Sau sinh, cơ thể người phụ nữ có rất nhiều thay đổi và có thể gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Trong đó, tình trạng nhiễm trùng vết mổ sau sinh. Đây là một biến chứng phẫu thuật ở các mẹ sinh mổ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực tới sức khỏe và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Nguy hiểm hơn, nhiễm trùng vết mổ có thể gây ra nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng của sản phụ. Do đó, việc chăm sóc đúng cách cũng như phát hiện sớm và điều trị nhiễm trùng vết mổ sau sinh kịp thời đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Nhiễm trùng vết mổ sau sinh là gì?
Sinh mổ không phải là ưu tiên hàng đầu của các bác sĩ sản khoa và mẹ bầu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp mẹ bầu sẽ được chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé như tiền sản giật, thai ngôi ngược, dây rốn quấn cổ nhiều vòng, khung chậu bất thường, suy thai cấp, có khối u trong tử cung, nhau bong non (rau bong non),… Sinh mổ ẩn chứa nhiều rủi ro hơn sinh thường và nhiễm trùng vết mổ là một trong những tai biến đó.
Nhiễm trùng vết mổ sau sinh là tình trạng nguy hiểm mà các mẹ sinh mổ có thể gặp phải tại vị trí vết mổ lấy thai nếu chăm sóc vết mổ không đúng cách. Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn, vi sinh vật xâm nhập vào vết thương làm vết thương lâu lành và bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng vết mổ sau sinh có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết nguy hiểm tính mạng. Vì thế sản phụ cần được điều trị nhiễm trùng vết mổ sau sinh sớm và đúng cách để ngăn ngừa biến chứng.
Dấu hiệu nhận biết vết mổ sau sinh bị nhiễm trùng
Nhiễm trùng vết mổ sau sinh có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu sau:
- Vị trí vết mổ bị mưng mủ;
- Đau nhức tăng lên ở vị trí vết mổ;
- Vết mổ thay đổi màu sắc và tăng kích thước;
- Sốt cao;
- Chảy dịch màu vàng xanh và có mùi hôi;
- Vết mổ lâu lành hơn bình thường;
- Người mệt mỏi.
Ngoài các dấu hiệu lâm sàng kể trên, trước khi điều trị nhiễm trùng vết mổ sau sinh, sản phụ cần làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán nhiễm trùng. Thường gặp nhất là xét nghiệm máu nhằm xác định tình trạng nhiễm trùng thông qua các chỉ số bạch cầu, chỉ số CRP,…
Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng vết mổ sau sinh
Để xây dựng phác đồ điều trị nhiễm trùng vết mổ sau sinh phù hợp, chúng ta cần xác định đúng nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trong đó, vi khuẩn chính là “thủ phạm” hàng đầu gây ra nhiễm trùng vết mổ. Một số vi khuẩn gây bệnh phổ biến như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn Coli, vi khuẩn yếm khí,… Các loại vi khuẩn này luôn tồn tại trong môi trường sống của chúng ta, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể qua vết mổ. Tùy vào cách chăm sóc, tình trạng sức khỏe của sản phụ mà mức độ nhiễm khuẩn sẽ có sự khác nhau.
Ngoài ra, một số yếu tố trước, trong và sau mổ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ sau sinh như:
- Sản phụ có vết mổ đẻ cũ nhiều lần.
- Vết mổ cũ bị dính.
- Sản phụ có bệnh lý nền như tiểu đường, thiếu máu, béo phì,…
- Sản phụ gặp các tai biến sản khoa như nhau tiền đạo, tiền sản giật, nhau cài răng lược,…
- Thời gian mổ kéo dài, sản phụ mất nhiều máu.
- Sản phụ ít vận động sau mổ.
- Chăm sóc, vệ sinh vết mổ sau sinh không đúng cách.
- Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo.
Các biện pháp điều trị nhiễm trùng vết mổ sau sinh
Điều trị nhiễm trùng vết mổ sau sinh bằng thuốc
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng vết mổ đều có thể được điều trị bằng thuốc gồm:
- Thuốc kháng sinh đa phổ nhằm tiêu diệt vi khuẩn gram dương, gram âm và vi khuẩn kỵ khí.
- Thuốc tăng co hồi tử cung giúp tăng cường co hồi tử cung, giúp loại bỏ các chất nhiễm trùng từ tử cung.
Phương pháp dùng thuốc mang lại hiệu quả điều trị trong khoảng 95% các trường hợp nhiễm trùng vết mổ. Trong quá trình dùng thuốc, sản phụ cần được theo dõi và đánh giá chỉ số bạch cầu, CRP xem có đáp ứng phác đồ điều trị không. Đồng thời kết hợp làm sạch ổ nhiễm khuẩn tại vị trí vết mổ. Trường hợp sản phụ không hết sốt, tình trạng nhiễm trùng tăng nặng được xem là điều trị thất bại và cần thay đổi loại kháng sinh hoặc phác đồ điều trị khác.
Điều trị nhiễm trùng vết mổ sau sinh bằng phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả. Có 2 phác đồ phẫu thuật gồm bảo tồn và cắt bỏ tử cung hoàn toàn. Bảo tồn tử cung bằng cách cắt lọc phần cơ tử cung bị nhiễm trùng và giữ lại phần cơ tử cung khỏe mạnh. Phác đồ này rất có ý nghĩa đối với những sản phụ trẻ tuổi và chưa sinh đủ con. Phác đồ thứ 2 là cắt tử cung và giữ lại 2 buồng trứng. Phương pháp này thường áp dụng trong trường hợp nhiễm trùng nặng hoặc sản phụ không có nhu cầu sinh thêm con.
Trên đây là những thông tin chi tiết về tình trạng nhiễm trùng vết mổ sau sinh. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những nguy cơ có thể gặp phải khi sinh mổ. Qua đó, sản phụ và gia đình sẽ chủ động hơn trong quá trình chăm sóc vết mổ sau sinh. Điều này sẽ giúp phát hiện sớm những dấu hiệu nhiễm trùng để can thiệp xử trí nhanh chóng, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.