Mắm tôm vốn là một loại gia vị quen thuộc với người Việt. Là một loại gia vị sống, mắm tôm thường được sử dụng để nêm nếm vào các món ăn giúp tăng hương vị của món ăn. Mắm tôm cũng có thể được sử dụng trực tiếp mà không cần nấu chín để làm gia vị chấm cho bữa ăn. Mắm tôm có một giá dinh dưỡng nhất định. Người bình thường ăn mắm tôm rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, mẹ sau sinh thì lại khác. Vậy mẹ sau khi sinh ăn mắm tôm được không? Tất cả sẽ được đề cập trong bài viết dưới đây.
Ăn mắm tôm có tốt không?
Mắm tôm được chế biến từ tôm tươi và ủ với muối bằng công thức đặc biệt. Vì vậy, mắm tôm có thể cung cấp một lượng dinh dưỡng nhất định cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra 100g mắm tôm cung cấp khoảng 73 Kcal với 14.8g đạm, 83.5g nước, 1.5g chất béo.
Bên cạnh đó, vì có nguồn gốc từ thủy sản nên mắm tôm có chứa rất nhiều protein, canxi, sắt và vitamin A. Đặc biệt trong mắm tôm có chứa một chất gọi là Astaxanthin có tác dụng chống oxy hóa rất tốt cho cơ thể. Như vậy có thể thấy mắm tôm cũng là một loại gia vị giàu dinh dưỡng.
Ăn mắm tôm có tốt không? Câu trả lời là có. Mắm tôm có chứa rất nhiều protein và vitamin B. Vitamin B có tác động rất tích cực đến hệ thống thần kinh và mạch máu, trẻ ăn được mắm tôm có thể có IQ cao hơn so với những trẻ không sử dụng. Bên cạnh đó, mắm tôm được chứng minh là có chứa một lượng lớn DHA, là một loại acid béo quan trọng đối với quá trình phát triển trí thông minh, võng mạc và hệ thần kinh ở trẻ. DHA có vai trò hoàn thiện trí não thai nhi và cả trẻ sơ sinh.
Ở người lớn, DHA làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, chống đột quỵ, các bệnh xương khớp và kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, ở người cao tuổi có triệu chứng mất trí nhớ, DHA còn có tác dụng tăng cường trí nhớ và sự minh mẫn ở những người già. Cơ thể người bình thường không thể tự tổng hợp được DHA mà phải lấy từ nguồn thực phẩm, đặc biệt là từ mắm cá hoặc mắm tôm sống. Như vậy, sử dụng mắm tôm mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và trí nhớ.
Phụ nữ sau khi sinh ăn mắm tôm được không?
Mặc dù mắm tôm có giá trị dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích khi ăn nhưng sau khi sinh ăn mắm tôm được không? Các bác sĩ sản khoa vẫn khuyến cáo mẹ không nên ăn mắm tôm trong thời kỳ cho con bú vì một số nguyên nhân sau:
- Mắm tôm có chứa nhiều vi khuẩn: Dù tôm được phơi nắng để vô khuẩn một cách tự nhiên nhưng mắm tôm vẫn là mắm sống, sẽ có rất nhiều vi khuẩn, cả vi khuẩn có lợi và có hại. Mẹ bỉm không nên ăn vì sau sinh cơ thể mẹ còn yếu, không thể chống đỡ với vi khuẩn nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
- Mắm tôm chưa chín không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.
- Khó xác định được mức độ an toàn của mắm tôm: Do được chế biến với phương pháp thủ công, từ nguyên liệu tươi sống nên nguồn nguyên liệu làm mắm tôm phải được kiểm soát cẩn thận. Mua mắm tôm trôi nổi trên thị trường không xác định được nguồn gốc của nguyên liệu đầu vào, dễ gây hại cho mẹ và bé.
- Đặc biệt, trong giai đoạn này, cơ thể mẹ còn tạo sữa để nuôi em bé. Nên mẹ ăn gì thì chất đó sẽ vào sữa cho con bú. Mắm tôm là loại thực phẩm có mùi rất nồng và khó ngửi đối với những người không quen. Mẹ ăn mắm tôm sẽ làm cho sữa có mùi lạ và bé sẽ không chịu bú, ảnh hưởng tới sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Mẹ sau sinh nên ăn uống như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng?
