Cả quan điểm khoa học và kinh nghiệm dân gian đều đề cập đến những vấn đề các cặp vợ chồng cần kiêng cữ khi mang thai. Sức khỏe của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai nhi nên mẹ bầu cần kiêng cữ cẩn thận là đương nhiên. Nhưng còn người chồng thì sao? Chồng kiêng gì khi vợ mang thai để tốt cho cả vợ lẫn con?
Theo khoa học chồng kiêng gì khi vợ mang thai?
Có một số thói quen hoặc hành động bộc phát nhất thời của người chồng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của mẹ bầu. Từ đó, nó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Dưới đây là những thói quen và hành động mà người chồng nên hết sức tránh khi vợ mang thai:
Thói quen hút thuốc lá
Tác hại của việc hút thuốc lá đối với sức khỏe bất cứ ai trong chúng ta cũng đều rõ. Nếu người chồng hút thuốc lá trong không gian sống, người vợ và thai nhi sẽ trở thành đối tượng hút thuốc lá thụ động. Theo các bằng chứng khoa học, người hút thuốc lá thụ động sẽ hít vào cơ thể lượng chất độc hại nhiều hơn người hút thuốc trực tiếp từ 3 – 4 lần. Các chất độc hại này làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi, thai chết lưu, thai nhi nhẹ cân, sinh non…
Không để mẹ bầu làm việc nặng
Người phụ nữ vẫn luôn bận rộn với đủ thứ việc không tên trong gia đình. Tuy nhiên, trong thai kỳ, họ cần có sự chia sẻ việc nhà từ người chồng. Chồng kiêng gì khi vợ mang thai? Các đức lang quân nên tránh việc để mẹ bầu làm quá nhiều việc hay làm những việc nặng nhọc. Điều này không tốt cho sức khỏe của mẹ cũng như làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non.
Kiêng gây áp lực tâm lý cho mẹ bầu
Các nhà khoa học cho biết tâm lý của mẹ bầu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thai nhi. Nếu mẹ bầu thường xuyên áp lực, căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến thành tố hóa học và dinh dưỡng truyền vào thai nhi. Căng thẳng cũng gây thiếu oxy máu và điều này không hề có lợi cho thai nhi.
Hạn chế quan hệ 3 tháng đầu và 3 tháng cuối
Ba tháng đầu mang thai là giai đoạn nhạy cảm, nguy cơ sảy thai cao nếu tử cung co thắt hay có tác động lên vùng bụng dưới. Áp lực lên tử cung cũng làm tăng nguy cơ bong nhau thai. Những tháng cuối thai kỳ thai nhi đã phát triển lớn và khá chật chội trong tử cung người mẹ. Người chồng nên hạn chế, thậm chí kiêng quan hệ trong một vài trường hợp có sự khuyến cáo của bác sĩ sản khoa để tránh nguy cơ sảy thai, vỡ ối non, sinh non.
Ngoài ra, trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, nhiều bà bầu cảm thấy mệt mỏi, đau vùng chậu nên sẽ không cảm thấy thực sự thoải mái và hứng thú với chuyện vợ chồng.
Không chê bai, phê phán
Người phụ nữ khi mang thai có tâm trạng rất mong manh. Họ có thể thiếu tự tin về ngoại hình, suy giảm về sức khỏe nên nhạy cảm và hay suy nghĩ hơn bình thường. Nếu thấy vợ bạn nghỉ ngơi nhiều, đừng vội phê phán cô ấy lười biếng hay trốn việc. Nếu thấy vợ bạn khó ăn uống, đừng vội phê phán cô ấy nhõng nhẽo, mè nheo. Lúc này, người chồng nên động viên, khích lệ thay vì chê bai, phê phán hay đùa cợt. Vì điều đó sẽ khiến bà bầu có tâm trạng không tốt, ảnh hưởng đến cả thai nhi.
Tránh nói với vợ rằng những gì cô ấy trải qua là bình thường
Nhiều người chồng có suy nghĩ họ biết tất cả những gì bà bầu đang trải qua, những gì vợ họ đang trải qua là bình thường, mọi phụ nữ ngoài kia đều làm được. Nhưng đây là một sai lầm nghiêm trọng trong suy nghĩ và giao tiếp, điều có thể khiến người vợ cảm thấy thất vọng. Mỗi người phụ nữ có một cơ địa riêng và họ phải trải qua những mệt mỏi, lo lắng, thay đổi khác nhau trong thai kỳ. Họ cần có sự sẻ chia từ chồng của mình để có động lực vượt qua mọi sự mệt mỏi và lo lắng đó. Việc người chồng nên làm là động viên, khích lệ việc họ đang cố gắng thực hiện thiên chức cao cả của người mẹ.
Không nên phàn nàn về trách nhiệm của bạn
Trong nhiều gia đình, người chồng sẽ phải cáng đáng mọi việc nhà khi vợ mang thai. Thậm chí nếu sức khỏe người vợ không đảm bảo, họ phải nghỉ làm sớm, người chồng sẽ phải lo kinh tế thay cả phần của vợ. Những bận rộn, mệt mỏi đôi khi sẽ khiến người chồng cáu gắt, kể công, phàn nàn về những trách nhiệm của mình. Điều này chỉ khiến tâm trạng bà bầu thêm nặng nề mà thôi. Bạn đừng quên, chính người phụ nữ cũng đang phải mang một trọng trách lớn lao là đảm bảo để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Và chính người phụ nữ cũng mệt mỏi, áp lực không kém.
Theo dân gian chồng kiêng gì khi vợ mang thai?
Trên đây là những điều người chồng cần kiêng khi vợ mang thai dưới góc nhìn khoa học. Còn theo quan điểm dân gian thì sao? Chồng kiêng gì khi vợ mang thai? Theo quan niệm dân gian, dưới đây là những việc người chồng cần kiêng trong thai kỳ của vợ:
- Không sát sinh, giết hại chúng sinh (cắt tiết gà, ăn thịt chó,…).
- Không đặt các đồ vật sắc nhọn trên đầu giường để tránh gây tâm trạng bồn chồn, lo lắng, bất an cho bà bầu.
- Không trồng cây khi vợ mang thai để tránh ảnh hưởng đến tài lộc của gia đình hay tránh việc sinh nở khó khăn,…
Những việc làm cần kiêng cữ trên đây chỉ được truyền miệng theo kinh nghiệm dân gian, chưa có cơ sở khoa học. Vì vậy, có kiêng hay không kiêng tùy theo quan điểm của mỗi gia đình. Tuy nhiên, với những điều cần kiêng cữ theo quan điểm khoa học, người chồng cần nghiêm túc tuân theo.
9 tháng 10 ngày mang thai là khoảng thời gian tuyệt vời nhưng cũng đầy thử thách với cả người chồng và người vợ, nhất là với những cặp có con lần đầu. Ngoài việc các bà bầu nên tìm hiểu mang thai phải kiêng những gì thì chồng kiêng gì khi vợ mang thai cũng là điều những ông bố cần biết. Chắc chắn những điều người chồng cố gắng tìm hiểu và kiêng cữ sẽ là “chìa khóa” mang lại sức mạnh thể chất lẫn tinh thần cho người vợ.
Xem thêm: Cảnh giác dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.