Thiên vị trong gia đình không phải là một chủ đề mới lạ. Tình trạng này đã và đang âm thầm diễn ra trong không ít gia đình theo nhiều cách thức và mức độ khác nhau. Điển hình nhất có lẽ là tình trạng cha mẹ thiên vị con cái hoặc tạo cảm giác cho con thấy rằng cha mẹ đang có sự thiên vị. Vậy khi cha mẹ thiên vị con cái sẽ dẫn đến hậu quả gì? Cần làm gì để khắc phục tình trạng này?
Có hay không việc bố mẹ thiên vị con cái?
Có một thực tế là hầu hết các bậc phụ huynh đều ít nhất một lần lắng nghe con cái của họ phàn nàn rằng họ đang thiên vị đứa con này hơn đứa con khác. Đôi khi, bố mẹ không thực sự thiên vị hay cố tình tỏ ra yêu thương một đứa con nào hơn. Mà đơn giản chỉ là họ cảm thấy gần gũi với một đứa con hơn vì có nhiều điểm chung hay vì lý do nào đó.
Các chuyên gia tâm lý “giải mã” điều này như sau:
- Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đã có sở thích, tính cách, nhu cầu và mong muốn riêng. Chúng không giống nhau và không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể đáp ứng được hết các mong mỏi của chúng một cách thực sự công bằng.
- Mỗi đứa trẻ sẽ có một tính cách riêng, khả năng riêng và không phải chúng có thể đáp ứng mong muốn hay làm thỏa mãn bố mẹ như nhau.
- Một số trẻ có những vấn đề riêng như tính hướng nội, trẻ bị rối loạn lo âu, trẻ mắc hội chứng quên mặt,… Những điều đó khiến chúng khó mở lòng với cha mẹ, khó gần gũi với cha mẹ và cả những người xung quanh.
- Một số trẻ gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất hay tinh thần. Và chúng cần có sự chăm sóc, giúp đỡ, bao bọc của cha mẹ nhiều hơn. Điều này có thể khiến những đứa trẻ khác trong gia đình hiểu lầm rằng cha mẹ đang thiên vị con cái.
- Đôi khi, cha mẹ gần gũi hay dành thời gian nhiều hơn cho một đứa trẻ nào đó là vì cả hai có cùng sở thích.
Hậu quả của việc thiên vị con cái
Những trường hợp kể trên đều khá phức tạp và khó kết luận có phải cha mẹ đang thực sự thiên vị hay không. Đôi khi, cha mẹ không cố ý những các con lại có cảm nhận rằng cha mẹ đang thiên vị. Chúng tủi thân và cảm thấy mình không được yêu thương như đứa con khác trong gia đình. Và điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ. Cụ thể là:
- Theo các nghiên cứu, những đứa trẻ nhận ra mình không có nhiều tình yêu, sự quan tâm như những đứa con khác thường có xu hướng dùng thuốc lá, rượu bia, chất kích thích trong độ tuổi thiếu niên cao hơn. Chúng cũng dễ nổi loạn, ương bướng, phá phách và hư hỏng hơn.
- Khi cảm nhận rằng cha mẹ đang thiên vị con cái, những đứa trẻ sẽ suy nghĩ về điều đó thường xuyên và theo hướng tiêu cực. Điều này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tinh thần của trẻ.
- Nếu đứa trẻ được nhận nhiều tình cảm hơn của cha mẹ lợi dụng điều đó để công kích anh chị em của mình, mâu thuẫn giữa những đứa con sẽ ngày càng tăng cao. Chúng có thể thường xuyên cãi nhau, đánh nhau.
- Hành động thiên vị của bố mẹ có thể làm ảnh hưởng đến tình cảm giữa bố mẹ và con cái, làm ảnh hưởng đến tình cảm gia đình.
- Trẻ bị phân biệt đối xử cũng dễ bị rối loạn cảm xúc – một dạng rối loạn tâm thần trẻ em xảy ra khi trẻ bị chấn thương tâm lý hay khi trẻ phải chịu nhiều áp lực do bị so sánh, mắng chửi…
Cần làm khi con cái cảm nhận có sự thiên vị?
Khi cảm nhận được có sự phân biệt đối xử của cha mẹ, những ám ảnh tâm lý có thể theo trẻ đến khi trưởng thành. Nếu không muốn con cái càng lớn càng sống tách biệt với cha mẹ, tốt nhất cha mẹ nên làm những việc sau càng sớm càng tốt.
Xử lý đúng cách khi giữa các con có mâu thuẫn
Những đứa trẻ rất nhạy cảm và thường sớm nhận ra sự đối xử không công bằng của cha mẹ. Chúng không thể phản kháng với cha mẹ nhưng lại gây hấn với người anh chị em của mình.
Bạn hãy làm điều này khi con cãi nhau: Để cho trẻ tự giải quyết vấn đề và khi tâm lý được giải tỏa, trẻ sẽ dễ dàng nói ra suy nghĩ của mình hơn. Khi bạn đã nắm được tâm tư, tình cảm của trẻ, bạn có thể “hóa giải” những nỗi băn khoăn chất chứa trong lòng chúng.
Liệu pháp gia đình hàn gắn những rạn nứt tình cảm
Liệu pháp gia đình được áp dụng khi có sự thay đổi mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, có sự khó khăn trong việc giao tiếp giữa các thành viên hay có xung đột giữa các thành viên trong gia đình. Khi sự thiên vị con cái dẫn đến mối bất hòa khó hóa giải, cha mẹ nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để được áp dụng liệu pháp này.
Cha mẹ không biện minh, đổ lỗi
Thay vì phản kháng trước thái độ bướng bỉnh, gây hấn của đứa con đang cảm thấy mình không được đối xử công bằng, bạn nên có thái độ bình tĩnh. Để có thể tạo nên sự kết nối mạnh mẽ với trẻ, cha mẹ cần lắng nghe, thấu hiểu cảm giác của con. Tốt nhất, bạn đừng biện minh, đừng đổ lỗi rằng chúng hiểu lầm hay nhạy cảm. Hãy tâm sự với con để tìm hiểu lý do và khắc phục càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Trong giao tiếp hàng ngày, cha mẹ cần tuyệt đối tránh so sánh con cái với nhau dưới mọi hình thức.
- Với những trẻ đã nghĩ rằng cha mẹ đang có thái độ thiên vị, bạn nên dành nhiều thời gian cho chúng hơn. Quan trọng nhất là phải duy trì việc này thường xuyên chứ không phải chỉ làm một vài lần rồi thôi.
- Nếu không cùng sở thích với con, cha mẹ nên học cách yêu những gì con yêu, thích những gì con thích dù bạn chưa thực sự hứng thú. Như vậy, bạn sẽ dễ dàng làm bạn cùng con hơn.
Hầu hết các bậc làm cha mẹ đều không cố tình thiên vị con cái. Nhưng bằng nhiều cách khác nhau, có thể những đứa con của họ vẫn cảm nhận được điều đó và bị tổn thương sâu sắc. Vì vậy, ngay khi con bạn chia sẻ rằng chúng đang cảm thấy sự đối xử bất công bằng, hãy bình tĩnh xem xét lại cách đối xử của mình và sửa đổi càng sớm càng tốt bạn nhé!
Xem thêm:
- Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z mà cha mẹ nên biết và áp dụng
- Trẻ sơ sinh có nằm được ghế nhún không?
- Nuôi dạy bé trai 10 tuổi và những điều cha mẹ cần biết
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.