Thống kê chỉ ra, có rất nhiều trẻ nhỏ có các dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò cũng như dị ứng với sữa bò. Tuy nhiên, vấn đề này lại thường không được quan tâm đúng mức, nhất là những trường hợp trẻ bị dị ứng nhưng không thể hiện ngay. Chưa kể, những dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò muộn còn dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng rối loạn tiêu hóa thông thường, không dung nạp lactose, tiêu chảy do nhiễm khuẩn,… khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, hấp thu dưỡng chất kém, chậm/không tăng cân, thậm chí bị suy dinh dưỡng.
Dị ứng đạm sữa bò là gì?
Trước khi hướng dẫn mẹ cách chăm sóc trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, chúng ta cùng tìm hiểu hội chứng dị ứng đạm sữa bò là gì.
Khi hệ miễn dịch của cơ thể trẻ nhỏ phản ứng với thành phần đạm trong sữa bò và những sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò sẽ xảy ra phản ứng dị ứng. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ bị dị ứng với đạm sữa bò là cao nhất trong các loại dị ứng thức ăn trẻ thường gặp.
Phản ứng dị ứng với đạm sữa bò ở trẻ nhỏ thường xuất hiện từ vài phút đến vài giờ sau khi chúng tiêu thụ sữa hay những chế phẩm từ sữa. Đáng mừng là tình trạng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ nhỏ sẽ cải thiện và phần lớn đều sẽ chấm dứt trước lúc trẻ lên 3 tuổi.
Vì sao trẻ dị ứng đạm sữa bò?
Như đã nói ở trên, dị ứng đạm sữa bò là biểu hiện khi hệ thống miễn dịch của trẻ xác định nhầm một số protein trong sữa bò là những kẻ tấn công gây hại. Điều này kích hoạt việc tự động sản xuất kháng thể IgE – cơ chế bảo vệ của cơ thể, cố gắng vô hiệu hóa những mối đe dọa này. Hai loại protein có trong sữa bò sau đây là nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng phổ biến:
- Casein: Được tìm thấy trong phần sữa đông đặc.
- Whey: Có trong phần chất lỏng còn sót lại sau khi sữa đông lại.
Khi bị dị ứng đạm sữa bò, một loạt các triệu chứng dị ứng ở trẻ em xuất hiện bao gồm sổ mũi, ngứa mắt, khô họng, nổi mề đay, phát ban, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy và trong trường hợp nghiêm trọng thậm chí xảy ra sốc phản vệ.
Cách nhận biết trẻ dị ứng đạm sữa bò
Do các triệu chứng lâm sàng dị ứng với đạm sữa bò rất đa dạng nên việc nhận biết chính xác dị ứng này ở trẻ không dễ dàng. Có trường hợp xuất hiện các triệu chứng dị ứng nhanh ngay sau khi trẻ uống sữa (trong vòng 2 giờ) nhưng cũng có trường hợp phản ứng dị ứng chậm xảy ra muộn hơn (trên 48 giờ).
Dưới đây là một số biểu hiện khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò trong những tuần đầu tiên ngay khi tiếp xúc với đạm sữa bò:
- Viêm da cơ địa;
- Môi và mi mắt bị sưng (phù mạch);
- Da nổi mề đay, phát ban mà nguyên nhân không liên quan đến việc nhiễm trùng cấp, thuốc,…;
- Trẻ bị sổ mũi, khò khè, ho kéo dài;
- Bị trào ngược, nôn ói thường xuyên;
- Bị tiêu chảy/táo bón, chướng bụng. Nhiều trẻ đi tiêu phân lỏng, thậm chí có máu lẫn trong phân;
- Cơ thể trẻ bị thiếu máu, sắt;
- Người mệt mỏi kéo dài hay đau quặn >3 giờ/ngày, ít nhất 3 ngày/tuần kéo dài trên 3 tuần.
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị dị ứng đạm sữa bò
Trẻ nhỏ bị dị ứng với đạm sữa bò khiến cha mẹ vô cùng lo lắng, không biết cách chăm sóc trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thế nào phù hợp. Thống kê cũng cho thấy tỷ lệ trẻ có dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò là khá cao (khoảng 5 – 15%). Do đó, theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa, khi phát hiện trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, cha mẹ hãy cho trẻ chuyển sang giai đoạn ăn sữa thủy phân hoàn toàn. Tất nhiên, sẽ có trường hợp trẻ bị dị ứng với sữa thủy phân hoàn toàn (chiếm khoảng 10%), nên nếu bé yêu của bạn ở trong trường hợp này thì bạn cần chuyển sang cho trẻ dùng sữa dạng axit amin.
Thống kê cũng chỉ ra, tất cả những trẻ bị dị ứng đạm sữa bò cũng đều sẽ bị dị ứng với sữa của động vật khác. Tuy nhiên, nếu bé yêu của bạn có dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò thì mẹ bỉm vẫn có thể uống sữa bò, đồng thời bản thân trẻ vẫn có thể ăn thịt bò vì đạm trong thịt bò không giống với đạm trong sữa bò, sẽ không xảy ra phản ứng dị ứng.
Lưu ý là tình trạng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ không tồn tại suốt đời mà hầu hết trường hợp sẽ biến mất khi trẻ bước vào giai đoạn 2 – 3 tuổi, hoặc có thể chậm hơn là 5 – 6 tuổi. Thống kê cho thấy, có đến khoảng 90% trẻ 5 tuổi trở lên lúc nhỏ bị dị ứng sữa bò nhưng sau đó lại dung nạp được sữa bò.
Phòng tránh dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Cách hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa tình trạng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Trong sữa mẹ có đầy đủ những chất dinh dưỡng thiết yếu có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị dị ứng thức ăn.
Bên cạnh đó, trong sữa mẹ còn có các thành phần có khả năng giúp bảo vệ cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ trước những chất lạ, chẳng hạn như đạm có nguồn gốc từ thực phẩm. Trường hợp vì lý do nào đó mẹ bỉm không thể nuôi con bằng sữa mẹ, cũng như bản thân trẻ cũng thuộc nhóm có cơ địa dị ứng thì nên chọn dùng sữa công thức đạm thủy phân tích cực để giảm thiểu tối đa khả năng trẻ bị dị ứng.
Nếu phát hiện trẻ có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị thích hợp.
Nhìn chung, dị ứng đạm sữa bò ở trẻ nhỏ là tình trạng khá phổ biến. Trong cách chăm sóc trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, cha mẹ cần chú ý đến bất kỳ sự thay đổi hay rối loạn nào ở trẻ, chuyển loại sữa phù hợp. Khi thấy trẻ có dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò, hãy đưa bé đi khám, làm xét nghiệm cần thiết để bác sĩ chẩn đoán xác định tình trạng dị ứng và đưa ra giải pháp phù hợp.
Xem thêm:
- Cách chữa dị ứng khi ăn côn trùng tại nhà
- Dấu hiệu và cách chữa dị ứng khi ăn nhộng ong
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.