Rạch tầng sinh môn là thủ thuật trong sản khoa, được sử dụng trong một số trường hợp như âm hộ hẹp, tầng sinh môn ngắn, sức rặn của mẹ quá yếu, tim thai chậm, thai to,…. Thủ thuật này có tác dụng giúp rút ngắn thời gian sinh thường, em bé ra ngoài dễ dàng hơn, hạn chế các tình huống không may như em bé bị thiếu oxy lên não, ngạt thở, thậm chí tử vong trong hoặc sau khi sinh.
Sau khi hoàn thành quá trình sinh thường, bác sĩ Sản khoa sẽ khâu vết rạch lại bằng chỉ tự tiêu. Lúc này, việc chăm sóc vết khâu tầng sinh môn là vô cùng quan trọng. Bởi dù vết rạch tuy ngắn chỉ khoảng 2 – 4cm nhưng nằm ở phần thịt mềm, luôn ẩm ướt và khó lành. Nếu không được chăm sóc đúng cách, vết rạch tầng sinh môn bị mưng mủ sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, phù nề, sưng đau,… Nếu bạn cũng quan tâm tới cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn thì đứng bỏ qua bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.
Vết khâu tầng sinh môn bao lâu thì lành?
Trước khi tìm hiểu cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn, chúng ta tìm hiểu vết khâu tầng sinh môn bao lâu thì lành? Theo các chuyên gia Sản khoa, với những người mẹ sinh con lần đầu, thời gian vết khâu tầng sinh môn liền lại hoàn toàn và chỉ khâu tự tiêu sẽ tuỳ thuộc vào tốc độ phục hồi cơ thể của người mẹ, thông thường sẽ mất khoảng 4 – 6 tuần.
Nếu sau 6 tuần sau sinh, mẹ vẫn cảm thấy vết rạch tầng sinh môn bị nhức, hãy đến gặp các bác sĩ để kiểm tra lại vết khâu thật kỹ càng. Ngoài ra, trong buổi khám này, cũng bác sĩ cũng sẽ cho các chị em biết tình hình phục hồi của tầng sinh môn, khả năng quan hệ tình dục trở lại. Đồng thời, hướng dẫn cách kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng hậu sản có thể xảy ra.
Chăm sóc vết khâu tầng sinh môn như thế nào để mau lành, không nhiễm trùng?
Để vết khâu tầng sinh môn nhanh lành, không bị nhiễm trùng, quá trình chăm sóc tại nhà đóng vai trò then chốt. Dưới đây là cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn để vết khâu không đau, nhanh lành và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
Giữ vết khâu khô thoáng, sạch sẽ
Nguyên tắc đầu tiên trong chăm sóc vết khâu tầng sinh môn sau sinh thường là giữ khu vực bị rạch sạch sẽ và khô thoáng. Để có được điều này, mẹ nên tắm bằng nước ấm, đồng thời vệ sinh sạch sẽ vùng kín và vết khâu bằng nước ấm. Sau khi đã rửa xong, dùng khăn sạch thấm khô từ trước ra sau.
Ngoài ra, khi vệ sinh khu vực tầng sinh môn, các chị em cũng cần phải rửa tay trước và sau khi vệ sinh. Bởi trên tay chứa rất nhiều các vi khuẩn và có khả năng phát tán nhanh, dễ gây ra tình trạng viêm nhiễm tại khu vực tầng sinh môn. Bên cạnh đó, nếu các chị em cần sử dụng thuốc sát trùng để sát trùng vết khâu có thể hỏi ý kiến bác sĩ Sản khoa để được tư vấn loại thuốc phù hợp.
Giữ vết khâu tầng sinh môn thoáng khí
Bên cạnh vệ sinh cẩn thận, kỹ càng khu vực tầng sinh môn thì để vết khâu thoáng khí cũng như thúc đẩy quá trình phục hồi. Chị em có thể nằm trên giường, tháo đồ lót trong khoảng 10 phút, thực hiện từ 1 – 2 lần mỗi ngày.
