang đến cảm giác đậm đà hơn.
Khác biệt về thành phần dinh dưỡng
Mì gói bao nhiêu calo? Theo khảo sát ở Việt Nam, mỗi gói mì cung cấp từ 250 – 400 calo tùy từng loại, đặc biệt là tùy những gói nguyên liệu kèm theo. Mức calo này chiếm khoảng 1/4 tổng lượng calo cần thiết với một người trưởng thành trong 1 ngày và được cho là mức calo khá cao.
Trong đó, mì chiên có thành phần với khoảng 15 – 20% là dầu, mì không chiên với hàm lượng chất béo tối đa chỉ khoảng 3%. Vì vậy, mì chiên bao giờ cũng cung cấp một lượng calo lớn hơn. Vì vậy, nếu muốn giảm cân giữ dáng, mì không chiên sẽ là lựa chọn phù hợp hơn.
Mì chiên và những hiểu lầm phổ biến
Từ nhiều năm nay, không ít người trong chúng ta vẫn mặc định rằng mì chiên không tốt cho sức khỏe vì để tối ưu lợi nhuận, các công ty mì gói có thể dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần. Loại dầu tái sử dụng này cũng chứa một lượng lớn chất béo chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch. Mì chiên qua dầu cũng từng làm dấy lên lo ngại ăn mì tôm có bị ung thư không?
Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng về điều đó bởi các công nghệ sản xuất mì gói hiện nay đã hiện đại vượt xa suy nghĩ và nỗi lo của nhiều người. Các nhà máy sản xuất mì gần như đầu sử dụng dây chuyền sản xuất khép kín, hiện đại. Dầu dùng để chiên mì sẽ được làm nóng gián tiếp bằng hơi nước sau đó được dẫn vào chảo chiên bằng đường ống kín. Nhiệt độ dầu được duy trì ổn định trong quá trình chiên và chỉ số oxy hóa của dầu đạt tiêu chuẩn trong nước.
Ngoài ra, theo thông tin từ các hãng sản xuất, dầu được sử dụng để chiên mì là dầu cọ được tách lọc qua phương pháp ép lạnh nên khá an toàn. Quá trình sản xuất có sự kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng và độ an toàn để hạn chế tối đa việc phát sinh chất béo chuyển hóa.
Nhiều người nhận thấy rằng mì chiên thường có màu sắc đậm hơn có thể do chiên qua dầu. Nhưng theo tiết lộ của nhiều nhà sản xuất, qua quá trình điều tra nhu cầu của khách hàng, họ thấy phần lớn khách hàng có cảm giác món mì đậm đà hơn khi có màu vàng đậm hơn nên đã cố tình gia tăng tỷ lệ bột tạo màu để chiều ý khách hàng.
Mì không chiên và mì chiên: Nên dùng loại nào?
Như vậy, dùng loại mì nào sẽ phụ thuộc vào khẩu vị của mỗi người. Nếu bạn thích hương vị đậm đà hơn hãy dùng mì chiên. Nếu thích hương vị tươi mới hơn, hãy dùng mì không chiên. Ngoài ra, mì không chiên sẽ tốt cho việc kiểm soát vóc dáng và cân nặng hơn mì chiên.
Bạn có thể dùng bất cứ loại mì nào bạn muốn, miễn là dùng đúng cách. Mì tôm ăn nhiều có tốt không? Chắc chắn là không bởi dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng, nóng trong, nổi mụn. 1 tuần nên ăn mấy gói mì là phù hợp? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn không nên ăn món ăn này quá 2 lần một tuần nhé!
Có nên cho trẻ ăn mì tôm không? Thi thoảng bạn có thể cho trẻ con ăn mì tôm. Tuy nhiên, để đảm bảo dinh dưỡng cho cả trẻ em hay người lớn, bạn đều nên thêm vào tô mì các thành phần khác như rau, thịt, trứng, giò, chả… để bổ sung thêm dưỡng chất cho món ăn. Nếu lo ngại về lượng dầu có trong vắt mì, bạn có thể trần qua mì với nước sôi trước khi chế biến.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa mì chiên và mì không chiên. Hãy chọn loại mì hợp với khẩu vị và chế biến mì đúng cách để có thể yên tâm thưởng thức món ăn tiện lợi này bạn nhé!
Xem thêm: Củ cải vàng và những lợi ích sức khỏe bất ngờ
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.