Cơn gò tử cung thường xuất phát điểm ở góc tử cung, rồi dần lan rộng khắp vùng thân của tử cung. Dẫu vậy, không phải cơn gò nào cũng là dấu hiệu của việc chuyển dạ. Vậy làm thế nào để mẹ bầu có thể nhận biết được các vấn đề này? Cùng Nhà Thuốc Long Châu đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!
Tại sao lại gọi là cơn gò tử cung?
Nhiều chị em hẳn là đã từng nghe qua thuật ngữ cơn gò tử cung. Bởi lẽ để nhận biết sự ra đời của thai nhi thì thường thông qua tình trạng này. Bản chất của cơn gò ở tử cung chính là sự đan xen co thắt và giãn nở các cơ ở tử cung.
Triệu chứng đi kèm là các mẹ sẽ cảm nhận rõ sự co cứng lại ở vùng bụng, có phần đau thắt như trong kỳ kinh nguyệt, vì vậy chị em ít nhiều sẽ bị nhầm lẫn giữa cảm giác đau thông thường và đau do các cơn gò gây ra. Tình trạng này xuất hiện từ cuối tam cá nguyệt thứ hai và tần suất tăng lên khi gần ngày dự sinh. Dĩ nhiên sẽ có những bà mẹ trải qua giai đoạn này sớm từ giữa tam cá nguyệt thứ hai.
Trong quá trình tử cung co bóp, mẹ bầu sẽ cảm nhận rõ sự cứng lại vùng bụng. Ngược lại, nó sẽ chuyển sang trạng thái mềm khi tử cung có dấu hiệu giãn ra. Trong khi xảy ra các cơn gò, tử cung sẽ mỏng dần và giãn ra với tần suất liên tục. Điều này hỗ trợ đẩy thai nhi vào vị trí sinh để quá trình chào đời diễn ra thuận lợi hơn.
Làm thế nào để nhận biết các cơn gò tử cung?
Thông thường, khi đối diện với các cơn gò, chị em sẽ gặp rất nhiều biểu hiện khác nhau. Dẫu vậy chúng ta hoàn toàn có thể nhận định rõ ảnh hưởng của các cơn gò tử cung thông qua một vài cảnh báo điển hình sau:
- Đau nhức phần xương chậu và vùng bụng, phần xương chậu có cảm giác nặng nề hơn lúc trước.
- Cảm nhận rõ sự đau nhức, tê mỏi vùng lưng dưới, sau đó lan rộng về phía trước.
- Các cơn gò xảy ra từ khoảng 45 đến 90 giây và ngày càng lâu hơn ở những giai đoạn cuối thai kỳ. Tần suất diễn ra các cơn gò cũng vì thế mà ngày càng tăng, cách nhau từ 5 đến 10 phút một lần.
- Mẹ bầu không thể di chuyển một cách dễ dàng vì sự đau nhức, các cơn đau không thuyên giảm kể cả khi thay đổi tư thế.
Một số loại cơn gò tử cung thường gặp
Trong những giai đoạn nhạy cảm của thai kỳ, chị em sẽ gặp tình trạng co thắt diễn ra liên tục. Tuy nhiên không phải cơn gò nào cũng đều đi đến một tình trạng nhất định. Chị em cần có sự phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa các cơn gò để đưa ra phương án xử lý thích hợp. Dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, chúng ta có thể nhận biết 3 dạng chính của các cơn gò.
Cơn gò sinh lý (Braxton – Hicks)
Cơn gò sinh lý bắt đầu xuất hiện từ khoảng tháng thứ tư cho tới giai đoạn gần cuối thai kỳ. Cường độ xảy ra của tình trạng này không đều và không tuân theo chu kỳ nhất định. Chính vì vậy mà sản phụ gần như không thể đoán trước được lúc nào các cơn gò sẽ đến.
Cơn gò sinh lý giống như một bài tập rèn luyện khả năng chịu đựng của phụ nữ mang thai. Cụ thể hơn là cảm giác căng tức vùng bụng dưới nhưng không gây nên sự đau đớn. Khoảng thời gian ảnh hưởng chỉ kéo dài từ 30 giây cho đến 1 phút trong một lần.
Điểm khác biệt của cơn gò sinh lý so với các cơn gò thông thường khác là không gây giãn nở cổ tử cung. Cơn gò này xảy ra nhiều khi bà mẹ bị suy nhược cơ thể hay mất nước. Chính vì vậy hãy dành thời gian nghỉ ngơi, bổ sung nhiều nước để giảm đau.
