Ung thư buồng trứng là bệnh lý phổ biến ở nữ giới, xếp sau ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Bệnh lý diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng cụ thể nên khó nhận biết, hầu hết các trường hợp phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Chính vì thế, việc nắm rõ những dấu hiệu ung thư buồng trứng mà bạn nên biết là cần thiết để kịp thời phát hiện và điều trị sớm.
Ung thư buồng trứng là gì?
Ung thư buồng trứng là tình trạng một hoặc cả hai buồng trứng xuất hiện những khối u ác tính, phát triển, xâm lấn và phá huỷ các mô, cơ quan của cơ thể. Khi các khối u này phát triển và di căn đến những cơ quan khác sẽ gây ra ung thư tại cơ quan đó. Theo thống kê, khoảng 90% các trường hợp mắc ung thư buồng trứng đều bắt đầu từ lớp ngoài của buồng trứng hay còn gọi là ung thư biểu mô buồng trứng.
Khối u hình thành bên trong buồng trứng được chia thành nhiều loại, trong đó bao gồm những khối u ác tính và lành tính. Trong trường hợp khối u là lành tính thì không được gọi là ung thư và có thể điều trị bằng cách phẫu thuật để cắt bỏ khối u đó. Còn đối với trường hợp khối u ở buồng trứng là ác tính thì người ta chia thành các loại sau:
- Ung thư biểu mô buồng trứng: Là dạng thường gặp nhất với tế bào ung thư phát triển từ những tế bào bên trên bề mặt buồng trứng.
- Ung thư tế bào mầm: Dạng ung thư xuất hiện từ những tế bào sản sinh ra trứng.
- Những loại ung thư buồng trứng khác như: Ung thư có nguồn gốc từ mô đệm sinh dục, ung thư xuất phát từ trung mô hoặc những ung thư mắc phải do những loại ung thư khác di căn đến buồng trứng…
Dấu hiệu ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng diễn tiến âm thầm với những dấu hiệu không đặc trưng khiến người bệnh coi nhẹ hoặc dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của những bệnh lý nhẹ hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp nhưng lại dễ bị bỏ qua:
Đầy hơi, chướng bụng
Chướng bụng xảy ra khi dịch dạ dày và hơi bị giữ lại bên trong khoang bụng. Đầy bụng, đầy hơi, khó tiêu hay táo bón kéo dài là triệu chứng điển hình của những bệnh lý trên đường tiêu hoá. Tuy nhiên, đôi khi nguyên nhân dẫn đến tình trạng này lại là do những khối u ở buồng trứng đang to dần, tạo nên áp lực lên dạ dày và ruột.
Đau dai dẳng ở vùng bụng và xương chậu
Người bệnh xuất hiện tình trạng khó chịu, đau đặc biệt ở vùng chậu, đau xương chậu dai dẳng. Khác với cơn đau của chứng khó tiêu hay cơn đau của chu kỳ kinh nguyệt, tình trạng đau bụng và xương chậu thường kéo dài, dai dẳng. Bởi theo sự phát triển của các khối u, sẽ khiến cho lực tác động đến những cơ quan hay bộ phận xung quanh khối u tăng dần, mà khu vực thường bị ảnh hưởng nhất đó là vùng bụng và xương chậu.
Khó ăn hoặc ăn nhanh no
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ăn nhanh no hoặc khó ăn đó là do các khối u buồng trứng đã phá huỷ những hormone có vai trò kiểm soát hoạt động trao đổi chất của hệ tiêu hoá. Từ đó gây ra các vấn đề về ăn uống, ăn không ngon miệng, khó ăn hoặc dễ cảm thấy no bụng.
Bất thường các cơ quan của đường tiết niệu
Người mắc ung thư buồng trứng sẽ có xu hướng đi tiểu nhiều hơn bình thường. Nguyên nhân chính là do tình trạng đầy bụng, chướng bụng, đầy hơi sẽ gây nên sự chèn ép đối với bàng quang, từ đó kích thích cảm giác muốn đi vệ sinh nhiều hơn. Triệu chứng này tương tự triệu chứng của những bệnh lý khác về bàng quang, khiến nhiều người chủ quan, ngó lơ tình trạng sức khoẻ của mình.
