Vậy dấu hiệu u nang buồng trứng là gì? Nguyên nhân dẫn đến u nang buồng trứng ra sao? Điều trị u nang buồng trứng như thế nào? Theo dõi những thông tin Nhà thuốc Long Châu chia sẻ dưới đây để biết được câu trả lời bạn nhé.
Tổng quan về tình trạng u nang buồng trứng
U nang buồng trứng là khối u có vỏ mỏng, bên trong chứa dịch hoặc một số thành phần khác, hình thành và phát triển trong buồng trứng. U nang buồng trứng có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào song chủ yếu gặp ở chị em trong độ tuổi từ 30 – 45 tuổi.
U nang buồng trứng bao gồm 2 dạng chính đó là u nang cơ năng và u nang thực thể. Trong đó:
- U nang cơ năng là khối u được hình thành do sự rối loạn hoạt động nội tiết của buồng trứng gây ra sự rối loạn chức năng buồng trứng. U nang cơ năng có thước đường kính dưới 6cm, thường tự biến mất sau 2 – 3 chu kỳ kinh nguyệt mà không cần can thiệp điều trị. U nang cơ năng bao gồm u nang bọc noãn, u nang hoàng tuyến và u nang hoàng thể.
- U nang thực thể là khối u được hình thành và phát triển từ các tổn thương thực thể của buồng trứng. Các khối u này có thể là lành tính hoặc ác tính. Tuy hiếm gặp song u nang thực thể lại vô cùng nguy hiểm. Các loại u nang thực thể có thể kể đến như: U nang bì, u nang nước và u nang nhầy.
U nang buồng trứng có thể hình thành và phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không thể không kể đến một số nguyên nhân phổ biến như rối loạn nội tiết tố, rối loạn chức năng tuyến giáp, lạc nội mạc tử cung, nhiễm trùng vùng chậu nặng…
Đa số các trường hợp mắc u nang buồng trứng thường là u lành tính, có thể biến mất sau một khoảng thời gian nhất định mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, u nang có thể tiến triển và chị em có nguy cơ phải đối mặt với một loạt các biến chứng nguy hiểm như vỡ u nang buồng trứng, u nang buồng trứng xoắn, ung thư buồng trứng… nếu không được can thiệp và xử trí kịp thời, việc điều trị sẽ trở nên vô cùng phức tạp và tốn kém, chưa kể, sức khỏe hay thậm chí là tính mạng của chị em có thể bị đe doạ.
Dấu hiệu u nang buồng trứng
Phần lớn u nang buồng trứng đều không có biểu hiện rõ ràng và điển hình. Tuy nhiên, chị em có thể nhận biết u nang buồng trứng thông qua các dấu hiệu sau đây:
- Đau tức và có cảm giác nặng ở vùng bụng dưới: Theo các bác sĩ sản phụ khoa, những cơn đau bất thường ở vùng bụng dưới thường rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý về đường ruột, đại tràng… song ít ai để ý rằng đó có thể là dấu hiệu u nang buồng trứng hoặc u xơ tử cung. Để xác định chính xác đó có phải là u nang buồng trứng hay không, bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám.
- Rối loạn kinh nguyệt: Rối loạn kinh nguyệt cũng là dấu hiệu u nang buồng trứng dễ nhận biết. Ở những chị em mắc u nang buồng trứng, chu kỳ kinh nguyệt thất thường, lúc có lúc không, lượng máu kinh cũng lúc ít lúc nhiều, kèm theo đó là các cơn đau bụng dưới âm ỉ vô cùng khó chịu.
- Tiểu khó, đi tiểu nhiều lần: Tiểu khó, đi tiểu nhiều lần có thể là dấu hiệu cảnh báo u nang buồng trứng. Nguyên nhân là do khối u phát triển tăng dần về kích thước gây chèn ép vào bàng quang.
- Ngoài ra, chị em mắc u nang buồng trứng còn có thể phải đối mặt với các triệu chứng khác như: Đau vùng thắt lưng, vùng đùi hoặc vùng chậu, đau khi quan hệ tình dục.
Hướng điều trị u nang buồng trứng
Trên thực tế, việc điều trị u nang buồng trứng còn dựa trên rất nhiều các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như kích thước, dạng u nang, độ tuổi, sức khỏe tổng quát của người bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh… Qua khai thác tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ phân tích, cân nhắc và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Các hướng điều trị u nang buồng trứng có thể kể đến như:
Theo dõi và kiểm tra định kỳ
Với những khối u nang lành tính, có kích thước nhỏ, nằm ở những vị trí không gây ảnh hưởng nhiều, khối u cũng không gây triệu chứng gì quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh theo dõi và kiểm tra định kỳ để theo dõi sự phát triển của khối u nang.
Điều trị nội khoa
Với các khối u nang buồng trứng có kích thước dưới 5cm, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u nang. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tái khám theo lịch hẹn để đánh giá tiến triển của khối u nang và có biện pháp can thiệp kịp thời trong trường hợp cần thiết.
Điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp khối u nang buồng trứng phát triển, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh phẫu thuật để loại bỏ khối u nang buồng trứng.
Hiện nay, có 2 hình thức phẫu thuật loại bỏ u nang buồng trứng bao gồm mổ nội soi và mổ mở. Trong đó:
- Mổ nội soi u nang buồng trứng thường được các bác sĩ chỉ định trong trường hợp u nang buồng trứng có kích thước nhỏ và xét nghiệm loại trừ ung thư.
- Mổ mở được chỉ định khi u nang buồng trứng có kích thước lớn, có nguy cơ dẫn đến xoắn hoặc vỡ nang buồng trứng… Sau khi cắt được khối u nang, bác sĩ sẽ cho sinh thiết khối u. Trong trường hợp sinh thiết cho kết quả u ác tính, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ hoàn toàn 2 bên buồng trứng, thậm chí là cắt bỏ cả tử cung khi ung thư di căn. Tuy nhiên, phương pháp này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tái phát khối u, nhiễm trùng vết mổ…
Điều trị kết hợp
Với các trường hợp u nang buồng trứng ác tính, bên cạnh việc phẫu thuật cắt bỏ khối u, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng các phương pháp điều trị bằng thuốc như hoặc xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư. Sử dụng thuốc cho người bệnh ung thư được áp dụng sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh tình trạng u nang buồng trứng mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, với những thông tin chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý này, nắm được các dấu hiệu u nang buồng trứng và các phương pháp điều trị u nang buồng trứng. Cảm ơn bạn đã luôn dõi theo và đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.