Sau khi sinh, điều quan trọng nhất đối với mẹ là vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ và phục hồi sức khỏe sau cuộc vượt cạn. Để việc tạo sữa được nhanh chóng và thuận lợi, trong thực đơn của mẹ sau sinh sẽ có một số thực phẩm nên sử dụng và không nên sử dụng.
Những thực phẩm mẹ sau sinh nên sử dụng
Một số thực phẩm vừa tốt cho sức khỏe, vừa lợi sữa mà mẹ nên sử dụng, đó là:
- Sản phẩm có nguồn gốc từ sữa: Các sản phẩm này là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào cho hệ xương của mẹ và bé phát triển tốt hơn. Trong sữa chua còn có một lượng đạm, vitamin B cũng như canxi rất tốt cho sự tăng trưởng của trẻ. Những món ăn từ sữa có thể kể đến như sữa chua, phô mai,…
- Thịt bò: Là loại thực phẩm cung cấp một lượng lớn sắt, đạm, vitamin B12 cho cơ thể mẹ, giúp mẹ ngăn ngừa thiếu máu sau sinh đồng thời cung cấp năng lượng cho mẹ.
- Cá hồi: Cung cấp một lượng DHA cần thiết để cơ thể bé phát triển hệ thần kinh. Ngoài ra cá hồi con cung cấp cho cơ thể mẹ một lượng chất béo tốt.
- Các loại rau xanh và trái cây: Bổ sung cho cơ thể mẹ và bé một lượng lớn vitamin và chất khoáng, giúp cơ thể ngăn ngừa oxy hóa hiệu quả. Đồng thời rau quả là loại thực phẩm có ít calo nên có thể hỗ trợ mẹ trong quá trình tìm lại vóc dáng sau sinh.
- Sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt: Cung cấp cho cơ thể mẹ một lượng lớn carbohydrate làm nguyên liệu cho quá trình tạo sữa, không chỉ vậy còn giúp cho sữa của mẹ có mùi thơm hơn.
- Các món ăn theo kinh nghiệm của ông bà từ xưa đến nay giúp tốt sữa như móng giò, gà ác tiềm, đu đủ,… Bên cạnh đó mẹ cũng phải uống đủ lượng nước mỗi ngày.
Những thực phẩm mẹ sau sinh nên tránh
Bên cạnh những thực phẩm tốt cho mẹ và bé có thể đưa vào thực đơn hàng ngày của mẹ sau sinh thì có những thực phẩm mẹ nên tránh trong giai đoạn cho con bú để tránh gây tác động xấu tới quá trình phát triển của bé:
- Đồ uống có cồn: Rượu bia là các loại thức uống có cồn tuyệt đối không được sử dụng trong thời kỳ cho con bú bởi những ảnh hưởng của chúng sẽ khiến mẹ không được tỉnh táo, mệt mỏi thậm chí tăng cân không kiểm soát. Đặc biệt, khi mẹ sử dụng rượu bia thì lượng sữa sẽ bị giảm đáng kể, không đủ sữa cho con bú.
- Đồ uống có caffein: Dù đây là nguồn năng lượng giúp mẹ tỉnh táo trong ngày để làm việc nhưng caffein có thể vào trong sữa gây ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh và sự phát triển của trẻ.
- Các loại thức ăn nặng mùi như tỏi, mắm tôm: Mặc dù những thực phẩm này rất tốt cho sức khỏe, nhưng sẽ làm cho sữa có mùi lạ khiến trẻ bỏ bú.
- Các loại đồ uống lạnh: Có tác động xấu đến răng miệng và hệ tiêu hóa của mẹ. Làm quá trình phục hồi sau sinh của mẹ kéo dài hơn.
- Các loại cá có chứa nhiều thủy ngân như cá thu, cá kiếm: Sẽ ảnh hưởng đến não bộ của trẻ.
- Các loại thuốc hỗ trợ giảm cân: Mặc dù những loại thuốc này có thể giúp mẹ lấy lại vóc dáng nhanh chóng nhưng chúng có thể làm giảm chất lượng và số lượng sữa của mẹ, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con.
Như vậy, bài viết trên đây đã giải đáp thắc mắc “sau khi sinh có ăn mắm tôm được không” của các chị em phụ nữ. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Hãy chú ý theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm các kiến thức y học thường thức nhé.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: hellobacsi.com
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.