Việc đáp ứng nhu cầu vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể luôn được khuyến nghị thông qua chế độ ăn tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy chế độ ăn không đủ dinh dưỡng nên đã sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung. Nhưng không phải ai cũng biết việc này cần được thực hiện một cách cẩn trọng bởi dùng quá liều vitamin có thể dẫn đến ngộ độc và nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác.
Vitamin là gì?
Vitamin là các hợp chất hữu cơ rất cần thiết cho sự trao đổi chất và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe. Cơ thể con người không thể tự sản sinh đủ lượng vitamin cần thiết, do đó chúng ta cần bổ sung những dưỡng chất này qua chế độ ăn hàng ngày. Vitamin tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng, tổng hợp, sử dụng, chuyển hóa các chất dinh dưỡng và giữ nhiều vai trò khác nhau trong cơ thể.
Hiện nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu và xác định hơn 30 loại vitamin, mỗi loại có vai trò khác nhau đối với sức khỏe. Vitamin được chia thành 2 nhóm chính:
Vitamin tan trong nước
Nhóm vitamin này dễ dàng được đào thải ra khỏi cơ thể và khó tích trữ lại trong các mô. Có nhiều loại vitamin tan trong nước hơn so với những loại tan trong chất béo. Nhóm các vitamin tan trong nước bao gồm:
- Vitamin C;
- Vitamin B1 (thiamine);
- Vitamin B2 (riboflavin);
- Vitamin B3 (niacin);
- Vitamin B5 (axit pantothenic);
- Vitamin B6 (pyridoxine);
- Vitamin B7 (biotin);
- Vitamin B9 (folate);
- Vitamin B12 (cobalamin).
Do khó lưu trữ trong cơ thể mà được bài tiết qua nước tiểu nên các vitamin tan trong nước ít có khả năng gây ra vấn đề ngay cả khi dùng liều cao. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp dùng quá liều vitamin tan trong nước gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm.
Vitamin tan trong chất béo
Vitamin tan trong chất béo bao gồm các vitamin nhóm A, D, E và K. Không giống như các vitamin tan trong nước, các vitamin thuộc nhóm này không tan trong nước và dễ dàng được lưu trữ trong các mô cơ thể. Các loại vitamin tan trong chất béo gồm có:
- Vitamin A;
- Vitamin D;
- Vitamin E;
- Vitamin K.
Vì dễ bị tích lũy trong cơ thể nên các vitamin tan trong chất béo có khả năng gây độc cao hơn so với vitamin tan trong nước. Mặc dù hiếm gặp, việc dùng quá liều vitamin A, D hoặc E có thể dẫn đến các tác dụng phụ có hại.
Nguy cơ gây hại tiềm ẩn của việc dùng quá liều vitamin
Khi cơ thể tiếp nhận vitamin từ thực phẩm tự nhiên, những chất dinh dưỡng này ít có khả năng gây hại, ngay cả khi được tiêu thụ với số lượng lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng các chế phẩm bổ sung vitamin với liều cao có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe.
Tác dụng phụ khi tiêu thụ quá nhiều vitamin tan trong nước
Trong vài trường hợp, việc dùng quá liều vitamin tan trong nước có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Bên cạnh đó cũng có một số vitamin tan trong nước không có độc tính quan sát được nên không có giới hạn tiêu thụ tối đa chấp nhận được. Những loại này bao gồm vitamin B1 (thiamin), B2 (riboflavin), B5 (axit pantothenic), B7 (biotin) và B12 (cobalamin). Tuy nhiên bạn vẫn cần thận trọng khi sử dụng vì chúng có thể tương tác với thuốc và ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu.
Các vitamin tan trong nước sau đây có giới hạn tiêu thụ tối đa chấp nhận được, vì có thể gây ra tác dụng phụ bất lợi khi dùng với liều cao:
- Vitamin C: Dùng quá liều vitamin C có thể gây rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như: Tiêu chảy, chuột rút, buồn nôn, và nôn. Bên cạnh đó, chứng đau nửa đầu có thể xuất hiện khi dùng với liều 6g mỗi ngày.
- Vitamin B3 (niacin): Dưới dạng axit nicotinic, liều cao niacin có thể gây đau bụng, huyết áp cao, suy giảm thị lực và tổn thương gan khi tiêu thụ từ 1- 3g mỗi ngày.
- Vitamin B6 (pyridoxine): Tiêu thụ liều cao vitamin B trong thời gian dài có thể gây tổn thương da, ảnh hưởng thần kinh, nhạy cảm với ánh sáng, buồn nôn và ợ nóng.
