Hầu hết người trưởng thành đều từng bị đau đầu. Đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như áp lực công việc, áp lực tâm lý nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe nguy hiểm. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cùng bạn làm rõ đau đầu từng cơn có nguy hiểm không? Cách chữa thế nào?
Đau đầu từng cơn là bệnh gì?
Đau đầu nhói từng cơn là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh đau nửa đầu hay đau đầu vận mạch. Tình trạng đau đầu nhói theo từng cơn đến từ việc có bất thường ở mạch máu não, ví dụ như những co giãn bất thường. Khi đau đầu, người bệnh có thể cảm nhận được những triệu chứng đi kèm khác như: Chóng mặt, mờ mắt, hơi choáng.
Đau nhói ở đầu theo từng cơn nếu xảy ra với mức độ nhẹ và tần suất không nhiều có thể không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và mức độ nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng, người bệnh có thể phải đối mặt với những biến chứng thần kinh nguy hiểm.
Người bị đau ở đầu từng cơn có thể có các triệu chứng như:
- Đầu đau ở một bên.
- Tâm trạng bồn chồn, khó chịu.
- Đau dữ dội ở bên trong, phía sau mắt hoặc vùng quanh mắt. Thậm chí vùng mắt có thể bị sưng. Cơn đau nặng có thể gây ra tình trạng sụp mí.
- Cơn đau có thể lan sang các vùng khác ở đầu hoặc vùng cổ.
- Da tái nhợt, xanh xao hoặc ửng đỏ bất thường.
- Nếu đau đầu nặng có thể ảnh hưởng đến mũi làm chảy nước mũi, nghẹt mũi.
- Ở vùng chịu ảnh hưởng của cơn đau đầu nhói mức độ nặng có thể bị đổ mồ hôi.
- Bệnh nhân đau ở đầu nhói từng cơn cũng có thể trở nên nhạy cảm hơn với âm thanh, ánh sáng. Âm thanh lớn và ánh sáng chói có thể làm tăng cảm giác đau.
Đau đầu nhói từng cơn do đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến triệu chứng đau đầu từng cơn này, trong đó bao gồm cả nguyên nhân tâm lý và nguyên nhân bệnh lý. Có thể kể đến những “thủ phạm” thường gặp nhất như:
Những căng thẳng về mặt tâm lý
Stress trong công việc, mối quan hệ xã hội, cuộc sống gia đình, áp lực tài chính,… khiến chúng ta phải suy nghĩ quá nhiều. Nhiều người bị căng thẳng đến mức mất ăn mất ngủ. Đây là lý do khiến cơ thể nói chung và hệ thần kinh nói riêng bị mệt mỏi. Đau đầu nhói từng cơn là tình trạng khá thường gặp ở những người bị căng thẳng thần kinh.
Vận động quá sức
Dù là lao động nặng quá sức hay tập luyện quá sức cũng có thể dẫn đến chứng đau nhói ở đầu. Có một điều mà hầu hết mọi người đều không nghĩ tới, vận động hay hoạt động quá sức không chỉ đến từ vận động chân tay. Y học còn có một khái niệm là gắng sức thụ động như: Ho nhiều, ruột co bóp do nôn trớ,… Gắng sức thụ động cũng có thể gây ra chứng đau nhói ở đầu theo từng cơn.
Có chấn thương ở vùng đầu
Các va chạm mạnh, chấn thương hay tác động vật lý ở vùng đầu có thể gây ra triệu chứng đau nhói, đau kèm giật, đau nhức ở vị trí chấn thương, nửa đầu hoặc đỉnh đầu. Tùy mức độ chấn thương, cảm giác đau sẽ nặng hoặc nhẹ. Chúng cũng có thể sớm chấm dứt hoặc kéo dài dai dẳng.
Người bị bệnh cao huyết áp
Bị thiếu máu lên não
Một trong những triệu chứng điển hình của bệnh thiếu máu não cũng là nhói giật đỉnh đầu theo từng cơn. Ngoài ra, nếu thiếu máu lên não bạn sẽ gặp các triệu chứng đi kèm như: Hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng khi thay đổi tư thế, đi đứng loạng choạng khi đang ngồi đột nhiên đứng dậy,…
Cần làm gì khi đau đầu từng cơn?
Khi đau đầu nhói từng cơn, việc đầu tiên bạn cần làm là đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và biết chính xác tình trạng bệnh của mình. Tùy từng căn nguyên gây đau đầu, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách khắc phục và chữa trị phù hợp. Một số biện pháp thường được bác sĩ tư vấn như:
- Nếu nguyên nhân đau đầu do căng thẳng, stress, người bệnh cần dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, giải tỏa căng thẳng. Người bệnh có thể tìm đến những lớp học thiền, học yoga, hội họa, âm nhạc. Làm những việc mình thích như trồng cây, nuôi thú cưng cũng là cách xả stress khá hiệu quả.
- Nếu nguyên nhân do hoạt động quá sức, người bệnh cần giảm cường độ vận động. Lao động và tập luyện vừa sức không những giúp bạn giảm đau đầu mà còn tốt cho sức khỏe tổng thể.
- Trong trường hợp vùng đầu bị tác động vật lý hoặc bị va đập do ngã, tai nạn, bạn cần đi kiểm tra càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ chỉ định chụp Xquang để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng của người bệnh và đưa ra hướng xử lý phù hợp.
- Bệnh nhân bị ho, nôn ói, cao huyết áp, thiếu máu não muốn chữa dứt điểm chứng đau đầu nhói từng cơn cần chữa khỏi bệnh lý nền. Các bệnh này đều có thể được điều trị hoặc hỗ trợ điều trị bằng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng.
Khi nào đau đầu từng cơn nên đi khám bác sĩ?
Đau đầu nhói theo từng cơn đôi khi chỉ là triệu chứng bình thường, đôi khi lại là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm. Một số bệnh lý nguy hiểm có triệu chứng đau nhói ở đầu như viêm màng não, u não, phình động mạch,… Bệnh nhân không nên tự ý điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau. Những bệnh lý nghiêm trọng này nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.
Người bệnh nên đi khám bác sĩ sớm nhất có thể trong các trường hợp sau:
- Tình trạng đau đầu kèm triệu chứng sốt cao, buồn nôn hoặc nôn, co giật, cứng cổ, tê cứng lưỡi hoặc khó nói, rối loạn tâm thần,…
- Các cơn đau nhói đầu đến đột ngột và cơn đau có cường độ dữ dội và ngày càng nghiêm trọng.
- Các cơn đau đầu xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều.
Tóm lại, đau đầu từng cơn nếu không lặp lại và cường độ nhẹ, bạn có thể chữa trị bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt và làm việc. Nhưng nếu triệu chứng này lặp lại thường xuyên, bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế. Tùy nguyên nhân gây đau đầu, các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách chữa trị phù hợp nhất.
Xem thêm:
- Hậu Covid-19 – Tại sao uống rượu lại đau đầu?
- Đau nửa đầu sau gáy bên trái là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.