Nếu bạn đang quan tâm đến câu hỏi “Differin có dùng được cho bà bầu không?” thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin tổng quan về sản phẩm Differin cũng như những bằng chứng khoa học về mức độ an toàn khi sử dụng Differin trên phụ nữ có thai để giúp bạn giải đáp thắc mắc của mình.
Tổng quan về mụn trứng cá
Mụn trứng cá là gì?
Mụn trứng cá thông thường là một rối loạn viêm da phổ biến của đơn vị tuyến bã nhờn, diễn tiến kéo dài. Tình trạng này thường biểu hiện bằng các mụn sẩn, mụn mủ hoặc nốt sần chủ yếu ở mặt. Cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá thông thường liên quan đến sự tương tác của nhiều yếu tố mà cuối cùng dẫn đến sự hình thành tổn thương ban đầu.
Mặc dù, mụn trứng cá thường gặp ở thanh thiếu niên nhưng nó không chỉ giới hạn ở nhóm tuổi này và có thể ảnh hưởng đến các cá nhân ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá có thể khác nhau, từ biểu hiện nhẹ chỉ có một vài chấm mụn đến các dạng nghiêm trọng hơn được đặc trưng bởi các biểu hiện viêm, có thể dẫn đến tăng sắc tố, sẹo và các tác động tâm lý bất lợi khác.
Nguyên nhân
Mụn trứng cá phát triển do tuyến bã nhờn quá mẫn cảm với nồng độ androgen bình thường trong tuần hoàn. Quá trình này càng trở nên trầm trọng hơn do sự hiện diện của Cutibacteria Acnes (C.Acnes). Ngoài ra, các tài liệu cũng ghi nhận các yếu tố góp phần được đề xuất gây ra mụn trứng cá, bao gồm:
- Sử dụng các loại thuốc như lithium, steroid và thuốc chống co giật.
- Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá mức.
- Sử dụng các trang phục không thoáng mát, chẳng hạn như miếng đệm vai, băng đô, ba lô và áo lót có gọng.
- Mỹ phẩm gốc dầu và massage mặt.
- Rối loạn nội tiết, chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang và thậm chí là mang thai.
- Sự bùng phát mụn trứng cá trước kì kinh nguyệt xảy ra do sự phù nề của ống tuyến bã nhờn. Tình trạng này gặp ở 70% bệnh nhân.
Tổng quan về sản phẩm Differin
Sản phẩm Differin là thuốc bôi ngoài ra dạng kem, thuộc nhóm thuốc điều trị các bệnh da liễu với hoạt chất chính là Adapalene 0,1%, được sản xuất bởi Laboratoires Galderma – Pháp.
Tổng quan về hoạt chất Adapalene
Adapalene là một retinoid bôi tại chỗ thế hệ thứ ba, có hiệu quả tương tự nhưng có độ an toàn vượt trội hơn so với tretinoin. Tazarotene có hiệu quả hơn Adapalene nhưng được xếp vào loại X trong thai kỳ, do đó chống chỉ định ở phụ nữ mang thai.
Với đặc tính chống mụn trứng cá, tiêu mụn và chống viêm, Adapalene được sử dụng để điều trị mụn trứng cá ở thanh thiếu niên và người lớn.
Cơ chế hoạt động
Adapalene được sử dụng để điều trị hoặc duy trì mụn trứng cá từ nhẹ đến nặng (mụn trứng cá thông thường). Adapalene liên kết với thụ thể axit retinoic (RAR)-beta và RAR-gamma, phức hợp này sau đó liên kết với một trong ba thụ thể X retinoid (RXR) dẫn đến khả năng liên kết DNA để điều chỉnh hoạt động phiên mã. Mặc dù, mức độ điều tiết phiên mã không được mô tả đầy đủ, nhưng hoạt hóa retinoid thường được biết là có ảnh hưởng đến sự tăng sinh, biệt hóa tế bào và Adapalene đã được chứng minh là có tác dụng ức chế sự tăng sinh tế bào HeLa và sự biệt hóa tế bào sừng ở người.
Bên cạnh đó, Adapalene có thể điều chỉnh phản ứng miễn dịch thông qua tác động điều chỉnh giảm biểu hiện thụ thể Toll-like 2 (TLR-2) và ức chế protein kích hoạt yếu tố phiên mã 1 (AP-1). TLR-2 nhận biết Cutibacteria Acnes, loại vi khuẩn chủ yếu liên quan đến mụn trứng cá. Kích hoạt TLR-2 gây ra sự chuyển vị hạt nhân của AP-1 và điều hòa gen gây viêm. Do đó, Adapalene có tác dụng chống viêm tổng thể, làm giảm các triệu chứng mụn trứng cá do viêm.
