Việc xác định nồng độ E2 giúp đánh giá tổng quan sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ. Thông qua chỉ số E2 mà các y bác sĩ có thể xác định được buồng trứng, tuyến thượng thận, tuyến vú, tinh hoàn,… có hoạt động bình thường để sẵn sản cho quá trình sinh sản hay không
Estradiol là gì?
Estradiol hay còn gọi là Oestradiol hay 17 beta-estradiol (17β–estradiol), kí hiệu là E2, là một loại hormone nội tiết và là hormone mạnh nhất trong ba loại của Estrogen (Estradiol, Estrone và Estriol). Estradiol được sản xuất chính từ buồng trứng của nữ giới và có nhiều nhiệm vụ, trong đó đặc biệt duy trì hệ thống cơ quan sinh sản cũng như trong quá trình dậy thì trưởng thành.
Vào chu kỳ kinh nguyệt, sự gia tăng nồng độ Estradiol sẽ giúp trứng trưởng thành và được giải phóng, hay còn gọi là giúp rụng trứng. Ngoài ra E2 còn làm dày niêm mạc tử cung để trứng có thể làm tổ nếu được thụ tinh, đồng thời giúp mô vú phát triển và tăng mật độ xương, sụn.
Nồng độ Estradiol thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, đặc biệt cao nhất khi rụng trứng và thấp nhất khi hành kinh. Tuổi tác cũng có thể làm nồng độ Estradiol giảm dần và đến thời kỳ mãn kinh thì lượng Estradiol hầu như không còn nhiều.
Trong thời gian mang thai, nhau thai cũng sản xuất ra Estradiol nhưng với số lượng không nhiều, chủ yếu là ở cuối thai kỳ.
Ngoài ra, E2 cũng có ở nam giới, tuy nhiên số lượng sản xuất ra thấp hơn nhiều so với nữ giới. Chúng được sản xuất trong tinh hoàn, một phần testosterone được chuyển đổi thành estradiol và estradiol này cũng có vai trò quan trọng cho việc sản xuất tinh trùng.
Ở cả hai giới, E2 cũng được tạo ra với một lượng nhỏ từ mô mỡ, não và thành mạch máu.
Vai trò của Estradiol đối với sức khoẻ sinh sản nữ giới
Đối với nam giới, nồng độ Estradiol thích hợp giúp duy trì xương, sản xuất oxit nitric và góp phần duy trì não hoạt động tốt.
Đối với nữ giới, Estradiol có nhiều vai trò hơn như:
Là hormone giúp cơ quan sinh sản tăng trưởng
Cũng như Estrogen, Estradiol tham gia vào nhiều hoạt động của cơ thể.
Đối với nữ giới, Estradiol (E2) hoạt động như một loại hormone giúp cho các cơ quan sinh sản như âm đạo, ống dẫn trứng, nội mạc tử cung và tuyến cổ tử cung tăng trưởng và phát triển. Đồng thời chúng cũng giúp các lớp cơ tử cung phát triển.
Ngoài ra E2 còn giúp trứng phát triển để quá trình rụng trứng diễn ra tốt.
Phát triển các đặc điểm sinh dục thứ cấp
Estradiol thúc đẩy quá trình dậy thì và tạo ra những thay đổi cho cơ thể ở quá trình này. Những thay đổi này sẽ diễn ra mạnh mẽ ở độ tuổi sinh sản và giảm rõ rệt trong thời kỳ tiền mãn kinh do lượng Estradiol suy giảm.
E2 giúp các mô ngực phát triển bình thường, thay đổi hình dáng cơ thể trở nên thanh thoát hơn, khiến làn da trở nên mịn màng, căng sáng hơn, đồng thời cũng hỗ trợ cấu trúc phân bố chất béo đặc trưng ở nữ, giúp mỡ tăng nhiều tại vùng ngực, hông, mông, làm eo thon.
Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt
Estradiol rất quan trọng để duy trì trứng trong buồng trứng. Trong chu kỳ kinh nguyệt, các nang trứng sẽ tiết ra Estradiol và sau đó Estradiol kích thích rụng trứng.
Sau khi rụng trứng, trong giai đoạn hoàng thể, Estradiol tiếp tục hoạt động kết hợp với hormone Progesterone (cũng là một hormone sinh dục nữ) để tạo độ dày cho niêm mạc tử cung, từ đó nếu trứng được thụ tinh thì trứng sẽ có thể làm tổ.
Duy trì thai kỳ ổn định
Trong thời kỳ mang thai, nồng độ E2 tăng cao để kết hợp cùng với Progesterone, chúng đóng vai trò lớn trong việc duy trì thai kỳ ổn định. Hiện nay cũng có nhiều nghiên cứu đang được tiến hành về vai trò của loại Estrogen để xem tác động của chúng trong việc chuyển dạ trước sinh.
Duy trì sức khỏe cho nữ giới
Estradiol rất cần thiết cho sự phát triển đầy đủ chức năng và cấu trúc xương, duy trì sức khỏe của xương khớp, E2 làm giảm tình trạng tiêu xương, loãng xương.
Quá trình mất xương thường tăng nhanh ở phụ nữ sau mãn kinh vì khi đó cơ thể bị hao hụt nhiều Estradiol.
Đối với não bộ, hormone E2 có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh và não bộ.
E2 giúp cải thiện lưu lượng máu trong động mạch vành ở mạch máu.
Estradiol cao có ảnh hưởng gì không?
Câu trả lời là có. Nồng độ Estradiol cao hơn mức bình thường là một trong dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp phải một trong số tình trạng dưới đây:
- Dễ bị dậy thì sớm.
- Buồng trứng (ở nữ) hoặc tinh hoàn (ở nam) xuất hiện khối u.
- Nam giới bị nữ hóa tuyến vú, phát triển ngực to hơn bình thường.
- Cường giáp do tuyến giáp hoạt động quá mức.
- Gan bị xơ, sẹo gan.
Mặt khác , nếu Estradiol thấp có thể cho thấy cơ thể đang có vấn đề:
- Nữ giới bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh.
- Mắc hội chứng Turner (hội chứng rối loạn di truyền, lúc này phụ nữ chỉ có một nhiễm sắc thể X thay vì 2).
- Nữ giới bị suy buồng trứng hoặc mãn kinh sớm, xảy ra khi mới 40 tuổi nhưng buồng trứng ngừng hoạt động.
- Nữ giới bị mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), rối loạn hormone hoặc có thể gây vô sinh ở nữ giới.
- Estrogen bị giảm sản xuất, khả năng sinh dục kém.
- Suy tuyến yên.
Trên đây là một số thông tin hữu ích về vấn đề: “Estradiol cao có ảnh hưởng gì không?”. Hi vọng quý độc giả có thể biết được ảnh hưởng khi E2 cao quá mức bình thường và sớm có biện pháp điều trị điều chỉnh.
Như Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.