Tiêu chảy hoặc táo bón bất thường
Ung thư buồng trứng dẫn đến những bất thường đối với hệ tiêu hoá. Nguyên nhân là bởi các khối u lớn lên, di căn đến ruột kết và tạo áp lực khiến cho dịch tiết của dạ dày tích tụ, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hoá ở ruột, từ đó dẫn đến những bất thường như táo bón hoặc tiêu chảy.
Chảy máu nhỏ giọt giữa chu kỳ kinh nguyệt
Một số ít trường hợp chảy máu giữa kỳ kinh có thể xuất phát từ bệnh ung thư như ung thư cổ buồng trứng. Chính vì thế, nếu gặp phải tình trạng này, các chị em cần nhanh chóng đi khám để kiểm tra bất thường và điều trị sớm. Ngoài ra, đôi khi người bệnh cũng có thể xuất hiện tình trạng chảy máu âm đạo bất thường, đi kèm với những cơn đau đớn và có sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.
Sụt cân không rõ nguyên nhân
Người mắc bệnh ung thư buồng trứng có thể sẽ bị sụt cân một cách đột ngột, không rõ nguyên nhân, không phải do kiêng ăn uống hay vận động quá sức.
Đau sau quan hệ
Trong quan hệ tình dục, người mắc ung thư buồng trứng sẽ xuất hiện triệu chứng đau, cơn đau có thể xuất hiện ở bên phải hoặc bên trái của khung xương chậu. Tình trạng đau sau quan hệ tình dục có thể tăng dần lên, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mệt mỏi, mất năng lượng…
Những triệu chứng trên không quá điển hình với bệnh ung thư buồng trứng, chúng dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác nhẹ hơn. Chính vì thế, khi phát hiện những dấu hiệu trên bạn cũng nên nghĩ đến trường hợp mắc bệnh ung thư buồng trứng. Việc thăm khám, điều trị sớm hoàn toàn có khả năng nâng cao hiệu quả điều trị.
Ung thư buồng trứng nguy hiểm như thế nào?
Tương tự với nhiều bệnh ung thư khác, nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị can thiệp ngay từ giai đoạn ban đầu thì cơ hội sống sót của người bệnh được nâng lên đáng kể, tỷ lệ người bệnh sống trên 5 năm kể từ lúc phát hiện bệnh lên đến 95%. Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn thì tỷ lệ sống trên 5 năm cũng sẽ có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể như sau:
- Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn 2 thì tỷ lệ sống trên 5 năm là khoảng 70%;
- Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn 3 thì tỷ lệ sống trên 5 năm sẽ giảm còn 39%;
- Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn 4 thì tỷ lệ sống trên 5 năm rất thấp, bởi lúc này khối u đã di căn đến những cơ quan khác và tiên lượng điều trị cũng rất khó khăn.
Bên cạnh giai đoạn bệnh, tỷ lệ sống trên 5 năm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tình trạng sức khoẻ của người bệnh, tiền sử mắc bệnh, độ tuổi, bệnh lý nền, khả năng đáp ứng điều trị của cơ thể… Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh từ những giai đoạn đầu tiên đã được chứng minh là hiệu quả và nâng cao tỷ lệ sống lên cho người bệnh.
Việc tự tìm hiểu những thông tin về bệnh cũng như dấu hiệu ung thư buồng trứng mà bạn nên biết sẽ giúp bạn phát hiện sớm những bất thường, quan tâm hơn sức khỏe của bản thân và không ngó lơ sức khoẻ của mình. Các chị em cần đặc biệt chú ý theo dõi sức khoẻ của mình, đừng chủ quan với bất kỳ dấu hiệu nào bởi nó có thể là sự cảnh báo về một bệnh lý nguy hiểm mà cơ thể đang mắc phải. Hãy tự bảo vệ sức khoẻ của chính mình bạn nhé!
Xem thêm:
- Khám sàng lọc ung thư là khám những gì? Vì sao nên sàng lọc ung thư sớm?
- Những dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú bạn nên biết
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.