Tình trạng không sờ thấy dây vòng tránh thai khiến nhiều chị em không khỏi lo lắng. Trong tình huống này, việc áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp sẽ giúp bạn đảm bảo được khả năng tránh thai, cũng như đảm bảo sức khỏe sinh sản của bản thân. Vậy bạn đã biết cách xử lý như thế nào chưa? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Đặt vòng tránh thai là gì?
Đặt vòng tránh thai là một trong số các biện pháp ngừa thai phổ biến nhất hiện nay. Biện pháp này đem lại hiệu quả tránh thai rất cao, lên đến 99% mà hiệu quả sử dụng có thể kéo dài trong 10 năm.
Mục đích của phương pháp đặt vòng tránh thai là ngăn cản tinh trùng gặp trứng, khiến cho quá trình thụ thai không được diễn ra. Bên cạnh đó, vòng tránh thai còn thay đổi cơ cấu của niêm mạc tử cung. Nó làm cho phần niêm mạc bị mỏng đi, thai không thể làm tổ và phát triển thành em bé.
Hiện nay, các bác sĩ thường khuyến nghị nữ giới nên sử dụng một trong hai loại vòng tránh thai sau, tùy thuộc vào nhu cầu và thể trạng của mỗi người. Đó là: Vòng tránh thai được quấn đồng và vòng tránh thai có chứa thuốc nội tiết. Quá trình đặt vòng tránh thai cũng rất nhanh chóng, chỉ mất vài phút mà không ảnh hưởng đến việc quan hệ tình dục và sức khỏe của chị em.
Những rủi ro khi đặt vòng tránh thai
Biện pháp đặt vòng tránh thai được đánh giá là tương đối an toàn, có thể làm giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, chị em cũng cần lường trước được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình đặt vòng tránh thai như:
- Vòng bị xô lệch khỏi vị trí ban đầu;
- Tuột vòng tránh thai;
- Mất vòng tránh thai.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể sẽ phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ đi kèm là: Rối loạn kinh nguyệt, chảy máu âm đạo, đổ mồ hôi, tụt huyết áp,… thậm chí là viêm nhiễm phụ khoa.
Không sờ thấy dây vòng tránh thai là hiện tượng gì?
Hiện tượng không sờ thấy dây vòng tránh thai là rủi ro thường gặp khi chị em đặt vòng tránh thai. Tình trạng này được hiểu là khi kiểm tra vòng tại nhà, bạn có thể không cảm nhận được dây vòng, hoặc dây có cảm giác bị dài hơn hoặc ngắn hơn so với ban đầu. Đây chính là những dấu hiệu cảnh báo vòng tránh thai đã bị xô lệch, hoặc bị trôi đến một vị trí khác.
Lúc này, chị em nên chủ động đến thăm khám tại các địa chỉ y tế uy tín càng sớm càng tốt để bác sĩ kiểm tra lại tình trạng đặt vòng.
Dấu hiệu nhận biết vòng tránh thai bị lệch
Thông thường, nếu vòng tránh thai chỉ bị xô lệch nhẹ ra khỏi vị trí ban đầu thì bạn sẽ rất khó để phát hiện ra tình trạng này. Chỉ khi vòng bị xô lệch nhiều, cơ thể sẽ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như:
- Không sờ thấy sợi dây hoặc phần thân nhựa của vòng tránh thai khi tự kiểm tra tại nhà.
- Thường xuyên cảm thấy đau và khó chịu khi quan hệ tình dục.
- Chảy máu vùng kín bất thường dù chưa tới thời kỳ kinh nguyệt.
- Xuất hiện các cơn đau dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài ở phần bụng dưới.
- Cảm thấy đau và buốt khi đi vệ sinh.
- Khí hư ở vùng âm đạo tiết có màu sắc và mùi lạ.
Nguyên nhân gây lệch vòng tránh thai
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến vị trí của vòng tránh thai. Dưới đây là một số nguyên nhân làm tăng tỷ lệ bị lệch vòng tránh thai:
- Phụ nữ thường xuyên gặp phải các cơn đau và co thắt dạ con trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.
- Người có cấu tạo buồng tử cung nhỏ.
- Tử cung có xu hướng bị ngả ra phía sau sẽ cản trở vòng tránh thai ở yên một vị trí.
- Thực hiện thủ thuật đặt vòng tránh thai ở những địa chỉ, cơ sở y tế không đảm bảo uy tín.
- Nữ giới dưới 20 tuổi có nguy cơ bị lệch vòng tránh thai hơn người khác.
- Chị em đang trong thời gian cho con bú, nuôi con bằng sữa mẹ.
- Chị em đặt vòng tránh thai quá sớm, ngay sau khi sinh em bé.
Các bước kiểm tra nếu không sờ thấy dây vòng tránh thai
Nếu không sờ thấy vòng dây tránh thai, bạn có thể tự kiểm tra tình trạng của vòng tại nhà theo quy trình như sau:
- Bước 1: Vệ sinh tay sạch sẽ bằng nước và xà phòng trước khi thực hiện để tránh vi khuẩn xâm nhập vào bên trong âm đạo gây viêm nhiễm.
- Bước 2: Lựa chọn tư thế thoải mái bằng cách đứng khuỵu gối hoặc ngồi xổm để dễ dàng đưa tay vào bên trong.
- Bước 3: Đưa từ từ 1 ngón tay vào bên trong âm đạo cho đến khi cảm nhận được phần cổ tử cung.
- Bước 4: Sờ nhẹ nhàng xung quanh để tìm vị trí của sợi dây vòng tránh thai.
- Bước 5: Nếu sờ thấy dây, bạn cũng không nên kéo hay giật dây để tránh dây bị đứt hoặc làm tổn thương âm đạo dẫn đến chảy máu.
Khi phát hiện không sờ thấy dây vòng tránh thai, chị em cần đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để bác sĩ tư vấn các phương án giải quyết phù hợp. Tốt nhất, bạn không nên tự thay đổi vị trí của vòng tránh thai, tránh gây tổn thương tử cung cũng như làm cho tình trạng lệch trở nên nghiêm trọng hơn.
Xem thêm: Dây vòng tránh thai thò ra ngoài có sao không? Xử lý như thế nào?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.