Tiêm chủng mở rộng là dự án nằm trong chương trình mục tiêu Y tế Quốc gia. Hiện nay, bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mới có nguy cơ xâm nhập, lây lan và phát triển thành dịch.
Tiêm vắc xin không đúng lịch có sao không?
Khi tiêm vắc xin, đợt tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm đầu tiên chính là đợt tiêm ngừa cơ bản cho trẻ. Lượng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, mũi tiêm nhắc lại có vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập hệ miễn dịch, cơ thể cần được tiêm nhắc lại để có thể tái sản xuất kháng thể.
Nếu tiêm mũi nhắc lại trễ hơn so với lịch chuẩn quá xa (tùy loại vắc xin) so với mũi đầu có thể làm mất hiệu quả phòng bệnh. Trong thời gian tiêm ngừa trễ cơ thể có khả năng sẽ có lỗ hổng miễn dịch đối với căn bệnh cần tiêm phòng và dễ mắc bệnh trong thời gian đó. Vì vậy, chỉ khi tiêm vắc xin theo đúng lịch thì khả năng phòng bệnh của vắc xin trước các loại bệnh truyền nhiễm mới có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Trong trường hợp đã bị nhỡ lịch tiêm nhắc lại, cần liên hệ với các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn, hỗ trợ hướng khắc phục, tiêm bù mũi tiêm nhắc lại.
Các loại vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Hiện nay, danh mục vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bao gồm 12 loại vắc xin sau đây:
- Vắc xin phòng bệnh lao;
- Vắc xin phòng bệnh viêm gan B;
- Vắc xin phòng bệnh bạch hầu;
- Vắc xin phòng bệnh ho gà;
- Vắc xin phòng bệnh uốn ván;
- Vắc xin phòng bệnh bại liệt;
- Viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib;
- Vắc xin phòng bệnh sởi;
- Vắc xin phòng bệnh rubella;
- Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản;
- Vắc xin phòng bệnh tả (áp dụng đối với vùng có nguy cơ cao);
- Vắc xin phòng thương hàn (áp dụng đối với vùng có nguy cơ cao).
Lịch tiêm chủng mở rộng hiện nay
Hiện nay, lịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ sơ sinh đến 12 tuổi mà phụ huynh cần nắm để đảm bảo trẻ được tiêm chủng đúng lịch và đúng số mũi vắc xin theo khuyến cáo để phòng bệnh hiệu quả:
Đối với trẻ sơ sinh:
- Tiêm vắc xin Viêm gan B (VGB) trong 24 giờ đầu sau sinh.
- Tiêm vắc xin BCG Phòng bệnh lao.
Đối với trẻ 02 tháng:
- Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 1 (vắc xin 5 trong 1).
- Uống vắc xin bại liệt lần 1.
Đối với trẻ 03 tháng:
- Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 2.
- Uống vắc xin bại liệt lần 2.
Đối với trẻ 04 tháng:
- Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 3.
- Uống vắc xin bại liệt lần 3.
Đối với trẻ 05 tháng: Tiêm vắc xin bại liệt đa giá (IPV).
Đối với trẻ 09 tháng: Tiêm vắc xin sởi mũi 1.
Đối với trẻ 18 tháng:
- Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván mũi 4.
- Tiêm vắc xin sởi – rubella (MR).
Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi:
- Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 1.
- Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 2 (1 – 2 tuần sau mũi 1).
- Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 3 (một năm sau mũi 2).
Những điều lưu ý khi tiêm chủng vắc xin
Dưới đây là một số vấn đề phụ huynh cần lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng:
Trước khi tiêm
Cha mẹ đảm bảo mang theo phiếu/sổ tiêm chủng của trẻ, thực hiện khai báo tình trạng sức khỏe của trẻ với cán bộ y tế, một số câu hỏi để khám sàng lọc như sau:
- Trẻ sơ sinh đã đủ cân nặng (2kg) chưa?
- Trẻ có bú (ăn), uống, ngủ bình thường trong những ngày gần đây không?
- Trẻ có đang sốt/mắc bệnh không?
- Trẻ có đang dùng thuốc hay sử dụng phương pháp điều trị nào trong 3 tháng qua không?
- Trẻ có tiêm vắc xin nào trong 4 tuần gần đây không?
- Trẻ có tiền sử dị ứng với thức ăn hay thuốc nào không?
- Trẻ có tiền sử dị ứng với vắc xin hoặc có phản ứng nặng (sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm…) ở những lần tiêm trước hay không?
Trong lúc tiêm
Trong quá trình tiêm chủng, điều quan trọng nhất chính là tư thế của trẻ, nhân viên y tế cần hướng dẫn người thân giữ đúng tư thế trẻ khi tiêm chủng.
Sau khi tiêm
Trong vòng 30 phút sau khi tiêm, cho trẻ ở lại trung tâm tiêm chủng để theo dõi và xử lý kịp thời nếu có phản ứng bất thường xảy ra. Về nhà, phụ huynh cần theo dõi trẻ tiếp tục ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng về tình trạng tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm… Lưu ý phụ huynh không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm của trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần nắm rõ những phản ứng sau tiêm vắc xin ở trẻ để không nhầm giữa những phản ứng thông thường và các phản ứng nặng có thể gây nguy hiểm. Phụ huynh cần đưa trẻ tới ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý nếu như trẻ xuất hiện một trong các tình trạng sau:
- Sốt cao trên 39oC;
- Co giật, lừ đừ, lả người, không có phản ứng;
- Khó thở, rút lõm lồng ngực khi thở, tím tái, thở rít;
- Tình trạng quấy khóc dữ dội kéo dài;
- Ăn/bú kém đi kèm với một số phản ứng: Sốt nhẹ, quấy khóc, phát ban… kéo dài trên 1 ngày.
Tiêm chủng các loại vắc xin là biện pháp phòng tránh hiệu quả những căn bệnh truyền nhiễm và làm giảm di chứng, giảm tỷ lệ tử vong ở người mắc các căn bệnh này. Vì thế, cha mẹ cần chú ý tiêm phòng cho con trẻ theo đúng lịch tiêm chủng mở rộng. Đây chính là quyền lợi và trách nhiệm của cha mẹ đối với con trẻ, trách nhiệm không chỉ với bản thân gia đình mà còn là đối với cả an sinh toàn xã hội.
Với cam kết mang đến dịch vụ tiêm chủng chất lượng và đa dạng, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tự hào là đơn vị tiên phong trong việc cung cấp vắc xin từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Với tiêu chí “Tiêm nhẹ – Ít đau” và giá cả hợp lý, chúng tôi cam kết mang lại trải nghiệm tiêm chủng tốt nhất cho mỗi khách hàng. Hãy đồng hành cùng Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để bảo vệ sức khỏe và xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh hơn!
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.