Kỳ kinh nguyệt là thời điểm nhạy cảm của các chị em vì có nhiều sự thay đổi trong cơ thể. Những ngày này cũng cần chú ý đến chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý. Nhiều người không biết tới tháng nên làm gì và thường có rất nhiều băn khoăn, một trong số đó là thắc mắc “Đến tháng có nên gội đầu không?”
Sự thay đổi của mái tóc khi đến kỳ “rụng dâu”
Trong thời gian kinh nguyệt, mái tóc và da đầu của nhiều chị em thường xảy ra những biến đổi nhất định. Theo đó, nhiều người cảm thấy mái tóc xỉn màu và xơ xác hơn trong thời gian hành kinh. Lý giải về tình trạng này, các nhà khoa học cho rằng do có sự tăng testosterone và sụt giảm estrogen khiến da đầu tiết nhiều dầu hơn bình thường. Điều này có thể gây ra các vấn đề như tóc bết dính, xơ yếu, nhiều gàu ngứa,…
Đến tháng có nên gội đầu không?
Trên thực tế, không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc gội đầu trong ngày đèn đỏ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của phụ nữ. Do đó, sự kiêng kỵ gội đầu khi tới tháng chỉ là lời truyền miệng trong dân gian và không dựa trên cơ sở khoa học nào cả.
Theo quan điểm của y học hiện đại, việc gội đầu khi tới tháng là điều cần thiết bởi sẽ giữ cho da đầu sạch sẽ, cơ thể dễ chịu. Kiêng gội đầu trong thời gian này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm da đầu phát triển dẫn đến viêm nang lông hay các bệnh lý về da và tóc.
Bên cạnh các vấn đề về da đầu, nữ giới còn phải trải qua những cảm giác khó chịu khác khi đến tháng như đau bụng kinh, đau lưng, mệt mỏi, cáu gắt,… Mỗi kỳ kinh nguyệt trung bình kéo dài từ 3 – 7 ngày, nếu không tắm gội sạch sẽ lại càng khiến chị em bứt rứt, ngứa ngáy và khó chịu hơn.
Cần lưu ý gì khi gội đầu trong kỳ kinh nguyệt?
Thời điểm gội đầu
Trong thời gian kinh nguyệt, tình trạng sức khỏe của phụ nữ thường không ổn định, nhiều người có thể bị đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn,… Do đó, hãy lựa chọn thời điểm thích hợp để gội đầu, cụ thể:
- Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng và chủ động gội đầu trước một ngày khi kỳ kinh diễn ra.
- Nên gội đầu khi cơ thể khỏe mạnh, không mệt mỏi; gội vào buổi trưa hoặc chiều tối khi còn sớm để tránh bị cảm mạo.
- Không gội đầu vào lúc mới thức dậy buổi sáng, lúc ban đêm hoặc sau khi vừa ăn no xong.
Thời gian gội đầu
Trong những ngày đầu hành kinh, nếu sức khỏe không ổn định thì có thể lùi việc gội đầu lại 1 – 2 ngày sau cho tới khi tình trạng sức khỏe tốt hơn. Những ngày này, chị em có thể thấy tóc bết dính hoặc gãy rụng nhiều hơn do nội tiết tố gây ra. Tình trạng này sẽ được cải thiện khi kỳ kinh nguyệt kết thúc.
Nhiều người thường có thói quen massage khi gội đầu để tăng tuần hoàn máu, giải tỏa căng thẳng. Nhưng trong khoảng thời gian này, chị em nên gội đầu nhanh chóng, tối giản các bước vì massage sẽ tốn thời gian và dễ khiến cơ thể nhiễm lạnh. Mục đích lớn nhất của việc gội đầu trong thời gian này là giữ vệ sinh cơ thể, tránh mắc các bệnh da liễu. Hãy dành thời gian massage thư giãn sau khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/chi_em_phu_nu_den_thang_co_nen_goi_dau_khong3_e2296c1c9d.jpeg)
Dùng nước ấm gội đầu
Để tránh bị cảm lạnh, nên gội đầu ở nơi kín gió và gội nước ấm khoảng 40 – 45 độ. Nước ấm sẽ giúp các lỗ chân lông giãn nở, loại bỏ hiệu quả gàu và bụi bẩn tích tụ trên da đầu. Bên cạnh đó, do da đầu tiết dầu nhiều hơn bình thường nên chị em cần sử dụng loại dầu gội có khả năng làm sạch tốt.
Xem thêm: Nên gội đầu bằng nước nóng hay nước lạnh
Sấy khô tóc
Để tóc ướt sẽ dễ bị nhiễm lạnh, do đó khi gội đầu xong hãy lau tóc bằng khăn mềm và sấy tóc để da đầu khô thoáng. Không nên buộc tóc khi còn ẩm vì sẽ khiến tóc dễ gãy rụng, bí da đầu,…
Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt trong ngày đèn đỏ
Bên cạnh việc gội đầu thì việc giữ vệ sinh vùng kín và cơ thể trong thời kỳ kinh nguyệt là rất quan trọng. Do đó chị em cần đảm bảo thực hiện việc vệ sinh sạch sẽ cũng như có chế độ ăn uống hợp lý, cụ thể:
- Thay băng vệ sinh thường xuyên, vệ sinh vùng kín sạch sẽ để tránh viêm nhiễm.
- Nên tắm gội bằng nước ấm vừa phải trong những ngày kinh nguyệt.
- Cơ thể những ngày này bị xuất huyết và trở nên yếu ớt hơn bình thường. Vì thế, tránh thức khuya, đảm bảo chất lượng giấc ngủ để giảm bớt tổn hại cho sức khỏe.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho khoa học, hợp lý.
- Hạn chế ăn các đồ cay nóng, đồ lạnh hoặc sống, rượu bia, chất kích thích vì dễ dẫn đến đau bụng.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/chi_em_phu_nu_den_thang_co_nen_goi_dau_khong2_0e6327b6df.jpeg)
Trên đây là những chia sẻ giải đáp thắc mắc đến tháng có nên gội đầu không của nhiều chị em. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp ích phần nào cho phụ nữ để trải qua một chu kỳ kinh nguyệt thoải mái và dễ chịu hơn.
Xem thêm:
- Gội đầu nhiều tóc có nhanh dài không
- Các cách gội đầu bằng vỏ bưởi giúp trị rụng tóc hiệu quả nhất
Cẩm Ly
Nguồn: Tổng hợp
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.