- Vitamin B9 (folate): Uống quá nhiều folate có thể ảnh hưởng đến tinh thần, hệ thống miễn dịch và che giấu sự thiếu hụt vitamin B12 nghiêm trọng.
- Vitamin B12: Hấp thụ quá nhiều vitamin B12 có sao không? Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng quá liều vitamin B12 gồm: Tê ở cánh tay, bàn tay và mặt, cũng như tổn thương dây thần kinh thị giác và tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Cần lưu ý rằng trên đây là các tác dụng phụ mà người khỏe mạnh bình thường có thể gặp phải khi dùng liều cao các vitamin này. Đối với những người mắc bệnh lý, việc uống quá nhiều vitamin có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng hơn. Ví dụ, dù vitamin C không gây độc tính ở người khỏe mạnh nhưng lại có thể dẫn đến tổn thương mô và gây tử vong cho những người mắc bệnh hemochromatosis, đây là một rối loạn liên quan đến việc lưu trữ sắt.
Tác dụng phụ do dùng quá liều vitamin tan trong chất béo
Như đã nói, các vitamin tan trong chất béo dễ dàng tích tụ trong các mô cơ thể nên chúng có thể gây hại nhiều hơn khi dùng ở liều cao, nhất là trong thời gian dài. Ngoại trừ vitamin K có khả năng gây độc tính thấp, ba loại vitamin tan trong chất béo còn lại có giới hạn tiêu thụ tối đa chấp nhận được. Cụ thể:
- Vitamin A: Dùng quá liều có thể dẫn đến ngộ độc vitamin A với các triệu chứng như: Buồn nôn, tăng áp lực nội sọ, hôn mê, thậm chí tử vong.
- Vitamin D: Độc tính từ việc bổ sung liều cao vitamin D có thể gây giảm cân, mất cảm giác thèm ăn, nhịp tim không đều và tăng mức canxi trong máu kéo theo tổn thương nội tạng.
- Vitamin E: Bổ sung vitamin E liều cao có thể can thiệp vào quá trình đông máu, gây xuất huyết và đột quỵ xuất huyết.
Mặc dù ít gây độc, nhưng vitamin K vẫn có thể tương tác với một số loại thuốc như: Warfarin và kháng sinh.
Việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và hợp lý là cách tốt nhất để đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất mà không gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Nếu cần bổ sung, hãy tuân thủ liều lượng khuyến cáo và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Lưu ý cần nhớ khi bổ sung vitamin cho cơ thể
Để đảm bảo an toàn, nâng cao sức khỏe và tận dụng tối đa lợi ích khi bổ sung vitamin, bạn cần lưu ý các điểm sau:
- Vitamin tổng hợp không có khả năng thay thế hoàn toàn thuốc chữa bệnh. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi do mắc bệnh, cần được bác sĩ chẩn đoán và điều trị dứt điểm thay vì chỉ dựa vào vitamin tổng hợp.
- Vitamin tổng hợp không thể thay thế thực phẩm. Do đó, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng luôn là lựa chọn tốt nhất để bảo vệ sức khỏe. Tránh có suy nghĩ cho rằng chỉ cần uống vitamin mỗi ngày là được mà không cần ăn uống đầy đủ.
- Dù sử dụng vitamin tổng hợp hay thực phẩm chức năng, bạn đều cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa các tác dụng phụ và nguy cơ đối với sức khỏe.
- Không nên ăn một hoặc một vài loại thực phẩm trong thời gian dài. Cần đa dạng hóa thức ăn để tránh hiện tượng thiếu chất.
- Uống quá liều lượng vitamin khuyến nghị hàng ngày có thể gây mệt mỏi, tiêu chảy, sỏi thận hoặc tổn thương các cơ quan trong cơ thể.
- Thời điểm tốt nhất để bổ sung vitamin thường là sau bữa ăn vì uống khi đói có thể gây chóng mặt, buồn nôn, đau bụng.
Việc bổ sung vitamin tổng hợp có thể được xem là đơn giản, nhưng cần phải hiểu rõ để sử dụng sao cho đúng và phù hợp, hạn chế tối đa tình trạng dùng quá liều vitamin. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có thêm kiến thức để sử dụng các sản phẩm này một cách hợp lý, đáp ứng nhu cầu của cơ thể và phát huy giá trị về sức khỏe một cách tối đa. Việc sử dụng các chế phẩm bổ sung vitamin cần được kiểm soát, tuân thủ đúng liều lượng khuyến cáo là tốt nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.