Với chị em phụ nữ, mang thai là thời kỳ nhạy cảm. Do đó việc bảo vệ, giữ gìn sức khỏe không làm gì ảnh hưởng tới thai nhi là việc làm cần thiết. Vậy trường hợp mẹ bầu bị viêm gan B có ảnh hưởng đến con không? Cách chăm sóc, ăn uống, sinh hoạt thế nào mới tốt?
Triệu chứng mẹ bầu bị viêm gan B
Mẹ bầu mắc viêm gan B trong thai kỳ có thể gặp các dấu hiệu sau:
- Vàng da;
- Lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng;
- Nước tiểu chuyển sang màu cam hoặc nâu;
- Phân màu sáng;
- Sốt;
- Mệt mỏi kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng;
- Gặp vấn đề dạ dày như: Chán ăn, buồn nôn và nôn;
- Đau bụng.
Mẹ bầu bị viêm gan B có nguy hiểm không?
Viêm gan B do virus HBV gây và không phải là bệnh quá nguy hiểm đối với người bình thường. Thế nhưng nữ giới mắc viêm gan B khi mang thai sẽ có nguy cơ lây nhiễm sang bé. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm viêm gan B từ người mẹ chỉ khoảng 40% và không phải trẻ nào cũng mang mầm bệnh đến suốt đời.
Thời gian nhiễm virus viêm gan B trong thai kỳ cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ lây nhiễm đến thai nhi. Nếu mẹ bầu nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu thì thai nhi có nguy cơ bị nhiễm thấp hơn. Càng vào giai đoạn sau thì tỷ lệ trẻ nhiễm càng cao, ở tam cá nguyệt thứ 2 là khoảng 10% còn tới tam cá nguyệt thứ 3 có thể lên đến 60 – 70%.
Bên cạnh đó nếu mẹ bầu bị viêm gan B không được chăm sóc và điều trị phòng ngừa tích cực có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Biến chứng với bà bầu: Bệnh tiến triển nặng hơn gây ảnh hưởng lớn tới chức năng gan cũng như sức khỏe. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới suy gan, xơ gan hoặc tiểu đường thai kỳ.
- Biến chứng với thai nhi: Sự hiện diện của virus viêm gan B làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân, dễ bị tổn thương gan từ giai đoạn bào thai… Trẻ chào đời mắc viêm gan B bẩm sinh còn có nguy cơ cao phát triển thành mãn tính khiến sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.
Cẩm nang chăm sóc mẹ bầu bị viêm gan B
Thai phụ bị viêm gan B nên ăn gì?
Mẹ bầu bị viêm gan B nên duy trì chế độ ăn uống đa dạng, giàu dinh dưỡng với các thực phẩm tốt, tăng cường hệ miễn dịch như:
- Trái cây: Là những thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng thiết yếu, chứa nhiều chất chống oxy hóa và có đặc tính kháng viêm. Nhờ đó hỗ trợ bảo vệ tế bào gan không bị hư hại và hạn chế nguy cơ ung thư gan.
- Rau họ cải và các loại rau có màu xanh đậm: Có tác dụng bảo vệ gan chống lại các hóa chất từ môi trường. Đồng thời, cung cấp chất xơ hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp gan đào thải bớt độc tố, giảm “gánh nặng” cho gan.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Bổ sung canxi và dinh dưỡng thiết yếu có lợi cho gan nói riêng và sức khỏe tổng thể của bà bầu nói chung.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Vừa cung cấp dinh dưỡng, vừa rất giàu chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa và gan, tăng cường khả năng chuyển hóa chất dinh dưỡng và giúp đào thải bớt độc tố ở gan.
- Thực phẩm giàu protein không chứa chất béo: Thịt ức gà, thịt nạc bò, cá hồi, cá thu, các loại hạt và đậu… là thực phẩm cần thiết cho quá trình xây dựng các mô mới bên trong gan, giúp làm lành những vết thương ở gan mà mẹ bầu bị viêm gan B nên sử dụng.
Mẹ bầu bị viêm gan B nên kiêng ăn gì?
- Mẹ bầu bị viêm gan B cần kiêng ăn những thực phẩm giàu chất béo bão hòa như: Thịt mỡ, thực phẩm nhiều dầu, đồ ăn chiên rán.
- Tránh ăn thức ăn nhanh và thực phẩm đã qua chế biến.
- Kiêng rượu bia, đồ uống có cồn vì đây là thức uống gây tổn thương gan, làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh viêm gan B.
- Tránh xa đồ uống và thực phẩm chứa nhiều đường như: Bánh kẹo, món tráng miệng ngọt, soda, nước ép trái cây thêm đường…
- Không nên ăn thịt động vật sống, tái, nhất là hải sản có vỏ như: Trai, hến, sò điệp, hàu… vì những thực phẩm này có thể bị nhiễm Vibrio vulnificus – loại vi khuẩn gây ra nhiều tổn thương và rất độc cho gan.
- Hạn chế ăn thực phẩm cay nóng vì chúng không chỉ gây táo bón mà còn gây “nóng gan” khi mang thai khiến bệnh trầm trọng hơn, hạn chế khả năng thải độc của gan.
- Không ăn thực phẩm có dấu hiệu bị nấm mốc, nhất là các loại hạt như: Lạc, ngô, gạo…
Chế độ sinh hoạt cho mẹ bầu bị viêm gan B
- Mẹ bầu bị viêm gan B nên giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, yêu đời, tránh suy nghĩ tiêu cực, lo lắng.
- Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức, hạn chế căng thẳng.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc.
- Không tự ý sử dụng thuốc điều trị viêm gan B khi không có chỉ định từ bác sĩ vì một số thành phần của thuốc có thể ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Lưu ý cho mẹ bầu bị viêm gan B
Ngoài ra, mẹ bầu bị viêm gan B cũng cần lưu ý:
- Để có một lá gan khỏe mạnh, mẹ bầu bị viêm gan B cần tránh thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động.
- Khi đang điều trị và phục hồi sau viêm gan B mẹ bầu không được tự ý bỏ bữa.
- Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn 3 bữa chính để giảm áp lực cho gan.
- Kết hợp nghỉ ngơi và tập thể dục điều độ để mau khỏi bệnh.
- Nếu thai phụ dương tính với viêm gan B, thì trẻ sơ sinh cần được tiêm vacxin phòng viêm gan B và huyết thanh viêm gan B cùng lúc ở 2 vị trí khác nhau trong vòng 12 giờ đầu sau sinh (theo khuyến cáo của CDC, Hoa Kỳ) hoặc trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi sinh (theo WHO).
- Trẻ sinh ra từ mẹ bầu nhiễm viêm gan B vẫn cần tiếp tục tiêm chủng theo lịch tiêm chủng mở rộng và sau 1 tuổi (hoặc ít nhất 9 tháng tuổi) bé nên được lấy máu để kiểm tra tình trạng nhiễm viêm gan B.
Mẹ bầu bị viêm gan B cần báo với bác sĩ và theo dõi bằng một chế độ nghiêm ngặt hơn các thai phụ bình thường để tránh biến chứng nguy hiểm. Những cẩm nang chăm sóc hữu ích trên đây hy vọng giúp mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và có thể dễ dàng bảo vệ thai nhi khỏi nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.