Hypoallergenic trong mỹ phẩm là thuật ngữ chỉ các nhóm thành phần ít gây kích ứng cho da hơn những chất khác. Điều này làm cho những người có làn da khô hay nhạy cảm luôn tin rằng thành phần này sẽ nhẹ nhàng và an toàn với da hơn so với những sản phẩm không có hypoallergenic. Vậy hypoallergenic là gì?
Hypoallergenic là gì trong mỹ phẩm?
Các loại mỹ phẩm có nhãn hypoallergenic trên thị trường thường là ưu tiên của những người có làn da nhạy cảm hoặc dễ bị kích ứng. Theo các chuyên gia trong ngành mỹ phẩm thì hypoallergenic có nghĩa là sản phẩm đó chứa rất ít các chất gây dị ứng cho da.
Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng khoa học hoặc định nghĩa về thuật ngữ cho thành phần này. Vì vậy, dù “Hypoallergenic” được in trên nhãn dán hay bao bì thì vẫn chưa chắc là sản phẩm đó an toàn và bảo vệ làn da khỏi dị ứng, kích ứng 100%.
Theo FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) thì FDA và chính phủ vẫn chưa có định nghĩa và kiểm soát về việc sử dụng “Hypoallergenic” trong mỹ phẩm mà nó thuộc về nhu cầu tiếp thị trên thị trường mỹ phẩm. Vì thế các nhà sản xuất và thương hiệu mỹ phẩm có thể sử dụng thuật ngữ này để dán vào sản phẩm của họ. Vậy nó có an toàn cho da không? Cùng đọc tiếp để biết câu trả lời nhé!
Hypoallergenic trong mỹ phẩm có thật sự an toàn cho da?
Có một sự thật là mỹ phẩm gắn mác hypoallergenic sẽ không có nghĩa là sản phẩm đó an toàn và không có tác dụng phụ cho da. Được biết làn da của mỗi người có mức độ phản ứng và kích ứng riêng. Vì thế sẽ có một số người không bị ảnh hưởng bởi thành phần cụ thể nào đó trong mỹ phẩm nhưng một số khác sẽ cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy, dị ứng khi sử dụng. Thậm chí có trường hợp bị kích ứng rất nghiêm trọng với một số chất có trong mỹ phẩm.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều nguyên liệu và hóa chất có khả năng gây ra kích ứng cho da. Chính vì thế không thể đảm bảo rằng ai cũng có thể sử dụng các sản phẩm chăm sóc da mà không bị dị ứng với một số thành phần nào đó có trong các loại mỹ phẩm này.
Vì vậy, thay vì kiểm tra xem mỹ phẩm đó có dán nhãn “Hypoallergenic” hay không thì cách tốt nhất để bảo vệ da khỏi bị dị ứng là tìm hiểu xem da mình thường bị kích ứng, dị ứng với những thành phần nào trước khi lựa chọn, mua sắm mỹ phẩm. Hãy tập thói quen theo dõi các thành phần có trong sản phẩm chăm sóc da mà bạn đang sử dụng hàng ngày, để từ đó biết được da mình thường nhạy cảm trước những thành phần hay hoạt chất nào nhé.
Ngoài ra, nếu bạn đang có bất kỳ dấu hiệu nào về dị ứng khi sử dụng mỹ phẩm, nên liên hệ và đến các cơ sở y tế, phòng khám da liễu uy tín để được hỗ trợ và điều trị kịp thời, hạn chế để lâu khiến tình trạng da trầm trọng hơn.
Những thành phần thường hay gây dị ứng cho da
Những thành phần nào gây dị ứng còn tùy thuộc vào da của mỗi người, vì vậy rất khó để biết chất nào trong mỹ phẩm gây dị ứng da.
Tuy nhiên, bạn có thể chú ý đến các thành phần phổ biến trong công thức của một số loại mỹ phẩm trên thị trường hiện nay có nguy cơ tiềm ẩn gây kích ứng đó là mùi hương (bao gồm cả tinh dầu) và các chất bảo quản. Các thành phần này được phân vào loại dễ gây kích ứng cho da nhạy cảm
Theo the American Contact Dermatitis Society (ACDS) thì bạn nên lưu ý sản phẩm có chứa một số thành phần như: Parabens, fragrance mix, nickel, propylene glycol, balsam of Peru, cobalt,…
Mẹo kiểm tra thành phần có trong mỹ phẩm để hạn chế dị ứng
Để lựa chọn mỹ phẩm, bạn không nên chỉ xem sản phẩm có dán nhãn hypoallergenic hay không mà cần phải kiểm tra kỹ các thành phần khác. Dưới đây là một số mẹo kiểm tra thành phần trong mỹ phẩm mà bạn có thể tham khảo:
- Đầu tiên cần kiểm tra thành phần và hàm lượng các chất trên bao bì sản phẩm để xem có thành phần nào gây dị ứng với làm da của bạn mà bạn cần tránh hay không.
- Kiểm tra xem thành phần nào là hoạt chất (active ingredients) và thành phần nào không hoạt động (inactive ingredients). Vì những thành phần này cũng có thể gây ảnh hưởng đến da phần nào.
- Kiểm tra tên hóa học của các thành phần: Trên bao bì sản phẩm có thể sử dụng tên hóa học thay cho tên thường gọi của chúng. Ví dụ như “baking soda” sẽ được viết trên sản phẩm dưới dạng “bicarbonate” hoặc “natri bicarbonate”. Vì vậy bạn nên cẩn trọng và tra cứu các loại tên hóa học này nhé.
- Các thành phần thực vật: Một số thành phần từ thực vật có thể gây dị ứng được liệt kê dưới tên Latin như hoa cúc vạn thọ sẽ là “calendula officinalis”, lavenda sẽ được gọi là “lavandula angustifolia”. Nếu bạn bị dị ứng với các thành phần thực vật cụ thể nào, bạn nên làm quen với tên Latin của chúng để có thể nhận biết khi thấy trên bao bì sản phẩm.
Lưu ý, trước khi sử dụng mỹ phẩm lên da mặt, bạn nên bôi chúng lên da tay hoặc da xương hàm để kiểm tra. Để xem sau 24 – 48 giờ có gây ngứa ngáy hay phát ban hay không nhé.
Việc lựa chọn sản phẩm hypoallergenic trong mỹ phẩm vẫn chưa đủ điều kiện để đảm bảo rằng sản phẩm đó an toàn cho da của bạn. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn tìm ra được sản phẩm thích hợp với da của bạn nhé. Theo dõi Nhà thuốc Long Châu để biết thêm nhiều điều bổ ích khác nhé.
Xem thêm:
List 10 sữa rửa mặt cho da nhạy cảm cực kỳ dịu nhẹ
Da mặt bị khô nên dùng kem dưỡng ẩm nào phù hợp?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.