Trên thực tế, có không ít mẹ có con trong độ tuổi 8 tháng không biết nên cho bé ăn dặm như thế nào là đúng cách và khung thời gian cho bé ăn dặm như thế nào là hợp lý. Các mẹ hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tham khảo lịch ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi trong bài viết dưới đây nhé.
Các dưỡng chất cần thiết cho bé 8 tháng tuổi
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên cần được bổ sung dinh dưỡng đa dạng và phong phú theo nguyên tắc ô vuông thức ăn. Ở đó, trung tâm của ô vuông thức ăn là sữa mẹ.
Theo đó, song song với việc cho trẻ bú mẹ, đối với trẻ 8 tháng tuổi, mẹ cần cho trẻ ăn bổ sung bởi chế độ dinh dưỡng trước đó (hoặc là bú mẹ, hoặc là ăn nhân tạo…) không còn đủ khả năng cung cấp dưỡng chất cần thiết để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của trẻ. Vậy đâu là những dưỡng chất cần thiết cho bé 8 tháng tuổi?
Để việc lựa chọn thực phẩm được dễ dàng hơn, mẹ cần lưu ý một số loại dưỡng chất cần thiết cho thực đơn ăn dặm của bé 8 tháng tuổi. Cụ thể:
Sắt
Đây là loại khoáng chất tốt cho việc tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ, thúc đẩy quá trình hình thành máu cũng như giúp tóc của trẻ chắc khỏe và đen hơn. Mẹ có thể cung cấp sắt cho bé thông qua các loại thịt đỏ như bò, cá, heo hoặc các loại rau có màu xanh đậm như rau dền, rau đay, rau mồng tơi…
Kẽm
Kẽm cùng là một trong những dưỡng chất cần có trong thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi. Khoáng chất này không chỉ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn mà còn giúp tăng cường hấp thu chất và sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Kẽm thường được tìm thấy trong một số loại thịt, cá, trứng, cây họ đậu và một số loại rau.
Protein
Đây là một trong những dưỡng chất quan trọng trong việc hình thành cũng như tái tạo tế bào, giúp phát triển cơ bắp và nuôi dưỡng cơ thể. Một số thực phẩm giàu protein mà mẹ nên bổ sung vào khẩu phần ăn dặm của trẻ bao gồm trứng, phô mai, ức gà, sữa nguyên chất…
Axit béo omega-3
Axit béo omega-3 được chứng minh là có tác dụng rất tốt cho sự phát triển não bộ ở trẻ. Do vậy, việc bổ sung axit béo omega-3 vào khẩu phần ăn của trẻ là vô cùng cần thiết. Mẹ có thể bổ sung dưỡng chất này cho trẻ thông qua các loại thực phẩm như cá biển, rau củ, sữa nguyên chất, hạt khô…
Vitamin
Vitamin có vai trò như một chất xúc tác, bảo vệ, trao đổi chất, giúp cơ thể bé tăng cường sự hấp thu trong giai đoạn phát triển. Do vậy, các mẹ nên cho trẻ bổ sung vitamin từ nhiều nguồn khác nhau. Có rất nhiều các loại vitamin như vitamin A, vitamin E, vitamin D, vitamin B12…
Lịch ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi
Bắt đầu từ 8 tháng tuổi trở đi, trẻ có thể ăn dặm 2 bữa và bú khoảng 3 – 4 cữ/ngày tương đương với 600 – 700ml sữa. Trong thời điểm này, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ. Do vậy mà mẹ cần cho bé bú mẹ đầy đủ.
Khi cho trẻ ăn dặm hoặc ăn bổ sung, mẹ chỉ nên cho bé ăn trong khoảng thời gian dưới 30 phút bởi thời gian ăn kéo dài có thể khiến bé bị chán.
