Trong suốt thai kỳ, thai nhi cần được theo dõi cân nặng thường xuyên để đánh giá tổng quan tình trạng sức khỏe của con. Để ước tính cân nặng của thai nhi, các bác sĩ chuyên sản khoa thường sử dụng kỹ thuật siêu âm thai. Nhiều mẹ bầu thắc mắc không biết vì sao phải xác định cân nặng của thai nhi và cách tính cân nặng thai nhi trên siêu âm có chuẩn xác không. Mời bạn đọc tìm hiểu trong bài chia sẻ dưới đây nhé!
Cân nặng của thai nhi qua siêu âm được dự đoán như thế nào?
Để trả lời cho câu hỏi cách tính cân nặng thai nhi trên siêu âm có chính xác không, cần tìm hiểu xem cân nặng thai nhi được tính thông qua kỹ thuật siêu âm như thế nào. Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 30 thuật toán khác nhau được dùng để dự đoán cân nặng của thai nhi. Các thông số được thu thập từ nhiều vị trí trên cơ thể sẽ được đưa vào các thuật toán, từ đó sẽ cho ra kết quả cân nặng và kích thước của bé. Có 4 thông số thường được dùng để ước tính cân nặng của bé:
- Chu vi vòng đầu;
- Đường kính lưỡng đỉnh (đường kính chu vi đầu bé), được đo ở mặt cắt lớn nhất tính từ trán ra sau gáy hộp sọ của trẻ;
- Chu vi bụng, được cho là phản ánh kích thước bé chuẩn xác nhất;
- Chiều dài xương đùi.
Thông số này chỉ có độ chính xác tương đối, đặc biệt là đường kính lưỡng đỉnh, vì nhiều bé có cân nặng tương tự nhưng lại có đường kính đỉnh khác nhau. Ngoài siêu âm, các bác sĩ sẽ dựa trên các chỉ số khác như giới tính, tuổi thai và nhiều yếu tố khác để dự đoán cân nặng của bé. Chẳng hạn như, nếu mẹ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ thì thai nhi thường sẽ có kích thước lớn so với bình thường.
Ngoài siêu âm, các bác sĩ hoặc y tá có thể dự đoán cân nặng của thai nhi bằng cách sờ bằng tay khi thực hiện khám thai bằng phương pháp Leopold. Mặc dù không chính xác 100%, nhưng đôi khi phương pháp này vẫn có thể đưa ra kết quả chính xác hơn trong một số trường hợp.
Cách tính cân nặng thai nhi trên siêu âm có chính xác không?
Trên thực tế, siêu âm không phải là phương pháp chính xác nhất để xác định cân nặng của thai nhi. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có thể dự đoán cân nặng của em bé với sai số từ 8 – 15%. Điều này có nghĩa là thai nhi có thể nặng hơn hoặc nhẹ hơn so với cân nặng thực tế.
Độ chính xác của phương pháp siêu âm thường sẽ cao hơn khi xác định kích thước trong nửa đầu thai kỳ. Ở các giai đoạn sau, mỗi thai nhi thường sẽ phát triển theo các hướng khác nhau. Vì vậy, độ chính xác khi xác định cân nặng bằng siêu âm sẽ phụ thuộc vào việc bé có kích cỡ nhỏ hay trung bình.
Càng cận ngày dự sinh, thai nhi sẽ càng phát triển lớn hơn và việc xác định cân nặng chính xác cũng khó khăn hơn. Trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, đặc biệt trước khi chuyển dạ, các mẹ bầu sẽ được yêu cầu siêu âm định kỳ thường xuyên. Lúc này, bác sĩ sẽ xem xét các thông tin như:
- Vị trí của thai nhi;
- Vị trí của nhau thai;
- Thể tích của ối;
- Trắc đồ sinh vật lý.
Ngay cả khi thai nhi có kích thước lớn hơn bình thường, thai phụ vẫn có thể sinh thường thay vì sinh mổ. Ước tính cân nặng chỉ là yếu tố để bác sĩ cân nhắc và chọn phương pháp sinh phù hợp nhất, tránh rủi ro cho cả mẹ và bé.
Mặc dù cách tính cân nặng thai nhi trên siêu âm không tuyệt đối chính xác, nhưng phương pháp này vẫn được sử dụng khá phổ biến vì tính tiện lợi và dễ thực hiện. Bên cạnh đó, việc siêu âm cũng sẽ giúp bác sĩ có hướng xử lý phù hợp khi có sự bất thường trong cân nặng.
Vì sao phải ước tính cân nặng của thai nhi?
Cân nặng thai nhi là một yếu tố quan trọng để giúp bác sĩ đề xuất hình thức sinh phù hợp. Nói cách khác, việc thăm khám và siêu âm trong suốt thai kỳ là để theo dõi sự phát triển của thai nhi, điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.
Trước đây, các bác sĩ thường sẽ ước tính cân nặng của thai nhi bằng cách lấy trọng lượng hiện tại của người mẹ trừ đi trọng lượng trước khi mang thai. Nhưng phương pháp này sẽ có nhiều sai số vì chưa tính đến các yếu tố khác như nước ối, nhau thai hay số cân nặng người mẹ đã tăng trong thai kỳ. Sau đó, kỹ thuật siêu âm được sử dụng để ước tính cân nặng của thai nhi, mặc dù vẫn có sai số nhưng có độ chính xác cao hơn phương pháp trước đó.
Nếu cân nặng ước tính của bé quá lớn so với tiêu chuẩn ở tuổi thai đó, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định thai phụ sinh mổ. Thông thường, sinh mổ sẽ được xem xét khi cân nặng ước tính của bé lớn hơn 4.5kg, thường xảy ra khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ.
Việc mẹ bầu sinh thường khi trọng lượng em bé quá lớn có thể gây sinh khó do kẹt vai (shoulder dystocia), dễ gây tổn thương cho mẹ và bé. Trường hợp này, bác sĩ có thể quyết định mổ khi nhận thấy trọng lượng bé quá lớn. Tuy nhiên, đôi khi cân nặng ước tính có thể cao hơn cân nặng thực tế khi bé ra đời, vì vậy không nên chỉ dựa vào ước tính này để quyết định phương pháp sinh.
Mẹ cần biết gì về siêu âm thai 3 tháng cuối thai kỳ?
Ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là thời điểm trước khi chuyển dạ, mẹ bầu sẽ được chỉ định siêu âm định kỳ thường xuyên hơn. Điều này sẽ giúp bác sĩ xem xét một số yếu tố như:
- Vị trí của thai nhi;
- Vị trí nhau thai;
- Thể tích nước ối;
- Trắc đồ sinh vật lý (tình trạng vận động, chuyển động hô hấp và trương lực cơ của thai nhi).
Ngay cả khi thai nhi có kích thước lớn hơn bình thường, mẹ bầu vẫn có thể sinh thường thay vì sinh mổ. Bác sĩ sẽ dự đoán cân nặng và lựa chọn phương pháp sinh phù hợp, tránh rủi ro cho cả mẹ và bé.
Nhìn chung, siêu âm không phải là phương pháp xác định cân nặng và kích thước thai nhi chính xác nhất. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn được sử dụng phổ biến vì tính tiện lợi và rất dễ thực hiện. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các mẹ bầu giải đáp được cho thắc mắc cách tính cân nặng thai nhi trên siêu âm có chính xác không nhé. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh!
Xem thêm:
- Mẹ bầu siêu âm nhiều trong 3 tháng đầu có sao không?
- Siêu âm thai 3 tháng đầu và tất tần tật những điều mẹ cần biết
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.