Sử dụng sữa rửa mặt là bước không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da hàng ngày, nhất là với da mụn. Dùng sữa rửa mặt đúng cách sẽ góp phần kiểm soát mụn, hỗ trợ điều trị mụn. Ngược lại, dùng sữa rửa mặt sai sẽ khiến tình trạng mụn ngày một nghiêm trọng. Điều mà nhiều người muốn biết là dùng sữa rửa mặt bao lâu thì hết mụn? Cách dùng sữa rửa mặt hỗ trợ trị mụn như thế nào?
Sữa rửa mặt và công dụng trong trị mụn
Sữa rửa mặt là sản phẩm có công dụng làm sạch da hiệu quả. Các thành phần làm sạch có trong mỗi loại sữa rửa mặt có thể khác nhau về chủng loại hay tỷ lệ nhưng đều có chung các tác dụng như: Loại bỏ phần nào các tế bào da chết trên bề mặt ngoài cùng của da, làm sạch bụi bẩn, chất dầu nhờn, vi khuẩn tích tụ trên da, giúp lỗ chân lông trên da mặt thông thoáng.
Sữa rửa mặt có thể làm sạch các chất dầu thừa hay một phần cặn trang điểm mà cách rửa mặt bằng nước hay bằng khăn lau thông thường không thể loại bỏ được. Một số loại sữa rửa mặt còn được bổ sung các thành phần dưỡng chất có lợi cho da như độ ẩm, chất làm trắng da, chất giúp kiểm soát dầu nhờn… Như vậy, với bất kỳ làn da nào, nhất là da mụn, sữa rửa mặt giúp loại bỏ các tác nhân có thể làm bít tắc lỗ chân lông và gây mụn.
Ngoài ra, khi da mặt được làm sạch, các bước trị mụn được áp dụng sau đó cũng phát huy hiệu quả cao hơn. Nếu da không được làm sạch hiệu quả, khi bạn sử dụng serum hay kem dưỡng trị mụn, các thành phần trong sản phẩm sẽ không thể thẩm thấu sâu vào trong da để phát huy tác dụng. Thậm chí, chúng còn khiến bề mặt da thêm bí bách, lỗ chân lông thêm bít tắc khiến tình trạng mụn thêm nghiêm trọng.
Dùng sữa rửa mặt bao lâu thì hết mụn?
Dùng sữa rửa mặt bao lâu thì hết mụn là thắc mắc của nhiều người khi biết sữa rửa mặt có thể góp phần vào hiệu quả trị mụn. Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả trị mụn gồm:
- Bạn có chọn đúng sữa rửa mặt cho da mụn hay không?
- Bạn có chăm sóc da đúng cách sau khi dùng sữa rửa mặt hay không?
- Bạn có đang dùng các sản phẩm đặc trị mụn hay áp dụng các phương pháp trị mụn nào khác hay không?
- Bạn có duy trì một chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt lành mạnh tốt cho da mụn hay không?
Có một thực tế là chỉ dùng sữa rửa mặt sẽ không thể giúp hết mụn. Thậm chí, nếu lạm dụng sữa rửa mặt, da có thể khô hơn, mỏng hơn, yếu hơn và bị mụn càng nặng hơn. Vì vậy, không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi dùng sữa rửa mặt bao lâu thì hết mụn. Tuy nhiên, chắc chắn một điều, nếu bạn dùng sữa rửa mặt đúng loại, đúng cách kết hợp với các phương pháp chăm sóc da và trị mụn khoa học, thời gian trị mụn sẽ rút ngắn lại.
Ngoài ra, hiệu quả của sữa rửa mặt trong việc trị mụn cũng phụ thuộc vào đặc điểm của từng loại da và thành phần có trong sữa rửa mặt. Ví dụ các sản phẩm chứa thành phần Benzoyl peroxide và Axit salicylic với đặc tính kháng khuẩn, ngừa viêm tốt cho da bị mụn trứng cá viêm.
Các sản phẩm chứa Vitamin C và Niacinamide phù hợp với da đã hình thành vết thâm do mụn. Sữa rửa mặt chứa thành phần 2K Glycyrrhizinate thích hợp với da dễ nổi mụn, da nhạy cảm.