Sau đây là lịch ăn dặm cho bé 8 tháng cùng thực đơn ăn dặm từ Viện Dinh dưỡng Trung ương, cha mẹ có thể tham khảo:
Giờ | Thứ 2 + thứ 4 | Thứ 3 + thứ 5 | Thứ 6 + chủ nhật | Thứ 7 |
6 giờ | Bú mẹ hoặc uống sữa ngoài với hàm lượng 150 – 200ml | Bú mẹ hoặc uống sữa ngoài với hàm lượng 150 – 200ml | Bú mẹ hoặc uống sữa ngoài với hàm lượng 150 – 200ml | Bú mẹ hoặc uống sữa ngoài với hàm lượng 150 – 200ml |
9 giờ | Bột thịt lợn/thịt lợn: 10g Bột gạo: 10g Dầu ăn: 5g Rau xanh xay nhuyễn: 1 thìa cà phê | Bột thịt gà/thịt gà: 10g Bột gạo:10g Dầu ăn: 5g Rau xanh xay nhuyễn: 1 thìa cà phê | Bột sữa: 3 thìa Bột gạo: 10g Dầu ăn: 5g Rau xanh xay nhuyễn: 1 thìa cà phê | Trứng gà: ½ quả (lòng đỏ) Bột gạo: 10g Dầu ăn: 5g Lá rau xanh: 1 thìa cà phê
|
10 giờ | ⅓ quả chuối tiêu | 50g đu đủ | ⅓ quả hồng xiêm | 50g xoài |
11 giờ | Bú mẹ | Bú mẹ | Bú mẹ | Bú mẹ |
14 giờ | Bột sữa: 3 thìa Bột gạo: 10g Dầu ăn: 5g Lá rau xanh: 1 thìa cà phê
| Bột thịt gà/thịt gà: 10g Bột gạo: 10g Dầu ăn: 5g Lá rau xanh: 1 thìa cà phê
| Bột thịt lợn/thịt nạc lợn: 10g Bột gạo: 10g Dầu ăn: 5g Lá rau xanh: 1 thìa cà phê
| Bột sữa: 3 thìa Bột gạo: 10g Dầu ăn: 5g Lá rau xanh: 1 thìa cà phê
|
16 giờ | Nước cam | Nước cam | Nước cam | Nước cam |
18 giờ | Bú mẹ hoặc sữa ngoài: 150 – 200ml | Bú mẹ hoặc sữa ngoài: 150 – 200ml | Bú mẹ hoặc sữa ngoài: 150 – 200ml | Bú mẹ hoặc sữa ngoài: 150 – 200ml |
Lưu ý khi xây thực thực đơn ăn dặm cho trẻ 8 tháng tuổi
Bên cạnh chủ đề lịch ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi thì những lưu ý khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi cũng là chủ đề được nhiều mẹ quan tâm. Vậy khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi, mẹ cần lưu ý những gì?
Khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho trẻ 8 tháng tuổi, mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Mẹ cần hiểu đối với trẻ 8 tháng tuổi, việc ăn dặm chỉ là bổ sung thêm dưỡng chất cho trẻ. Chính vì thế, mẹ vẫn cần xen kẽ các cữ bú để trẻ được phát triển toàn diện và tăng cường sức đề kháng.
- Thực đơn cần đảm bảo đầy đủ các dưỡng chất cần thiết theo nguyên tắc ô vuông thức ăn: Có đủ các chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.
- Bên cạnh việc cân bằng các dưỡng chất cần thiết thì việc sắp xếp các bữa ăn hợp lý cũng là điều vô cùng quan trọng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ cần đảm bảo cho bé ăn khoảng 5 – 6 bữa/ngày và xen kẽ giữa các cữ bú.
- Mẹ cần linh hoạt thay đổi các món ăn dặm hàng ngày cho bé bởi việc cho bé ăn mãi một món ăn dặm sẽ khiến bé chán ăn và mất hứng thú với việc ăn dặm.
- Ăn bữa nào, nấu bữa đó, không nấu đi nấu lại một món ăn quá nhiều lần bởi điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng và dinh dưỡng của món ăn.
- Ngoài các bữa chính, mẹ có thể kết hợp cho bé uống sữa, ăn các chế phẩm từ sữa như sữa chua, váng sữa… bởi đây đều là những thực phẩm được chứng minh là rất tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
Ăn dặm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ và việc ăn dặm sai cách có thể gây ra nhiều hệ luỵ về sau. Với những thông tin hữu ích mà Nhà thuốc Long Châu vừa chia sẻ phía trên, hy vọng sẽ giúp mẹ có thêm kiến thức về lịch ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi và những lưu ý khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho trẻ. Cảm ơn mẹ đã luôn tin tưởng và đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.