Đối với phụ nữ, làm mẹ là thiên chức vô cùng thiêng liêng và hạnh phúc. Tuy nhiên, để có thể chào đón sinh linh nhỏ chào đời, mẹ bầu sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí có thể mất con bất cứ lúc nào. Một trong những nguy cơ đe dọa thai nhi chính là động thai hay dọa sảy thai.
Động thai rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Tình trạng này là tiền đề dẫn đến sảy thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Vì thế, việc hiểu rõ các dấu hiệu bị động thai và cách xử trí sẽ giúp mẹ bầu giảm thiểu tối đa nguy cơ động thai và có thai kỳ khỏe mạnh, bình an.
Bị động thai là gì? Do những nguyên nhân nào?
Động thai hay dọa sảy thai là tình trạng thường gặp trong tam cá nguyệt đầu tiên và cũng có thể xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 2. Dấu hiệu bị động thai phổ biến là mẹ bầu bị ra máu, đau bụng bất thường bánh nhau có hiện tượng tổn thương và bị bóc tách giống như sảy thai nhưng thai nhi vẫn còn sống trong buồng tử cung và chưa bị bong khỏi niêm mạc tử cung.
Theo các chuyên gia sản khoa, phôi thai được tạo ra có hình thái bình thường và nếu có khiếm khuyết rất nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển hoặc thai sẽ có thể tự sửa chữa. Ngược lại, nếu bất thường này lớn, thai sẽ không phát triển được theo cơ chế tự nhiên và gây ra động thai, sảy thai sớm.
Động thai có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân phổ biến làm tăng nguy cơ động thai gồm:
- Mẹ bầu trên 35 tuổi;
- Mẹ bầu từng có tiền sử sảy thai;
- Bất thường nhiễm sắc thể của bố hoặc mẹ hoặc của cả 2;
- Bất thường ở tử cung như tử cung đôi, tử cung có vách ngăn, dính tử cung, u xơ tử cung,…;
- Bất đồng nhóm máu của mẹ và thai nhi;
- Mẹ bầu béo phì hoặc mắc bệnh liên quan đến tuyến giáp, cao huyết áp, tiểu đường;
- Mẹ bầu thường xuyên lao động nặng, stress, mệt mỏi;
- Quan hệ vợ chồng quá thô bạo trong thời gian mang thai;
- Có tác động ngoại lực vào vùng bụng.
Nhận biết dấu hiệu bị động thai thường gặp
Đau bụng âm ỉ
Đau bụng chính là dấu hiệu bị động thai đầu tiên và thường gặp nhất mà mẹ bầu có thể cảm nhận được. Cơn đau do động thai thường âm ỉ, râm ran ở bụng dưới kèm theo cảm giác mỏi thắt lưng bất thường. Tuy nhiên, cơn đau bụng cũng có thể là một dấu hiệu sinh lý bình thường. Ngoài ra, mẹ bầu còn có thể bị chuột rút vùng bụng, xương chậu. Vì thế, nếu thấy cơn đau bụng dưới kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc cơn đau tăng lên về cường độ, tần suất thì mẹ bầu hãy đi khám và siêu âm thai càng sớm càng tốt.
Xuất huyết âm đạo
Xuất huyết âm đạo hay âm đạo ra máu, dịch màu hồng, màu nâu sẫm,… cũng là dấu hiệu bị động thai cần đặc biệt lưu ý. Dấu hiệu này thường bị mẹ bầu nhầm lẫn với máu báo thai trong những tuần đầu tiên nên chủ quan không đi khám dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp mẹ bầu bị động thai nhưng không bị ra máu mà chỉ phát hiện thông qua siêu âm. Đây là một trường hợp điển hình của bong nhau kín khiến máu không thoát được ra ngoài.
Tiểu buốt
Đau buốt khi tiểu cũng là dấu hiệu mẹ bầu không nên bỏ qua. Tình trạng tiểu rắt, tiểu buốt, thậm chí tiểu ra máu chính là triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu. Mẹ bầu bị nhiễm trùng tiết niệu khiến thai nhi dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, làm tăng nguy cơ động thai. Vì vậy, trong quá trình khám thai, mẹ bầu cần được kiểm tra nước tiểu thường xuyên theo lịch hẹn. Bên cạnh đó, đi khám ngay khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường như tiểu buốt để được điều trị kịp thời.
Sốt
Ngoài các dấu hiệu bị động thai kể trên, sốt khi mang thai cũng là triệu chứng bất thường không nên chủ quan. Mẹ bầu bị sốt cao trong 3 tháng đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo động thai hoặc các bệnh lý nguy hiểm khác khi mang thai như rubella, sốt virus, nhiễm khuẩn, cúm, sởi,…
Cách xử trí an toàn khi bị động thai
Động thai đặc biệt nguy hiểm đối với mẹ bầu và thai nhi nhưng hoàn toàn có thể giảm nguy cơ sảy thai nếu được xử trí kịp thời. Khi phát hiện những dấu hiệu bị động thai kể trên, mẹ bầu nên đi khám thai càng sớm càng tốt để được bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị. Đồng thời, tuân thủ chỉ định, uống thuốc và nghỉ ngơi theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân để phát hiện sớm những triệu chứng bất thường, kết hợp xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất tốt cho tử cung và thai nhi. Tuyệt đối không nên ăn các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng, chất kích thích,… Bên cạnh đó cần giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh lo lắng nhiều. Đặc biệt trong sinh hoạt hàng ngày, mẹ bầu không nên xoa bụng dưới, vận động nhẹ nhàng và kiêng chuyện chăn gối.
Tóm lại, động thai là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất có thể dẫn tới sảy thai ngoài ý muốn. Do đó, mẹ bầu cần hết sức chú ý để hạn chế rơi vào tình trạng này. Ngoài các mốc thăm khám định kỳ, mẹ bầu cần đi khám ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu bị động thai để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra hướng xử trí phù hợp nhất.
Xem thêm:
- Mang thai 1 tuần có dấu hiệu gì? 15 dấu hiệu dễ nhận biết
- Những thay đổi sinh lý khi mang thai: Mẹ bầu nên làm gì?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.