Cách chọn sữa rửa mặt hỗ trợ điều trị mụn
Da mụn là loại da đã có tổn thương nên khá nhạy cảm. Dùng sữa rửa mặt không phù hợp có thể gây khô da, làm da kích ứng, nổi nhiều mụn hơn. Vì vậy, chọn đúng sữa rửa mặt trị mụn cho da dầu không chỉ đảm bảo an toàn cho da mà còn hỗ trợ việc điều trị mụn thuận lợi. Bạn nên chọn các sản phẩm chứa những hoạt chất cần thiết cho quá trình trị mụn dưới đây:
- Glycyrrhizinate 2K với khả năng trị mụn tương tự như một số loại kháng sinh phổ biến. Thành phần này còn có tác dụng kiểm soát tiết dầu nhờn, ngừa viêm, kháng khuẩn, giảm nguy cơ hình thành mụn trứng cá mới. Đặc biệt, Glycyrrhizinate 2K cũng giảm kích ứng, viêm đỏ trong trường hợp bị mụn trứng cá viêm. Nó cũng có tác dụng ức chế hình thành hắc sắc tố melanin nên có thể hạn chế hình thành vết thâm sau trị mụn.
- Benzoyl peroxide với khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trên da.
- Axit salicylic có tác dụng loại bỏ tế bào da chết, làm thông thoáng lỗ chân lông.
- Axit alpha hydroxy giúp giảm viêm và tình trạng mẩn đỏ thường gặp ở da mụn.
- Adapalene có tác dụng tương tự Retinol hay Tretinoin trong điều trị mụn nhưng dịu nhẹ và an toàn hơn. Thành phần này có tác dụng giảm viêm, hạn chế hình thành mụn mới và kích thích quá trình tái tạo da, làm lành tổn thương da do mụn.
- Vitamin C có tác dụng giảm viêm, giảm thâm do mụn, tăng đề kháng cho da giúp việc điều trị mụn thuận lợi hơn.
Dùng sữa rửa mặt trị mụn đúng cách thế nào?
Hướng dẫn sử dụng sữa rửa mặt trị mụn đúng cách bao gồm một số vấn đề sau:
Sử dụng sữa rửa mặt bao nhiêu lần một ngày? Theo các chuyên gia, bạn chỉ nên dùng sữa rửa mặt tối đa 2 lần mỗi ngày. Nếu dùng quá nhiều lần, lớp dầu nhờn tự nhiên trên da sẽ bị phá hủy khiến da trở lên nhạy cảm hơn. Ngoài ra, dùng sữa rửa mặt nhiều lần khiến da bị khô hơn, từ đó tăng tiết dầu nhờn hơn khiến tình trạng mụn càng thêm nghiêm trọng.
Sau khi dùng sữa rửa mặt nên làm gì? Bạn nên dùng ngay toner/nước hoa hồng để cân bằng độ pH cũng như độ ẩm trên da. Nếu không thực hiện bước này, da sẽ rất dễ bị khô, căng rát, khó chịu.
Khi đang bị mụn bạn không nên chọn các sản phẩm có chứa các hạt massage. Các hạt này khi cọ xát với đầu mụn có thể khiến chúng bị tổn thương, làm lây lan vi khuẩn gây mụn sang các vùng da khác.
Sau khi dùng sữa rửa mặt và cân bằng da bằng toner xong, để trị mụn, bạn cần dùng thêm các sản phẩm đặc trị mụn như: Serum trị mụn, kem dưỡng da trị mụn… Nếu chỉ dùng riêng sữa rửa mặt, mụn sẽ không thể tự biến mất.
Ngoài ra, các biện pháp trị mụn công nghệ cao như: Trị mụn bằng laser, trị mụn bằng ánh sáng xanh, peel da trị mụn… cũng giúp việc trị mụn nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Vậy
dùng sữa rửa mặt bao lâu thì hết mụn? Thông thường, một liệu trình trị mụn bao gồm cả bước rửa mặt bằng sữa rửa mặt trị mụn có thể phát huy tác dụng sau khoảng 4 – 6 tuần điều trị. Vì vậy, nếu muốn sớm chữa mụn dứt điểm, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn phương pháp trị mụn phù hợp nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.