Trong quá trình
chăm sóc trẻ sơ sinh, bệnh tật có thể dẫn đến sự cạn kiệt các chất dinh dưỡng quan trọng, ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của trẻ. Trẻ em có bệnh lý hoặc những trẻ có chế độ dinh dưỡng kém như suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm lớn, bệnh truyền nhiễm, ho, tiêu chảy và béo phì đều cần bổ sung vitamin để tăng cường quá trình trao đổi chất và sức khỏe tổng thể.
Ý nghĩa của vitamin
Khi trẻ nhỏ vừa ốm dậy, các cơ quan trong cơ thể vẫn còn hoạt động kém, yếu nên trẻ thường sẽ có cảm giác mỏi mệt, uể oải dẫn đến tình trạng chán ăn. Lúc này, cha mẹ đừng nôn nóng mà hãy chiều theo bé yêu, để bé nhanh có lại cảm giác thèm ăn, từ đó mới có thể nhanh chóng hồi phục hơn. Tuy nhiên, để không gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày của trẻ, mẹ nên ưu tiên cho trẻ bổ sung những thực phẩm lành mạnh, chẳng hạn như bổ sung nước, đạm, vitamin và khoáng chất, men vi sinh,…
Trong số các dưỡng chất thiết yếu cần thiết cho bé vừa ốm dậy kể trên, vitamin là dưỡng chất nhất định mẹ không được bỏ qua hay xem nhẹ. Vitamin là nhóm các hợp chất hữu cơ mà tế bào người và động vật không thể tự tổng hợp được, ngoại trừ vitamin D. Những chất dinh dưỡng thiết yếu này có trong tất cả các loại thực phẩm và hàm lượng cũng như cấu trúc của chúng thay đổi tùy theo nguồn thực phẩm.
Không giống như protein, lipid và glucose, vitamin rất quan trọng cho các phản ứng trao đổi chất hỗ trợ sự phát triển bình thường và sức khỏe tổng thể của cơ thể. Thiếu hụt vitamin có thể dẫn đến nhiều bệnh khác nhau, đặc biệt là ở trẻ em.
Vitamin được phân thành hai nhóm chính dựa trên độ hòa tan của chúng:
Vitamin tan trong chất béo:
- Vitamin A;
- Vitamin D;
- Vitamin E;
- Vitamin K.
Vitamin tan trong nước:
- Vitamin nhóm B (như B1, B2, B3, B6, B12);
- Vitamin C.
Nhu cầu về vitamin thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như giới tính, độ tuổi và giai đoạn phát triển. Sự thiếu hụt vitamin có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và thường liên quan đến việc thiếu nhiều loại vitamin cùng một lúc. Vì vậy, điều cần thiết là xác định nguyên nhân cơ bản và kết hợp các loại vitamin khác nhau trong quá trình điều trị.
Trẻ sau ốm cần bổ sung vitamin gì?
Vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ sau khi bị bệnh. Việc đảm bảo cung cấp đủ vitamin có thể hỗ trợ đáng kể cho quá trình phục hồi và sức khỏe tổng thể.
Dưới đây là những loại vitamin cha mẹ cần biết để bổ sung vitamin cho trẻ sau ốm giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh chóng:
Vitamin A
Vitamin A rất quan trọng đối với sức khỏe của mắt và tăng cường thị lực cũng như hệ miễn dịch của cơ thể. Nó còn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách hỗ trợ sự phát triển của bạch cầu, giảm nguy cơ tử vong do nhiễm trùng.
Vitamin B6
Được biết đến với tên gọi pyridoxine, vitamin B6 rất cần thiết cho sự phát triển trí não, chuyển hóa protein và chất béo, tuần hoàn máu và tăng cường sức đề kháng.
Vitamin C
Vitamin C là dưỡng chất mạnh mẽ cần thiết để phục hồi khi cơ thể suy yếu. Bổ sung vitamin C sau khi bị bệnh giúp bé phục hồi nhanh chóng và ngăn ngừa tái phát. Loại vitamin này cũng ngăn ngừa quá trình oxy hóa và hỗ trợ hấp thu các chất dinh dưỡng khác.
Vitamin D
Vitamin D rất quan trọng cho sự phát triển của xương và ngăn ngừa bệnh còi xương. Đồng thời, vitamin D cũng kích thích hệ thống miễn dịch, giúp ngăn ngừa nhiễm virus.