Cơn gò sinh non
Cơn gò xuất hiện trước khi thai nhi đạt 37 tuần tuổi có thể là một dấu hiệu nhận biết tình trạng sinh non. Thế nhưng nhiều bà mẹ cảm thấy khó phân biệt cơn gò này với các cơn gò sinh lý. Dưới đây là một số biểu hiện điển hình để chị em có thể nhận biết cơn gò sinh non:
- Mẹ bầu cảm thấy đau lưng liên tục và âm ỉ, vùng chậu đối mặt với áp lực lớn.
- Các cơn gò xuất hiện với tần suất liên tục, kéo dài 10 đến 12 phút trong hơn 1 giờ.
- Cảm giác căng chặt ở tử cung, vùng bụng bị cứng lại.
- Xuất hiện tình trạng chảy máu âm đạo, tiêu chảy và vỡ ối.
- Một số bà mẹ bị co thắt hoặc chuột rút do các cơn gò gây ra.
Vấn đề sinh non tiềm ẩn nhiều nguy cơ hết sức nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng đến tình trạng của thai. Vậy nên nếu gặp bất kỳ biểu hiện nào, các mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Cơn gò chuyển dạ
Sau tuần thai thứ 37, các cơn gò là dấu hiệu cho quá trình chuyển dạ ngày càng trở nên rõ rệt. Tần suất xảy ra cũng như mức độ ảnh hưởng tăng dần để mở rộng tử cung, thuận lợi đẩy thai nhi ra ngoài. Các hoạt động nghỉ ngơi hay bù nước không làm giảm cường độ của các cơn gò trong giai đoạn này.
Cũng giống như những giai đoạn trước đó, để nhận biết được cơn gò chuyển dạ chị em có thể dựa vào một số biểu hiện như: Xuất hiện nhớt hồng vùng âm đạo, bị vỡ ối, thậm chí có máu khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó các bà mẹ có cảm giác thai nhi dần bị đẩy xuống thấp hơn trong bụng. Quá trình của cơn gò chuyển dạ được chia thành 2 giai đoạn.
- Giai đoạn chuyển dạ tiềm thời: Mức độ ảnh hưởng của các cơn gò trong giai đoạn này thường nhẹ, xuất hiện cảm giác căng chặt tử cung và vùng bụng dưới. Các cơn gò trong giai đoạn này kéo dài trong khoảng 30 cho đến 90 giây với tần suất 3 đến 5 phút. Càng về cuối thai kỳ, cường độ sẽ tăng dần nhằm hỗ trợ mở rộng cổ tử cung. Một số dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu cần chú ý như: Tiết chất nhầy hồng, vỡ ối…
- Giai đoạn chuyển dạ tích cực: Tần suất và thời gian diễn ra các cơn gò tiếp tục tăng, kéo dài 45 – 60 giây trong khoảng 3 – 5 phút một lần. Từ đây cổ tử cung mở rộng từ 7 đến 10cm để dễ dàng đẩy thai nhi ra ngoài. Thế nhưng, hệ quả là khiến sản phụ đau nhức ở phần lưng và bụng, thậm chí xuất hiện tình trạng chuột rút. Những biểu hiện đi kèm với các cơn gò như: Chóng mặt, buồn nôn ớn lạnh, đầy bụng…
Làm thế nào để giảm đau từ các cơn gò?
Dưới áp lực của cơn gò ở tử cung trong quá trình mang thai, các cơn đau liên tục sẽ ảnh hưởng đến tình trạng của mẹ bầu. Vậy có phương pháp nào để kiểm soát các cơn đau hay không? Chị em có thể tham khảo một số cách thức dưới đây:
- Tắm bằng vòi hoa sen hoặc thư giãn trong bồn tắm.
- Thay đổi chế độ vận động như đi bộ nhẹ nhàng hay thực hiện các bài tập giảm đau.
- Thực hiện các bài tập yoga dành cho phụ nữ mang thai.
- Thường xuyên massage vùng lưng để giảm đau nhức.
- Xây dựng thói quen nghe nhạc và ngồi thiền để giảm áp lực lên suy nghĩ.
Trong nhiều trường hợp các cơn đau xuất hiện nhiều và kéo dài, dùng mọi phương pháp cũng không có tác dụng. Khi đó chị em cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
Bài viết trên đây là những thông tin cơ bản nhất về cơn gò tử cung ở phụ nữ mang thai. Hy vọng rằng thông qua những chia sẻ hữu ích này, các bạn đã có thêm những kiến thức y khoa cần thiết. Hãy đồng hành cùng nhà thuốc Long Châu trong những bài viết tiếp theo nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Vinmec.com
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.