Thuốc Hepedon với thành phần chính là thymomodulin, có tác dụng trong việc hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể và chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng, dị ứng. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu những thông tin và lưu ý về thuốc Hepedon trong bài viết dưới đây.
Thuốc Hepedon là gì?
Thành phần của thuốc Hepedon
Hepedon được bào chế ở dạng viên nang, thành phần trong mỗi viên thuốc gồm:
- Thymomodulin với hàm lượng 80 mg;
- Tá dược vừa đủ.
Vì sao Hepedon có tác dụng tăng cường miễn dịch?
Thành phần chính thymomodulin là protein có nguồn gốc từ hormon tuyến ức của bê, được chiết xuất và tinh chế bằng công nghệ sinh học hiện đại. Thymomodulin được chứng minh qua nhiều nghiên cứu với những tác dụng sau:
- Làm tăng số lượng của bạch cầu và tăng cường chức năng của đại thực bào, tế bào lympho, đây đều là những loại tế bào đóng vai trò quan trọng đối với hàng rào miễn dịch của cơ thể. Từ đó, giúp cơ thể nhận biết, bắt giữ và tiêu diệt những tác nhân gây hại, hỗ trợ cải thiện sức đề kháng đáng kể.
- Điều hòa và kích thích tủy xương sản sinh ra kháng thể, thúc đẩy nhanh sự hình thành phức hợp miễn dịch, hỗ trợ cơ thể trong những quá trình điều trị nhiễm trùng. Tác dụng trên tủy xương cũng có thể được sử dụng với mục đích giảm tác dụng phụ, giảm tổn thương tủy xương ở những người đang điều trị ung thư bằng liệu pháp hóa trị.
Ngoài ra, hoạt chất này cũng góp phần giảm số lượng IgE là một loại kháng thể gây dị ứng. Do đó, thymomodulin có thể được dùng điều trị những triệu chứng dị ứng, đặc biệt ở những người bị hen, viêm mũi dị ứng và viêm da dị ứng.
Hepedon hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể
Công dụng của thuốc Hepedon
Hepedon được sử dụng trong những trường hợp nào?
Thuốc Hepedon là thuốc kê đơn, được bác sĩ dùng với những chỉ định sau:
- Hỗ trợ trong việc dự phòng tái phát nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em và người lớn;
- Hỗ trợ cải thiện các triệu chứng ở những người bị viêm mũi dị ứng;
- Hỗ trợ dự phòng sự tái phát các phản ứng dị ứng gây ra bởi thức ăn;
- Hỗ trợ cải thiện những triệu chứng lâm sàng ở người bị HIV/ AIDS;
- Hỗ trợ làm tăng cường hệ miễn dịch ở những người cao tuổi.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cong_dung_cua_thuoc_hepedon_trong_dieu_tri_o_nguoi_suy_giam_mien_dich_hinh_3_dd6b2dde0e.jpg)
Trường hợp nào không được sử dụng Hepedon?
Không sử dụng Hepedon trên những người mẫn cảm hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Liều dùng của thuốc Hepedon
Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng Hepedon tùy theo từng đối tượng, tình trạng bệnh và mức độ đáp ứng của cơ thể. Sau đây là liều dùng khuyến cáo của Hepedon trong một số trường hợp:
- Hỗ trợ điều dự phòng tái phát nhiễm khuẩn hô hấp: 2 viên/ ngày, dùng trong khoảng thời gian 4 – 6 tháng;
- Hỗ trợ những tình trạng viêm mũi dị ứng: 2 viên/ ngày trong thời gian 4 tháng;
- Hỗ trợ dự phòng tái phát dị ứng do thức ăn: 2 viên/ ngày, dùng trong thời gian 3 – 6 tháng;
- Hỗ trợ cải thiện các triệu chứng lâm sàng đối với người bị HIV/ AIDS: 1 viên/ ngày, dùng trong thời gian 50 ngày;
- Hỗ trợ tăng cường miễn dịch ở người cao tuổi: 2 viên/ ngày, dùng trong thời gian 6 tuần.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cong_dung_cua_thuoc_hepedon_trong_dieu_tri_o_nguoi_suy_giam_mien_dich_hinh_4_aa94bb4484.jpg)
Hepedon được dùng theo sự chỉ định của bác sĩ nên tuyệt đối không được phép tự ý thay đổi liều dùng để tránh những tác dụng không mong muốn. Ngoài ra, nên duy trì khoảng thời gian sử dụng Hepedon đã được các chuyên gia khuyến cáo trong từng trường hợp để đạt được hiệu quả tối ưu.
Cách dùng thuốc Hepedon
Bạn nên uống thuốc vào sau bữa ăn. Hãy chọn ra một thời điểm uống thuốc cố định trong ngày để tránh quên thuốc, tạo một thói quen trong duy trì sử dụng thuốc liên tục đúng với khoảng thời gian điều trị khuyến cáo.
Tác dụng không mong muốn của Hepedon
Hiện chưa chưa ghi nhận bất kỳ báo cáo nào về các tác dụng phụ khi sử dụng Hepedon ở liều khuyến cáo. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc người dùng cần lưu ý có thể gặp những biểu hiện liên quan đến phản ứng dị ứng như buồn nôn, nôn, nổi ban đỏ trên da, chóng mặt,…
Vì thế, trong quá trình sử dụng sản phẩm, nếu gặp phải bất cứ triệu chứng bất thường nào, bạn hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc trung tâm y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử trí kịp thời.
Những lưu ý khi sử dụng Hepedon
Thận trọng và cảnh báo khi sử dụng Hepedon
Tránh sử dụng Hepedon cho những bệnh nhân có cấy ghép mô hoặc cơ quan, vì thuốc có thể kích thích những phản miễn dịch của cơ thể, làm tăng khả năng tiêu diệt hoặc loại bỏ những mô đã cấy ghép.
Tránh sử dụng cho những người đang điều trị với hormon, vì có một số bằng chứng cho thấy thuốc có thể làm biến đổi nồng độ một số hormon.
Không sử dụng Hepedon cho những bệnh nhân đang trải qua liệu trình ức chế miễn dịch vì có thể làm giảm hiệu quả điều trị.
Không sử dụng thuốc trên những đối tượng sau: người bị nhược cơ nặng, người bị suy giảm chức năng tuyến giáp mà không điều trị được, người có u tuyến tụy vì những dữ liệu về tính an toàn chưa được chứng minh rõ ràng.
Làm gì khi quên liều, quá liều?
Quên liều
Uống ngay khi nhớ ra khi bạn đã quên 1 liều thuốc. Trường hợp gần thời điểm dùng liều tiếp theo, nên bỏ qua liều đã quên và tiếp tục dùng thuốc theo đúng lịch trình. Không được uống liều gấp đôi để bù lại.
Quá liều
Hiện chưa có thông tin về bất kỳ trường hợp quá liều nào. Tuy nhiên, cần tuân thủ liều dùng đã được bác sĩ chỉ định, trong trường hợp vô tình dùng quá liều và xuất hiện các triệu chứng bất thường, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Trường hợp phụ nữ mang thai và người cho con bú
Hiện vẫn chưa có đủ dữ liệu về ảnh hưởng của thuốc đến thai nhi hoặc sự bài tiết thuốc vào sữa mẹ. Vì vậy để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai và cho con bú cần tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi sử dụng thuốc.
Diễm Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.