Bên cạnh đó, các chị em sau sinh cũng cần lưu ý không nên mặc đồ lót quá chật, quá bí. Điều này có thể khiến vết khâu không được thoáng khí, ít được tiếp xúc với không khí bên ngoài, làm cho vết thương lâu lành hơn và tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Kiêng quan hệ tình dục tối thiểu 6 tuần sau sinh
Theo các chuyên gia Sản khoa, thời gian để vết khâu tầng sinh môn lành lại mất ít nhất 6 tuần. Trước thời điểm này, các chị em cần đặc biệt lưu ý không quan hệ tình dục để tránh ảnh hưởng tới vết khâu và gây ra đau đớn. Các chị em nên đợi tới lúc vết thương lành hẳn để “cuộc yêu” được trọn vẹn.
Sử dụng thuốc nhuận tràng
Táo bón sau sinh là tình trạng xuất hiện ở nhiều chị em. Điều này khiến các chị em phải dùng sức để rặn khi đi vệ sinh, gây ra đau đớn và ảnh hưởng tới vết khâu tầng sinh môn. Để giảm thiểu tình trạng này, các mẹ cần uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày, đồng thời bổ sung thêm chất xơ vào các bữa ăn hằng ngày.
Song song với đó, các mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng thuốc nhuận tràng giúp làm mềm phân để dễ dàng đi vệ sinh hơn và không ảnh hưởng tới vết khâu vùng tầng sinh môn.
Bên cạnh những nguyên tắc chăm sóc vết khâu tầng sinh môn ở trên, các mẹ thường cũng có thể chườm lạnh lên vết khâu tầng sinh môn trong 48 – 72 giờ đầu sau sinh. Nếu đã thực hiện những điều ở trên mà vết khâu vẫn đau nhức, các chị em có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc giảm đau phù hợp và an toàn khi nuôi con bằng sữa mẹ.
Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ sau sinh cần lưu ý những gì?
Chế độ dinh dưỡng sau sinh cũng đóng vai trò quan trọng cho quá trình phục hồi cơ thể của phụ nữ sau sinh, cũng như góp phần giúp vết khâu tầng sinh môn chóng lành. Các chuyên gia Sản khoa cho biết, phụ nữ sau sinh cần áp dụng chế độ ăn uống hằng ngày có đầy các nhóm chất dinh dưỡng như vitamin, chất xơ từ rau của quả và trái cây tươi; chất đạm, protein từ thịt, trứng, sữa và các sản phẩm làm từ sữa,…; tinh bột nguyên cám từ gạo, bột mì, ngũ cốc,…
Đặc biệt, phụ nữ sau sinh cần bổ sung các thực phẩm giàu sắt, acid folic, vitamin B12. Bởi những nhóm chất này có tác dụng thúc đẩy việc hình thành và sản sinh các tế bào hồng cầu cũng như các mô mỡ trong cơ thể. Qua đó giúp các vết thương trong cơ thể nhanh lành.
Các bác sĩ Sản khoa cũng khuyến cáo phụ nữ sau sinh cần hạn chế thực phẩm chiên, rán, nướng, các món cay nóng, đồ ăn cứng, khó tiêu. Đặc biệt, đồ ngọt, nhiều đường, thực phẩm lên men là đại kỵ đối với chị em sinh thường phải rạch tầng sinh môn.
Nhìn chung, chăm sóc vết khâu tầng sinh môn không quá phức tạp. Nhà thuốc Long Châu mong rằng những thông tin được chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp ích được cho các chị em sau sinh đang trong quá trình phục hồi.
Xem thêm:
- Bị đứt chỉ khâu tầng sinh môn có sao không?
- Phải làm gì khi vết khâu tầng sinh môn bị hở?
- Vết khâu tầng sinh môn lòi chỉ thì phải làm sao?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.