Chỉ định
Sản phẩm Differin với hoạt chất chính là Adapalene thường được chỉ định trong điều trị mụn trứng cá khi ở mặt, ngực và lưng.
Tác dụng không mong muốn
Trong quá trình sử dụng sản phẩm, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như kích ứng, nổi mẩn đỏ trên da, bong tróc da.
Differin có dùng được cho bà bầu không?
Các bằng chứng về mức độ an toàn khi sử dụng Differin ở phụ nữ có thai
Hiện nay, các dữ liệu còn hạn chế gây nên lo ngại về nguy cơ gia tăng khả năng dị tật khi mang thai. Adapalene dùng toàn thân với liều cao có khả năng gây quái thai ở mô hình động vật, tuy nhiên, một thông tin cho rằng việc bôi tại chỗ không hấp thu đáng kể vào cơ thể, đồng thời Adapalene đã hạn chế tương tác với protein nội bào và thụ thể, do đó, nguy cơ dị tật sau khi bôi tại chỗ được cho là thấp so với retinoids thế hệ đầu tiên. Có một báo cáo về trường hợp khuyết tật mắt sau khi dùng Adapalene tại chỗ.
Nguy cơ dị tật tăng lên khó có thể xảy ra khi sử dụng Adapalene tại chỗ ở liều điều trị theo hướng dẫn của nhà sản xuất trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, do retinoid được biết là có khả năng gây quái thai và chưa đầy đủ dữ liệu về thai kỳ liên quan đến Adapalene nên không thể khuyến cáo sử dụng thuốc này trong thai kỳ.
Tuy nhiên, những phụ nữ vô tình tiếp xúc trong thời kỳ mang thai nên yên tâm rằng sự hấp thu thuốc toàn thân rất thấp và các nghiên cứu hiện tại cho thấy không có bằng chứng nào về nguy cơ gây quái thai đối với nhóm retinoid bôi tại chỗ. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ khác xuất hiện trong từng trường hợp riêng lẻ có thể làm tăng nguy cơ xảy ra kết cục thai kỳ bất lợi một cách độc lập.
Nhìn chung, hiện nay, dữ liệu trên động vật đã tiết lộ bằng chứng về dị tật xương của thai nhi, bao gồm cả xương sườn thừa, ở liều bôi cao. Tác dụng gây quái thai đã được quan sát thấy trên mô hình động vật khi tăng một lượng lớn liều uống. Tuy nhiên, các dữ liệu trong thai kỳ trên người vẫn chưa có đủ bằng chứng.
Theo Cục quản lý sản phẩm trị liệu Úc, Adapalene được phân loại là thuốc thai kỳ loại D: Thuốc đã gây ra, bị nghi ngờ gây ra hoặc có thể gây ra, tăng tỷ lệ dị tật thai nhi ở người hoặc tổn thương không thể phục hồi.
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Adapalene được phân loại là thuốc thai kỳ loại C: Các nghiên cứu về sinh sản trên động vật đã cho thấy tác dụng phụ đối với thai nhi, không có nghiên cứu đầy đủ và được kiểm soát tốt ở người, nhưng có những lợi ích tiềm tàng có thể đảm bảo việc sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai bất chấp những rủi ro tiềm ẩn.
Differin có dùng được cho bà bầu không?
Dựa trên các bằng chứng về mức độ an toàn khi sử dụng Adapalene (hoạt chất chính của sản phẩm Differin) ở phụ nữ có thai, câu trả lời cho câu hỏi “Differin có dùng được cho bà bầu không?” là chỉ nên sử dụng dưới sự chỉ định từ chuyên gia y tế, khi lợi ích mang lại có thể vượt trội hơn so với các nguy cơ bất lợi cho thai nhi.
Bài viết đã cung cấp các thông tin liên quan đến câu hỏi “Differin có dùng được cho bà bầu không?”. Qua bài viết, việc sử dụng Differin cho phụ nữ mang thai đòi hỏi sự cân nhắc và thảo luận cùng bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Mặc dù có những nghiên cứu cho thấy rằng Differin có thể an toàn khi sử dụng ngoài thai kỳ, nhưng hiệu quả và an toàn trong thai kỳ vẫn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Quyết định cuối cùng về việc sử dụng Differin khi mang thai nên được đưa ra sau khi cân nhắc kỹ càng giữa lợi ích và nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.