Vitamin E
Tương tự như vitamin C, vitamin E có đặc tính chống oxy hóa. Nó hỗ trợ các phản ứng sinh hóa khác nhau trong cơ thể, tăng cường sức khỏe của mắt và tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại các mối đe dọa bên ngoài.
Bổ sung vitamin cho trẻ sau ốm, đảm bảo trẻ nhận được những vitamin thiết yếu kể trên sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình phục hồi cũng như hỗ trợ sức khỏe và sự phát triển tổng thể của trẻ.
Cách bổ sung vitamin cho trẻ sau ốm hiệu quả
Sau khi bị bệnh, điều quan trọng là phải giúp bé phục hồi bằng cách đảm bảo bé nhận được các vitamin cần thiết. Tùy theo thói quen ăn uống của trẻ, bạn có thể xây dựng chế độ ăn bao gồm các thực phẩm giàu vitamin thiết yếu để thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.
Dưới đây là hướng dẫn cách bổ ung vitamin cho trẻ sau ốm hiệu quả bạn có thể tham khảo:
Ăn thực phẩm giàu vitamin
Một trong những cách đơn giản và thuận tiện nhất để bổ sung vitamin cho trẻ sau ốm là thông qua chế độ ăn uống. Kết hợp các loại thực phẩm giàu vitamin sau vào bữa ăn của trẻ:
- Vitamin A: Gan bò, cà rốt, khoai lang, rau lá xanh, bí, đu đủ.
- Vitamin B6: Cá ngừ, ngũ cốc, men dinh dưỡng, bơ, đậu.
- Vitamin C: Cam, kiwi, súp lơ, dưa, ổi.
- Vitamin D: Cá, sò, đậu phụ, trứng, nấm.
- Vitamin E: Hạnh nhân, đậu phộng, rau bina, bí ngô, bông cải xanh.
Sau khi bị bệnh, cơ thể bé có thể vẫn mệt mỏi và hệ tiêu hóa có thể không hoạt động bình thường. Điều quan trọng là chia bữa ăn thành nhiều phần nhỏ và ưu tiên những thực phẩm mềm, dễ nhai. Ngoài ra, hạn chế trẻ ăn đồ béo để tránh tình trạng khó tiêu.
Bổ sung vitamin hàng ngày
Để hỗ trợ bé phục hồi nhanh chóng, bạn cũng có thể cho bé uống thêm vitamin, mặc dù cách này không phù hợp với tất cả bé. Bổ sung vitamin đặc biệt có lợi cho trẻ biếng ăn. Nếu bé có thể ăn được những thực phẩm giàu vitamin thì tốt nhất nên để bé hấp thụ những dưỡng chất này một cách tự nhiên.
Các loại vitamin có thể bổ sung hàng ngày bao gồm vitamin C và D. Tuy nhiên, liều lượng tùy thuộc vào độ tuổi của bé. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, bổ sung 40 – 50mg vitamin C và 400 IU vitamin D mỗi ngày. Đối với trẻ trên 1 tuổi, lượng khuyến nghị hàng ngày là 15 – 65mg vitamin C và 600 IU vitamin D.
Tập thể dục ngoài trời và tắm nắng
Khi con bạn cảm thấy khỏe hơn, hãy đưa trẻ đến công viên để đi dạo và tham gia các hoạt động ngoài trời. Điều này không chỉ khiến chúng cảm thấy thoải mái hơn mà còn kích thích hệ thống miễn dịch. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tổng hợp nhiều vitamin D hơn, vốn khó hấp thụ chỉ qua thức ăn. Vì vậy, đừng bỏ qua tầm quan trọng của ánh nắng trong quá trình phục hồi của bé.
Tóm lại, bổ sung vitamin cho trẻ sau ốm là rất quan trọng để trẻ nhanh chóng phục hồi. Không chỉ dừng lại đó, trong quá trình phát triển của bé, cha mẹ cũng cần theo dõi và đảm bảo cung cấp cho trẻ nguồn thực phẩm lành mạnh, khoa học, giúp trẻ được cung cấp đầy đủ vitamin và dưỡng chất thiết yếu mỗi ngày.
Xem thêm: Trẻ lười bú: Nguyên nhân và cách khắc phục
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.